Gần 1,7 triệu sản phẩm tranh tài truyền thông về 'Rẻo cao hạnh phúc'
Sau nhiều vòng bình xét, Ban Giám khảo Cuộc thi sản xuất sản phẩm truyền thông trên nền tảng số về nâng cao nhận thức bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 'Rẻo cao hạnh phúc' đã chọn ra 11 tác phẩm xuất sắc để trao 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba, 4 giải khuyến khích và 1 giải bình chọn.
Sáng 13/11, tại Hà Nội, hưởng ứng “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới”, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp tổ chức lễ tổng kết Cuộc thi sản xuất sản phẩm truyền thông trên nền tảng số về nâng cao nhận thức bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi “Rẻo cao hạnh phúc”.
Theo Bí thư Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương, phát động vào ngày 10/6 vừa qua, sau 2 tháng, Cuộc thi ghi nhận gần 1,7 triệu sản phẩm của các tác giả trong và ngoài nước tham gia.
Với hàng loạt hình thức như infographics, tranh cổ động, poster, longform, e-magazine, truyện tranh..., các tác phẩm đã tuyên truyền, lan tỏa thông điệp tích cực về cuộc sống bình đẳng, an toàn, hạnh phúc, không có bạo lực và phân biệt nam nữ, nói không với tảo hôn, định kiến giới, khuôn mẫu giới, qua đó góp phần kêu gọi xóa bỏ hủ tục, định kiến, xây dựng cộng đồng văn minh, gia đình hạnh phúc.
Qua nhiều vòng bình xét, Ban tổ chức đã lựa chọn được 11 tác phẩm tiêu biểu để trao các giải thưởng của Cuộc thi.
Cụ thể, giải nhất chung cuộc đã thuộc về tác phẩm "Bình đẳng giới - Phép nhiệm màu cho đại ngàn yêu thương" của tác giả Nguyễn Thị Thảo (Hà Nội).
2 giải nhì của Cuộc thi được trao tặng các tác phẩm: “Khu rừng của những chiếc nón” - tác giả Võ Lê Yến Trân (sinh viên Trường đại học Drexel, bang Pennsylvania, Hoa Kỳ); “Bình đẳng giới” - tác giả Nguyễn Ngọc Linh Phương (giáo viên Trường trung học cơ sở Lê Quang Định, tỉnh Đồng Nai).
Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng đã trao 3 giải ba, 4 giải khuyến khích và 1 giải bình chọn.
Trong đó, giải bình chọn đã thuộc về tác phẩm “Hành trình bình đẳng” của tác giả Nguyễn Hòa Hợp (sinh viên Trường đại học Kỹ thuật-Công nghệ Cần Thơ).