Gam màu sáng trong bức tranh du lịch Tiền Giang

Những tháng đầu năm 2025, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang tiếp tục ghi nhận nhiều kết quả khởi sắc. So với cùng kỳ năm 2024, lượng khách du lịch đến tỉnh tăng khá, cho thấy hoạt động du lịch đang phục hồi mạnh mẽ.LƯỢNG KHÁCH TĂNG KHÁ MẠNH

Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Tiền Giang, thời gian qua, Tiền Giang tiếp tục triển khai Nghị quyết 11 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 và các kế hoạch của UBND tỉnh. Trên cơ sở đó, hoạt động du lịch của Tiền Giang tiếp tục gặt hái được nhiều kết quả tích cực.

Khách quốc tế đến cù lao Thới Sơn (TP. Mỹ Tho) qua Cảng du thuyền Mỹ Tho.

Khách quốc tế đến cù lao Thới Sơn (TP. Mỹ Tho) qua Cảng du thuyền Mỹ Tho.

Làng cổ Đông Hòa Hiệp là điểm đến du lịch nổi tiếng và hấp dẫn tại huyện Cái Bè. Thời gian qua, bên cạnh khai thác các lợi thế sẵn có, các nhà cổ còn đầu tư thêm các dịch vụ để phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách. Theo chủ Điểm du lịch Nhà cổ Ba Đức (xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè), những tháng đầu năm 2025, lượng khách du lịch đến tham quan, ăn uống tại nhà cổ tăng khoảng 20% - 30% so với cùng kỳ năm trước.

Nếu vào mùa, mỗi ngày, điểm du lịch đón trung bình từ 200 - 300 lượt khách. Hiện lượng khách đã phục hồi như trước đại dịch Covid-19. Để phục vụ tốt du khách, nhà cổ đã chú trọng nâng cấp các dịch vụ. Đồng thời, đầu tư thêm khu vực tổ chức ăn uống, hội nghị cho du khách.

Theo UBND tỉnh Tiền Giang, trong quý I-2025, hoạt động du lịch của tỉnh tiếp tục phát triển. Lượng khách và doanh thu từ du lịch tăng so với cùng kỳ năm trước. Tổng lượng khách du lịch đến tỉnh ước đạt 382 ngàn lượt, tăng 8,4% so với cùng kỳ. Trong đó, có 136 ngàn lượt khách quốc tế. Doanh thu từ hoạt động lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành đạt 2.379 tỷ đồng, tăng 14,3% so cùng kỳ.

Còn tại huyện Cai Lậy, cù lao Tân Phong là điểm đến nổi tiếng đối với du khách trong và ngoài nước với không gian du lịch miệt vườn, sông nước. Các điểm du lịch nơi đây đã tập trung khai thác lợi thế riêng này. Theo chủ Điểm du lịch 5 On (xã Tân Phong), trong những tháng đầu năm, trung bình mỗi ngày, điểm đón trên 10 đoàn khách nước ngoài. Lượng khách quốc tế đã phục hồi gần như hoàn toàn, nhưng khách nội địa thì giảm. Khách đến đây chủ yếu thưởng thức các loại trái cây và nghe đờn ca tài tử.

Còn tại TP. Mỹ Tho, cù lao Thới Sơn là điểm đến nổi tiếng đối với du khách trong và ngoài nước. Theo ông Huỳnh Hữu Phước, chủ Điểm du lịch Công đoàn Thới Sơn (xã Thới Sơn), những tháng đầu năm, số lượng du khách đến điểm du lịch tăng so với cùng kỳ năm trước. Số lượng du khách tăng, nhưng chưa bằng so với trước dịch. Khách du lịch hạn chế mua sắm so với trước. Nguyên nhân dẫn đến lượng khách du lịch phục hồi không bằng có thể là do thị phần bị chia nhỏ. Tất cả các tỉnh, thành đều tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Việt Nhật, những tháng đầu năm, công ty đón khách tương đương so với năm trước. So với trước đại dịch Covid-19, hoạt động du lịch đã phục hồi tốt. Trung bình mỗi ngày, công ty đón khoảng vài trăm lượt khách đến tham quan cù lao Thới Sơn. Công ty chuyên đón khách quốc tế nên lượng khách đi các tour tuyến của doanh nghiệp phần đông là khách nước ngoài.

