Game show và giá trị nhân văn
Trong tháng 10-2017, Đài truyền hình TPHCM chính thức đưa ra 2 chương trình nhân đạo từ thiện có tên gọi 'Xin chào cuộc sống' chữa bệnh cho trẻ em bất hạnh và 'Cùng xây mơ ước' tìm kiếm mái ấm yên ổn cho người gieo neo.
Sau mấy năm bùng nổ dữ dội, làn sóng game show gần như đã bão hòa trên màn ảnh nhỏ. Từ đài truyền hình Trung ương đến đài truyền hình địa phương dày đặc những game show chỉ đơn thuần mang tính giải trí. Những game show ấy, phần lớn mua bản quyền của nước ngoài, và chơi theo kiểu phương Tây với nhiều chuyện chưa phải là phù hợp ở nước ta.
3 màu sắc chính của game show mà ai cũng dễ nhận ra: Thứ nhất, thi thố ca hát, từ “Giọng hát Việt” đến “Nhân tố bí ẩn”. Thứ hai, hài hước mua vui, từ tiểu phẩm chọc cười như “Bí mật đêm chủ nhật” hoặc “Ơn giời, cậu đây rồi” đến nhún nhảy bắt chước như “Gương mặt thân quen” hoặc “Phiên bản hoàn hảo”.
Thứ ba, kéo trẻ em vào cuộc chơi danh vọng, từ “Biệt đội tí hon” đến “Thần tượng tương lai”. Dù nhân danh bất cứ điều tốt đẹp gì, những game show ấy cũng không thúc đẩy bất kỳ sự tiến bộ nhân cách con người. Thậm chí, nhìn một cách khắt khe, những game show ấy còn cổ vũ cho giá trị ảo, khuyến khích theo đuổi lối sống hào nhoáng và hời hợt.
Thị trường game show bị chi phối bởi những công ty truyền thông. Họ đua nhau làm game show để có thể thu hoạch nguồn lợi từ quảng cáo và tin nhắn bình chọn.
Đài truyền hình không đầu tư nhân lực và tài lực để sản xuất chương trình, nên cũng không nắm được nội dung. Liên tục những sự cố bát nháo từ “Siêu mẫu Việt Nam” hoặc “The Face - Gương mặt thương hiệu” chính là hậu quả của quá trình phó mặc chất lượng game show cho những toan tính vật chất bên ngoài trường quay.
Hiện tại, trên sóng truyền hình còn được bao nhiêu game show hướng đến cộng đồng? Sau khi “Ngôi nhà mơ ước” chấm dứt trên Đài truyền hình TPHCM, chỉ còn “Lục lạc vàng” trên Đài truyền hình Việt Nam. Tại sao một chương trình chia sẻ hoàn cảnh khốn khó và tặng bò cho nông dân nghèo không được VTV giới thiệu rầm rộ như lịch chiếu phim Hàn Quốc hoặc các game show son phấn?
Vì doanh thu ít ỏi chăng? Chính những nhà truyền hình không tâm huyết, làm sao đòi hỏi những nhà tài trợ mặn mà chung tay.
Sự xuất hiện của 2 chương trình “Xin chào cuộc sống” và “Cùng xây ước mơ” trên sóng HTV9 - Đài truyền hình TPHCM đáng được xem như tín hiệu tích cực cho sự chuyển biến game show. Tuy nhiên, việc phát sóng cách tuần của “Xin chào cuộc sống” và “Cùng xây ước mơ” cũng đặt ra câu hỏi hết sức ái ngại: Phải chăng khung giờ vàng đã ưu tiên cho những game show khác, nên 2 chương trình đánh thức lòng nhân ái đành phải chen chân xen kẽ nhau vào mỗi tối thứ sáu? Dù phân bua ra sao, nghe chừng khán giả vẫn không giấu được tiếng thở dài.
Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/van-hoa-doi-song/game-show-va-gia-tri-nhan-van-50556.html