Gạch không nung chiếm khoảng 30% tổng sản lượng vật liệu xây vào năm 2020
Trong tương lai, thị trường tiêu thụ sản phẩm vật liệu xây không nung (VLXKN), hay gạch không nung (GKN) sẽ phát triển vì sản phẩm này có nhiều ưu điểm, lợi thế về môi trường, giá thành, chất lượng công trình… Dự kiến đến năm 2020 thị phần VLXKN sẽ đạt khoảng 29-30% trong tổng số vật liệu xây...
Đó là nhận định của ông Võ Quang Diệm - chuyên gia Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng GKN tại Việt Nam”, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương.
Một trong những vấn đề quan trọng khiến GKN gặp khó khăn trong đầu ra, đó là người dân còn băn khoăn về chất lượng sản phẩm? Quan điểm của ông trước vấn đề này như thế nào?
Băn khoăn của người dân là có lý do, vì trong thời gian qua có một số công trình sử dụng VLXKN để xảy ra hiện tượng nứt, thấm làm thiệt hại về kinh tế, giảm mỹ quan, bất tiện khi sinh hoạt, làm cho người sử dụng chưa thực sự hài lòng với chất lượng công trình sử dụng VLXKN, dẫn đến tâm lý ngại sử dụng loại vật liệu này. Nguyên nhân gây nứt thấm khi sử dụng VLXKN có nhiều, nhưng có thể do một trong ba nguyên nhân sau: Do VLXKN không đạt yêu cầu chất lượng; do tính toán, thiết kế, hướng dẫn sử dụng VLXKN chưa bài bản, chi tiết; do thi công, nghiệm thu chưa tuân thủ đúng quy trình.
Tuy nhiên, tôi có thể khẳng định, nếu sản phẩm GKN sản xuất, dưỡng hộ, kiểm soát chất lượng chặt chẽ, đúng quy trình kỹ thuật, chỉ đưa các sản phẩm đủ tuổi xuất xưởng vào công trình xây dựng thì có thể loại bỏ nguyên nhân gây nứt do chất lượng gạch. Nói cách khác, nếu sản phẩm GKN đủ tuổi (28 ngày) mới đưa vào xây dựng, khi thể tích viên gạch không nung đã ổn định, cường độ đạt cường độ thiết kế, công trình được tính toán, thiết kế bài bản, hướng dẫn sử dụng vật liệu chi tiết, thi công, nghiệm thu đúng quy trình sẽ không xảy ra nứt và thấm.
Hiện nay, về chất lượng VLXKN, nhiều đơn vị sản xuất đã đầu tư các dây chuyền công nghệ hiện đại, tự động hóa hoàn toàn, làm chủ được công nghệ, kiểm soát chất lượng sản sản trong quá trình sản xuất chặt chẽ, đặc biệt là dưỡng hộ đúng quy trình, kiểm soát và xuất xưởng sản phẩm đúng tuổi thì chất lượng sản phẩm đạt TCVN 6477: 2016 và QCVN 16: 2017/BXD. Nhận thức về VLXKN đã được thay đổi, được quán triệt tốt hơn từ cán bộ quản lý nhà nước, nhà sản xuất, chủ đầu tư các công trình xây dựng, tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công đến người dân.
VLXKN) ngày càng được sử dụng rộng rãi cho các dự án sử dụng vốn ngân sách, các công trình vốn FDI, các nguồn vốn khác và cả nhà dân, nhiều nhà thầu đã sử dụng VLXKN cho các chung cư cao tầng. Lợi ích kinh tế, môi trường của việc sử dụng VLXKN mang lại là rất rõ ràng: Tiết kiệm vữa xây, trát, thi công nhanh, năng xuất lao động cao, cơ giới hóa được công tác xây, trát, chi phí khối xây giảm, cách âm, cách nhiệt tốt (đối với gạch nhẹ), diện tích sàn tăng…Tôi nghĩ rằng, sử dụng VLXKN là xu hướng tất yếu của Việt Nam phù hợp với xu hướng chung của thế giới, họ đã sử dụng từ lâu và đạt được tỷ lệ cao.
Vậy theo ông, để các sản phẩm VLXKN được sử dụng rộng rãi hơn trong cuộc sống, trong thời gian tới, cần tập trung vào những giải pháp nào?
Theo tôi, cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp: Hoàn thiện các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, khuyến khích sử dụng, tăng cường công tác quản lý, đặc biệt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền ưu điểm, lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường của việc sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, phổ biến kiến thức, nội dung liên quan đến sản xuất và sử dụng vật liệu này đến các chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát và người dân để làm thay đổi và sâu sắc hơn nhận thức về VLXKN.
