Gần 1.000 VĐV tranh tài tại Giải Shuffle Dance , khiêu vũ và dân vũ thể thao toàn quốc
Đã có gần 1.000 vận động viên (VĐV) của 70 câu lạc bộ (CLB) đến từ các tỉnh, thành ngành trong cả nước tranh tài tại Giải Shuffle Dance, khiêu vũ và dân vũ thể thao toàn quốc năm 2025 do Cục Thể dục Thể thao (TDTT) Việt Nam phối hợp cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng tổ chức vừa được khai mạc trong ngày 1/7 tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Lâm Đồng, phường Lâm Viên - Đà Lạt.

Ban tổ chức giải trao cờ lưu niệm cho đại diện Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng - đơn vị đăng cai tại Lễ khai mạc giải
Đây là lần thứ 2 Cục TDTT Việt Nam tổ chức, khẩu hiệu của giải năm nay “Lan tỏa tinh thần thể thao, nâng cao thể chất, kết nối cộng đồng”. Trong năm 2024, giải lần đầu được tổ chức tại Hải Phòng.

Trao cờ lưu niệm cho nhà tài trợ tại giải
Tại giải năm nay, các VĐV tranh tài trong 5 thể loại gồm Shuffle Dance; Show Dance, Line Dance, Khiêu vũ tập thể; Thể dục đồng diễn, Zumba, Flashmob, Cheerleader; Võ nhạc, Dân vũ thể thao truyền thống, Dân vũ dưỡng sinh; Dân vũ thể thao hiện đại và các nhóm nhảy hiện đại.
Các VĐV được chia thành 3 nhóm tuổi gồm nhóm 6 - 18 tuổi, nhóm 18 - 35 tuổi và nhóm 35 - 70 tuổi. Theo Ban tổ chức, việc chia theo các nhóm tuổi này nhằm tạo điều kiện cho mọi lứa tuổi tham gia giải, phát triển năng lực thể chất phù hợp, giữ sự công bằng, an toàn và khoa học trong thi đấu.

Ban tổ chức lớp tập huấn trọng tài trước giải
Tại giải, mỗi bài biểu diễn kéo dài từ 2 - 4 phút trên nền nhạc tự chọn, Ban tổ chức khuyến khích sử dụng nhạc dân gian hoặc ca khúc ca ngợi quê hương đất nước. Thang điểm chấm 100, chấm điểm dựa trên tính chuyên môn, sáng tạo, đồng đều, phong thái biểu diễn và đảm bảo an toàn.
Ban Tổ chức cho biết, trước cuộc thi đã có hướng dẫn cụ thể cấu trúc bài thi phù hợp cho từng nhóm tuổi và thể loại, nhằm đảm bảo tính chuyên nghiệp, khoa học, đúng tinh thần của dân vũ thể thao. Trong đó bài thi Nhóm I, II đảm bảo tính khỏe khoắn, sôi động, hồn nhiên; các động tác, vũ đạo phù hợp với tâm lý, thể chất để giúp hoàn thiện kỹ năng vận động, phát triển thể lực, tầm vóc, giáo dục lịch sử, truyền thống văn hóa và hoàn thiện nhân cách cho thế hệ trẻ Việt Nam.

Bài dự thi của một CLB đến từ tỉnh Quảng Trị
Bài thi Nhóm III đảm bảo tính khỏe khoắn, nhịp nhàng, vui tươi, lạc quan, tăng cường sức mạnh cơ bắp. Đây là nhóm cao tuổi nên bài dự thi có cường độ vận động thấp, các động tác, vũ đạo hỗ trợ tốt cho sức bền cơ bắp, tim mạch, hệ hô hấp.
Với Võ nhạc, bài dự thi được biên soạn, phát triển từ những tổ hợp động tác của các bài quyền thuật thuộc các môn phái, võ phái Võ Cổ truyền Việt Nam và các môn võ thuật khác; được pha ghép với các vũ đạo, động tác của các môn thể thao khác như múa dân gian, Zumba, Cheerleaders, Flashmob, Fitness Dance, Thể dục, Aerobics,… nhưng các động tác bài quyền thuật phải chiếm tỉ lệ ít nhất 70% cấu trúc động tác của bài thi.

Một bài biểu diễn đầy ân tượng của đội thi đến từ Tuy Hòa, Đắk Lắk
Với Dân vũ thể thao truyền thống, bài dự thi phải được biên soạn và phát triển từ những điệu múa dân gian các vùng miền, múa xòe, múa sạp, múa quạt, múa cồng chiêng, Lân Sư Rồng của đồng bào các dân tộc Việt Nam; có thể pha ghép với Dân vũ thể thao hiện đại, vũ điệu truyền thống của các quốc gia hoặc các động tác, kỹ thuật đan xen từ các môn thể thao như Khiêu vũ thể thao, Zumba, Cheerleaders, Flashmob, Fitness Dance, Thể dục, Aerobics,… nhưng các động tác, vũ đạo Dân vũ thể thao truyền thống phải chiếm tỉ lệ ít nhất 70% cấu trúc động tác của bài thi.
Theo đánh giá, dân vũ thể thao hiện đang phát triển mạnh trong nước, thu hút đông đảo thanh thiếu niên, người lao động, công chức, người cao tuổi tham gia. Với sự kết hợp hài hòa giữa vận động thể chất và yếu tố nghệ thuật, dân vũ thể thao không chỉ giúp nâng cao sức khỏe, sự dẻo dai, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần, gắn kết cộng đồng, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong gia đình, khu dân cư, cơ quan, trường học, doanh nghiệp.

Đội thi của xã Đức Trọng - Lâm Đồng
Giải đấu năm nay theo Ban tổ chức không chỉ là sân chơi nghệ thuật mà còn hướng tới mục tiêu khuyến khích toàn dân tham gia rèn luyện TDTT, nâng cao sức khỏe, thể lực, phòng chống bệnh tật; tạo sân chơi lành mạnh để các CLB, VĐV giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, thúc đẩy phong trào dân vũ thể thao ngày càng chuyên nghiệp, chuẩn hóa và phát triển bền vững.
Đặc biệt, trước giải đấu năm nay, Ban tổ chức giải còn tổ chức tập huấn công tác trọng tài cho gần 100 học viên là cán bộ quản lý TDTT, huấn luyện viên, VĐV trong nước nhằm chuẩn hóa phong trào dân vũ thể thao, tránh tình trạng tổ chức tự phát, thiếu đồng bộ, chưa đúng với quy định chuyên môn.
Kết thúc giải, Ban tổ chức sẽ cấp giấy chứng nhận và huy chương cho các VĐV đạt thành tích; trao cờ cho các đội đoạt giải toàn đoàn.
Giải sẽ kết thúc trong ngày 5/7.