Gần 1.200 bẫy ảnh ở 21 khu rừng không phát hiện hổ, báo gấm, sao la

Gần 1.200 bẫy ảnh trong 21 khu rừng thuộc 8 tỉnh của Việt Nam đã chụp trong 4 năm nhưng không phát hiện được hổ, báo gấm, sao la, sói lửa.

Các bẫy ảnh này do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đặt. Đây là đơn vị tài trợ Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học thuộc dự án quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC). Cơ quan này vừa công bố kết quả điều tra bằng bẫy ảnh lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam.

Bò tót được bẫy ảnh ghi nhận trong Vườn quốc gia Cát Tiên vào tháng 8-2022. Ảnh: WWF-Việt Nam.

Bò tót được bẫy ảnh ghi nhận trong Vườn quốc gia Cát Tiên vào tháng 8-2022. Ảnh: WWF-Việt Nam.

Dự án VFBC đã thiết lập 1.176 điểm bẫy ảnh tại 21 khu rừng đặc dụng và rừng phòng hộ tại 8 tỉnh thành của Việt Nam. Từ 2019 đến 2023, bẫy ảnh đã chụp hàng triệu hình ảnh. Trong đó có 120.000 ảnh động vật. Bẫy ảnh ghi nhận được quần thể voi châu Á tại 2 khu vực và loài thú móng guốc lớn như bò tót tại 1 khu vực.

Phần lớn những loài được ghi nhận là loài có khả năng chống chọi tốt nhất với áp lực săn bắt. Trong đó có các loài khỉ, chồn bạc má và lợn rừng. Các loài quý hiếm như mang lớn và gấu chó cũng được phát hiện.

Tuy nhiên, bẫy ảnh không ghi nhận được hình ảnh của các loài động vật ăn thịt lớn như hổ, báo gấm, sói lửa và động vật ăn cỏ quý hiếm sao la.

Mặc dù kết quả khảo sát cho thấy động vật hoang dã đã suy giảm nghiêm trọng ở tất cả 21 khu rừng, nhưng mức độ phong phú loài và số lượng loài đặc hữu tương đối cao.

Trong đó có 9 loài đặc hữu Việt Nam và 21 loài đặc hữu của dãy Trường Sơn có nguy cơ bị đe dọa cao được ghi nhận.

Loài mang Trường Sơn được bẫy ảnh ghi nhận vào tháng 4-2023. Ảnh: WWF-Việt Nam.

Loài mang Trường Sơn được bẫy ảnh ghi nhận vào tháng 4-2023. Ảnh: WWF-Việt Nam.

Đợt điều tra thứ hai đang được tiến hành bằng bẫy ảnh tại 21 khu rừng, dự kiến kết thúc vào năm 2025 và sẽ được so sánh với kết quả ban đầu nêu trên.

Bẫy ảnh cho thấy nhiều loài suy giảm do săn bắt

Đây là đợt khảo sát về đa dạng sinh học bằng bẫy ảnh hệ thống và toàn diện nhất từng được thực hiện tại Việt Nam. Nhận định này là của các chuyên gia bảo tồn thuộc Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF-Việt Nam).

Kết quả điều tra cho thấy quần thể của nhiều loài động vật rừng quan trọng không được ghi nhận và có thể đã suy giảm do việc săn bắt vẫn phổ biến trên diện rộng.

Trường Nguyên

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/gan-1200-bay-anh-o-21-khu-rung-khong-phat-hien-ho-bao-gam-sao-la-196231209153007111.htm