Về các chính sách khuyến khích đầu tư đã được quy định trong Luật Đầu tư, Nghị định số 118/2018/NĐ-CP và các Điều 38, 39 và 40 của Nghị định 24a/2016/NĐ-CP, tuy nhiên rất ít các nhà đầu tư được hưởng các ưu đãi này, đó là điều hết sức đáng tiếc. Thời gian tới, cần đẩy mạnh phổ biến rộng rãi các quy định này, hướng dẫn chi tiết, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư sản xuất GKN được hưởng các ưu đãi theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, nên khuyến khích các dự án đầu tư sản xuất GKN có trình độ công nghệ cao, tự động hóa hoàn toàn, sử dụng năng lượng mặt trời để dưỡng hộ gạch bê tông là một mô hình hiệu quả, nên nhân rộng.
Về chính sách khuyến khích sử dụng thì cần hoàn thiện và ban hành đồng bộ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn thiết kế, hướng dẫn sử dụng VLXKN, quy trình thi công, nghiệm thu, định mức khối xây, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc sử dụng loại vật liệu này an toàn, hiệu quả trong các công trình xây dựng. Bên cạnh đó, cần triệt để thi hành lộ trình xóa bỏ các lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục và lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sản xuất gạch đất sét nung, hạn chế và nên có lộ trình dừng đầu tư mới, đầu tư mở rộng các lò gạch tuynel, lò trần phẳng, lò tuynel xoay…
Trong thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng đã thực hiện Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng GKN ở Việt Nam”. Là chuyên gia của dự án, xin ông chia sẻ về sự hỗ trợ của dự án này?
Mục tiêu của dự án là cắt giảm tỷ lệ tăng hàng năm mức phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính bằng việc tăng cường sản xuất và sử dụng GKN ở Việt Nam, thay thế dần sản xuất gạch đất sét nung sử dụng nhiên liệu hóa thạch và đất nông nghiệp, đồng thời hỗ trợ triển khai thành công Chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020 theo Quyết định 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Tôi có thể khẳng định rằng, Chương trình 567 thành công, đạt được mục tiêu đề ra có sự đóng góp hết sức to lớn của dự án này.
Dự án có 4 hợp phần chính. Trong đó, hợp phần 1 hỗ trợ xây dựng, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất và sử dụng gạch không nung; hợp phần 2 nâng cao kiến thức và năng lực kỹ thuật cho các lãnh đạo doanh nghiệp sản xuất và sử dụng GKN, các tổ chức cung cấp dịch vụ kỹ thuật, các nhà đầu tư, các tổ chức tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công và cơ quan quản lý xây dựng địa phương thông qua chương trình đào tạo của Dự án.
Đặc biệt, triển khai hợp phần 3, dự án đã hỗ trợ 36 doanh nghiệp vay vốn ưu đãi của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam và vốn thương mại để đầu tư và sản xuất GKN với tổng nguồn vốn vay là 567,5 tỷ đồng. Cuối cùng, xây dựng các dự án demo và dự án nhân rộng, để phổ biến những công nghệ tiên tiến, hiệu quả cho các doanh nghiệp, trong đó, đã hỗ trợ được 3 dự án demo và 21 dự án nhân rộng... Nhìn chung, các nội dung của dự án được thực hiện một cách bài bản và doanh nghiệp khẳng định sự hỗ trợ của dự án đối với doanh nghiệp là rất cần thiết và phát huy hiệu quả không những về mặt kinh tế mà còn mở ra một hướng công nghệ mới.
Sử dụng VLXKN được coi là xu hướng tất yếu bởi mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao. Xin ông chia sẻ thêm về thị phần GKN so với vật liệu xây hiện nay ở Việt Nam?
Mục tiêu của Chương trình phát triển VLXKN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 567/QĐ-TTg, đặt ra là phát triển sản xuất và sử dụng VLXKN thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 20-25% vào năm 2015 và 30-40% vào năm 2020. Từ năm 2015, bắt đầu triển khai Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng GKN tại Việt Nam” đã tạo ra một xung lực mới, một sự chuyển biến trong nhận thức chung nhờ huy rộng được rộng rãi toàn xã hội vào cuộc trong việc triển khai thực hiện Quyết định 567, tạo ra sự tăng trưởng về thị phần tiêu thụ VLXKN rất đáng ghi nhận.
Qua điều tra thực tế, đánh giá thị trường của Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam”, chúng tôi nhận thấy, số lượng cơ sở sản xuất GKN đã tăng lên hơn 2.300 (trong đó số doanh nghiệp có có quy mô công suất từ 7 triệu viên trở lên có trên 360 doanh nghiệp) với tổng công suất thiết kế năm 2018 đạt khoảng 12,6 tỷ viên QTC/năm, chiếm khoảng 35% tổng công suất thiết kế vật liệu xây. Năm 2018, sản lượng VLXKN toàn quốc đạt gần 5 tỷ viên QTC, chiếm khoảng 25% tổng sản lượng vật liệu xây (trong khi năm 2010 chỉ chiếm khoảng 8%). Dự kiến đến năm 2020, thị phần VLXKN sẽ đạt khoảng từ 29-30% trong tổng số vật liệu xây, đạt mục tiêu khiêm tốn của Chương trình 567 đã đề ra.