Gác rừng giữa chốn thâm sơn

Đêm khuya, gió rừng thông thốc thổi làm tê buốt thịt da. Hơi nóng phả ra từ đống lửa trước lều tạm không đủ ấm cho những người đàn ông co quắp nằm ngủ trên nền đất hoặc võng. Họ ở đó để canh giữ cho cây rừng mãi xanh.

Họ là những cán bộ, nhân viên, người dân nhận khoán giữ rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly (huyện Chư Pah) và Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ (TP. Pleiku).

ĂN RỪNG, NGỦ NÚI, UỐNG NƯỚC SÔNG…

Đỉnh Chư Prông hay còn gọi đỉnh Cổng Trời (địa phận xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah) cao khoảng 1.200 m so với mực nước biển. Con đường lên đỉnh núi lởm chởm đất đá và có nhiều đoạn dốc dựng đứng. Muốn lên núi phải đi bộ hoặc dùng loại xe máy độ chế. Trên đường lên đỉnh núi, ông Nguyễn Tất Thành-Phó Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ phát cho chúng tôi những cây gậy và hướng dẫn một vài kỹ năng khi leo núi như: chỉ uống ít nước khi khát; bẻ cành cây làm dấu phòng khi bị lạc đường…

Tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: N.T

Tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: N.T

Gửi xe ở một nhà dân, chúng tôi đi bộ hơn 2 giờ từ đập nước Tiên Sơn lên đỉnh Chư Prông. Trên đỉnh núi có một chiếc lều dựng tạm bằng bạt và cây rừng. Một chiếc chiếu trải giữa lều, cách mặt đất một lớp lá cây. 3 cái chăn và màn xếp gọn gàng đặt trên chiếc chiếu. Trước cửa lều có nhiều cây to với vài chiếc võng buộc ngang thân. Trên một cái kệ đan sơ sài bằng cây rừng đặt trên cây lộc vừng có xoong nồi, chén bát, gạo, mì tôm, cá khô. Dưới mặt đất là một bếp với ba cục đá để kê xoong nồi lúc nấu nướng.

Chỉ tay về một ngọn núi cách nơi dựng lều khoảng 1 km, anh Kpă Doai-Tổ trưởng Tổ Quản lý và Bảo vệ rừng khu vực huyện Chư Pah (Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ) cho hay: “Tổ tôi có 4 nhóm với 75 người ở 4 lều cách nhau vài quả núi. Chỗ nào cũng khó khăn như nhau vì xa dân cư, không điện, không nước sạch, sóng điện thoại chập chờn, ở lều bạt... Năm ngoái, nhóm này dựng lều ở trên ngọn núi đó. Chỗ đó cao dễ quan sát hơn nhưng trống trải quá. Đã 3 lần dựng lều trên đó bị gió cuốn đi nên phải dời xuống đây”.

Đi bộ xuống con suối nhỏ có tên Nhiên Hưk cách lều khoảng 1 km xách nước về nấu bữa cơm chiều, ông Nguyễn Ngọc Hùng (trú thôn 2, xã Nghĩa Hưng) chia sẻ: “Nhóm tôi có 32 người dân nhận giao khoán rừng chia thành nhiều tốp gác rừng. Mỗi tốp có 4-5 người dân ở 2 xã: Nghĩa Hưng và Chư Đang Ya. Ở trên đỉnh núi khổ lắm. Đêm ngủ trong lều tạm, gió sương lạnh buốt. Ban ngày nắng gay gắt. Hàng ngày phải dùng nước suối để nấu ăn, tắm giặt. Đêm nào cũng đốt lửa chiếu sáng thay điện. Ăn uống chỉ tạm bợ cho qua ngày”.

Ở một hòn đảo nhỏ nơi ngã ba suối Đak Ly và sông Sê San thuộc địa phận xã Ia Kreng (huyện Chư Pah) có một cái lều tạm bằng bạt và cây rừng của lực lượng giữ rừng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly. Đây là nơi mà 40 hộ dân làng Díp (xã Ia Kreng) và cán bộ, nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly thay phiên nhau ở để canh giữ 1.200 ha rừng. Khu vực này chủ yếu là rừng tự nhiên, có địa hình phức tạp và tiếp giáp với địa phận huyện Ia Grai và tỉnh Kon Tum.

Để đến được nơi dựng lều canh rừng, những người đảm nhiệm việc này phải đi thuyền hơn 2 giờ trên sông Sê San. Hành trang mang theo của những người gác rừng là một ít gạo, mắm muối, còn thức ăn thì tận dụng từ tự nhiên. “Ngoài hái rau rừng nấu canh, chúng tôi câu cá, bắt ếch, ốc để ăn. Cơm nấu thì bữa sống bữa chín. Đến tối, chúng tôi mắc võng ngủ trong lều. Xung quanh lều là sông sâu, núi cao nên đêm lạnh lắm. Nhiều hôm, mưa giông rách bạt, ướt hết người cùng đồ đạc. Có hôm mưa to, nước sông dâng lên cuốn trôi đồ đạc, anh em chèo thuyền chở nhau lên núi và đi tìm đồ. 7 năm nay, chưa hôm nào tôi ngủ yên giấc khi gác rừng”-anh Rơ Châm Du (trú làng Díp) bộc bạch.

