Gần 1/3 học viên Chương trình đào tạo thiết kế vi mạch được nhận làm việc tại tập đoàn lớn
Trong tổng số hơn 70 học viên xuất sắc tham gia Chương trình đào tạo thiết kế vi mạch do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp tổ chức, gần 20 học viên được nhận làm việc tại các tập đoàn như Marvell, Synopsys, FPT, Samsung...
Chiều 9.8, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, NIC phối hợp với Tập đoàn Cadence, Tập đoàn FPT và Tresemi (Hoa Kỳ) tổ chức Lễ bế giảng Chương trình đào tạo thiết kế vi mạch.
Chương trình “Thiết kế vật lý vi mạch VLSI cơ bản” là khóa đào tạo thiết kế vi mạch chuyên sâu, do NIC phối hợp với Tập đoàn FPT, Tổ chức Tresemi từ Silicon Valley và Cadence – tập đoàn số một thế giới về thiết kế chip, cùng sự hỗ trợ của các trường đại học trong lĩnh vực bán dẫn thực hiện.
Chương trình nhằm cụ thể hóa mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư, cử nhân phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, theo Đề án Phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng tới năm 2050 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, đang trình Chính phủ phê duyệt.
Sau 3 tháng, khóa học tập trung vào quy trình và nguyên tắc thiết kế vật lý cho vi mạch tích hợp quy mô lớn (VLSI), bao gồm các kỹ năng tối ưu hóa định thời, diện tích, năng lượng tiêu thụ, độ tin cậy và tính khả thi sản xuất của vi mạch bán dẫn.
Ngoài ra, học viên sẽ có kiến thức thực tế chuyên sâu về việc sử dụng các công cụ EDA chuẩn công nghiệp cho việc thiết kế và phân tích vật lý vi mạch. Đối tượng tham gia chủ yếu là sinh viên năm cuối các trường đại học khối kỹ thuật trên cả nước.
Chương trình đào tạo đã tuyển chọn được hơn 70 học viên xuất sắc từ các trường đại học lớn trên cả nước để cấp học bổng và tham gia chương trình đào tạo. Theo đánh giá của các chuyên gia, các học viên tốt nghiệp chương trình đều có thể tham gia hoạt động tại doanh nghiệp.
Hiện, đã có gần 20 học viên được nhận làm việc tại các tập đoàn doanh nghiệp thiết kế lớn về thiết kế vi mạch như Marvell, Synopsys, FPT, Faraday, Samsung... Trong đó, có một số học viên đang là sinh viên năm thứ ba đại học; phần lớn các học viên còn lại đã được nhận các chương trình học bổng để tiếp tục đào tạo tại nước ngoài sau đại học. Điều đó cho thấy chất lượng của chương trình đào tạo được đánh giá cao và có thể nhân rộng trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “Việc NIC phối hợp với các đối tác trong nước và quốc tế để xây dựng các chương trình đào tạo thiết kế vi mạch là bước tiến quan trọng trên hành trình từng bước làm chủ công nghệ của người Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn. Đây là một giải pháp quan trọng để phát huy khâu đột phá về giá trị con người Việt Nam trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2030”.
Chúc mừng các học viên đã hoàn thành chương trình đào tạo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tin tưởng đây sẽ là các kỹ sư xuất sắc, được lựa chọn để tham gia và đóng góp vào việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam trong kỷ nguyên tới.
Cũng trong khuôn khổ sự kiện đã diễn ra tọa đàm “Phát huy vai trò của doanh nghiệp Việt Nam trong phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn”.
Tại tọa đàm, lãnh đạo các địa phương, trường đại học và các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực bán dẫn đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, phân tích những thách thức hiện tại.
Các đại biểu cũng tập trung thảo luận về giải pháp để doanh nghiệp có thể đóng góp tích cực vào quá trình đào tạo và phát triển kỹ năng cho nguồn nhân lực, từ việc đa dạng hóa các nguồn lực cho đào tạo, đẩy mạnh hợp tác công - tư, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, cung cấp các chương trình thực tập, hợp tác nghiên cứu phát triển, đến việc xây dựng môi trường làm việc và tạo điều kiện phát triển nghề nghiệp thuận lợi.