Ông Nguyễn Vũ Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển du lịch tỉnh Tiền Giang, trong những tháng đầu năm, lượng khách du lịch tham quan cù lao Thới Sơn qua Bến tàu thủy Du lịch Mỹ Tho tăng hơn 10% so với năm trước. Lượng khách quốc tế và nội địa đều tăng. Trung bình mỗi ngày, Bến tàu thủy Du lịch Mỹ Tho đón từ 1.100 - 1.500 lượt khách.

Cụ thể, trong quý I-2025, Bến tàu thủy Du lịch Mỹ Tho đón 131.123 lượt khách; trong đó, có 93.766 lượt khách quốc tế, 37.357 lượt khách nội địa. Điều này cho thấy hoạt động du lịch đã phục hồi và phát triển mạnh.

TẬP TRUNG HỖ TRỢ

Để phát triển du lịch Tiền Giang phù hợp với tình hình thực tế, Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã đề xuất một số giải pháp phát triển du lịch trong thời gian tới. Một trong những giải pháp quan trọng là phát triển các kết nối mới để nâng tầm điểm đến cho du lịch Tiền Giang.

Thay vì phụ thuộc vào kết nối với TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang sẽ khai thác các thế mạnh về đường sông, đường biển nhằm phát triển những kết nối du lịch mới để Tiền Giang trở thành cổng kết nối của vùng Đồng bằng sông Cửu Long với những thị trường du lịch mới, đặc biệt là thị trường du lịch cao cấp.

Du khách thưởng thức đờn ca tài tử, ăn trái cây tại cù lao Thới Sơn.

Du khách thưởng thức đờn ca tài tử, ăn trái cây tại cù lao Thới Sơn.

Về thị trường, Tiền Giang sẽ khai thác các phân khúc thị trường mới, mang lại hiệu quả cao hơn, có trách nhiệm và ý thức môi trường. Các thị trường khách quốc tế ưu tiên khai thác bao gồm: Khu vực Đông Bắc Á, Bắc Âu, Bắc Mỹ, Châu Đại Dương, Ấn Độ.

Đồng thời, quan tâm phát triển các thị trường mới, có tiềm năng là Trung Đông, Nam Âu, Nam Mỹ. Với thị trường khách du lịch nội địa, Tiền Giang tập trung phát triển mạnh thị trường nội vùng; phát triển các thị trường khách đến từ các tỉnh thuộc vùng Đông Nam bộ, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ phát triển sản phẩm đặc trưng, tạo khác biệt và hình thành thương hiệu địa phương của tỉnh Tiền Giang để cạnh tranh trên cơ sở khai thác các tiềm năng văn hóa lịch sử, tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch biển. Theo đó, du lịch Tiền Giang dựa vào các trụ cột là: Du lịch văn hóa - lễ hội, du lịch sinh thái là sản phẩm nền tảng phù hợp với xu hướng, du lịch biển.

Song song đó, tỉnh sẽ phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật. Đồng thời, đa dạng hóa các loại hình đầu tư; tiếp tục tạo cơ chế thuận lợi, thông thoáng cho các dự án đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch.

Một trong những nội dung quan trọng là đẩy mạnh xúc tiến, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn và nhân lực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài để phát triển du lịch. Cùng với đó là tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông tại các cụm du lịch, khu vực động lực phát triển du lịch, khu vực có tiềm năng du lịch; nâng cao khả năng kết nối giao thông tới khu du lịch, điểm du lịch.

Tiền Giang sẽ phát triển nguồn nhân lực du lịch theo cơ cấu hợp lý, bảo đảm số lượng, chất lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh, hội nhập. Đặc biệt là phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch thông qua nâng cao nhận thức của cộng đồng về du lịch.

Ngoài ra, tỉnh sẽ đổi mới phương thức, công cụ, nội dung, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xúc tiến, quảng bá du lịch, bảo đảm thực hiện thống nhất, chuyên nghiệp, hiệu quả; phát huy sức mạnh của truyền thông và tăng cường quảng bá trên mạng xã hội. Đồng thời, nâng cao hiệu quả trong việc tổ chức các sự kiện văn hóa gắn với phát triển du lịch; triển khai bộ nhận diện thương hiệu du lịch Tiền Giang.

ANH THƯ - T.T

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202504/huong-den-le-hoi-van-hoa-the-thao-va-du-lich-tinh-tien-giang-lan-thu-2-nam-2025-gam-mau-sang-trong-buc-tranh-du-lich-tien-giang-1041111/