Phải có một hành trình theo chân những người gác rừng mới thực sự hiểu hết nỗi gian truân. Dù trên đỉnh núi hay ở giữa sông, người gác rừng đều phải chống chọi với thời tiết khắc nghiệt. Đó là những đêm co quắp vì sương gió của đất trời. Những đống lửa đốt quanh lều không đủ sưởi ấm trong đêm dài gió lạnh. Họ thường xuyên thức giấc, nhặt thêm củi cho đống lửa thêm sức nóng. Là nỗi niềm khi mức lương chưa tương xứng dù dấu chân tuần tra in hằn giữa hàng ngàn héc ta rừng. Và, trong đầu họ thường trực cả nỗi lo mưa gió bất thường hay người trở bệnh nặng đột ngột... “Mười mấy năm trước, khi chúng tôi gác rừng ở đỉnh núi bên kia, có một người trong nhóm bị đau bụng dữ dội. Chúng tôi vội dùng cáng khiêng xuống núi nhưng không kịp cứu anh ấy”-ông Hùng ngậm ngùi nhớ lại.

ĐỂ GIỮ CÂY RỪNG MÃI XANH

Bảo vệ cho cây rừng mãi xanh là trách nhiệm của người dân nhận khoán và cán bộ, nhân viên các ban quản lý rừng phòng hộ. Hàng chục năm qua, sự hiện hữu của lực lượng thầm lặng làm nhiệm vụ bảo vệ rừng này đã góp công lớn trong việc giữ cho hàng ngàn héc ta rừng phòng hộ tránh được sự dòm ngó của kẻ gian hay hỏa hoạn. Các thành viên trong tổ giữ rừng trên đỉnh Chư Prông thường trực nỗi lo hỏa hoạn. Phần lớn diện tích rừng các hộ dân nhận khoán là thông. Có cây thông được trồng từ mấy chục năm trước nhưng cũng có cây mới 3-4 năm tuổi. Trong khi đó, rừng thông rất dễ xảy ra hỏa hoạn, nhất là vào mùa khô. Một đốm lửa nhỏ từ tàn thuốc lá do ai đó sơ ý cũng dễ bùng phát thành vụ cháy lớn. “Chúng tôi thường xuyên túc trực ở đây để kịp thời phát hiện, khống chế đám cháy. Lỡ bùng phát thành đám cháy lớn, chúng tôi lập tức báo cho cơ quan chức năng tổ chức lực lượng dập lửa. Mấy năm nay, ở chỗ chúng tôi gác chưa xảy ra vụ cháy nào cả. Ngoài ra, chúng tôi còn xua đuổi bò, dê chăn thả trên núi để tránh cho cây thông mới trồng bị ăn trụi lá rồi chết”-anh Dích (trú làng Ia Gri, xã Chư Đang Ya) nói.

Lực lượng giữ rừng nghỉ trong lều bạt dựng tạm. Ảnh: N.T

Lực lượng giữ rừng nghỉ trong lều bạt dựng tạm. Ảnh: N.T

Với tổ giữ rừng ở hòn đảo nơi ngã ba suối Đak Ly và sông Sê San, công việc của họ gặp khó khăn gấp bội. Đa phần diện tích rừng nhận khoán của 40 hộ làng Díp là rừng tự nhiên. Vì rừng còn nhiều gỗ quý có đường kính lớn nên lâm tặc lăm le cắt trộm. Những bước chân tuần tra của lực lượng canh gác giúp cho “lá phổi xanh” không gục ngã dưới lưỡi cưa của lâm tặc. Họ cũng là những tuyên truyền viên tích cực cho việc vận động người dân không phát rừng làm rẫy, đốt rừng. Anh Rơ Châm Pháo (làng Díp) kể: “Thỉnh thoảng, chúng tôi gặp người ở nơi khác đến với mục đích cưa trộm gỗ. Khi thấy chúng tôi, có người vội bỏ chạy, có người đe dọa và cũng có người giở trò dụ dỗ. Vì chúng tôi không đồng ý nên họ phải đi nơi

khác”.

Theo ông Nguyễn Tất Thành, Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ được giao quản lý 8.200 ha đất lâm nghiệp ở 3 huyện: Ia Grai, Chư Pah, Đak Đoa và TP. Pleiku. Trong đó, diện tích đất lâm nghiệp ở huyện Chư Pah là 6.200 ha. Để quản lý và bảo vệ diện tích rừng nói trên, Ban đã thành lập 5 tổ quản lý và bảo vệ rừng. “Lực lượng gác rừng chủ yếu là người dân nhận khoán. Mỗi hộ dân được nhận khoán 1 ha rừng thông và được trả khoảng 14 triệu đồng/năm. Hàng ngày, các thành viên trong tổ luân phiên nhau tuần tra bảo vệ rừng. Nhờ có những tổ này mà các vụ cháy và hủy hoại rừng được hạn chế đến mức thấp nhất”-Phó Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ cho biết thêm.

Còn theo ông Vũ Văn Thảo-Phó Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly thì: “Chúng tôi quản lý hơn 11.000 ha rừng tự nhiên và 1.000 ha rừng trồng với địa hình vô cùng phức tạp. Riêng xã Ia Kreng có hơn 6.000 ha rừng. Do đó, hình thức giao khoán giúp bảo vệ rừng khỏi bị khai thác trái phép, đốt phá. Khi nhận giao khoán chăm sóc và bảo vệ, dân làng sẽ có một nguồn thu nhập ổn định cho gia đình nên sẽ chú tâm hơn. Bên cạnh đó, qua việc này, ý thức tự bảo vệ môi trường rừng của người dân cũng được nâng lên”.

Tạm biệt những người giữ rừng để trở về nhà, phía lưng chừng những cánh rừng vẫn xanh màu lá, chim muông ríu ran hót, gió miên man thổi…

NGUYỄN TÚ

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/1622/202003/gac-rung-giua-chon-tham-son-5675682/