Gần 1.700 tỉ đồng chi phí xét nghiệm COVID-19 và thuốc, vật tư y tế chưa thanh toán
Tính đến ngày 31-3-2024, tổng chi phí vật tư y tế, sinh phẩm, hóa chất và chi phí xét nghiệm COVID-19 chưa thanh toán là gần 1.700 tỉ đồng.
Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Báo cáo tình hình triển khai thi hành Nghị quyết 99/2023/QH15 ngày 24-6-2023 của Quốc hội Giám sát chuyên đề “về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.
Theo đó, tính đến ngày 31-3-2024, số lượng thuốc, vật tư, sinh phẩm, hóa chất đã tạm ứng, vay, mượn, huy động và tiếp nhận; và chi phí xét nghiệm COVID-19 đã đặt hàng nhưng chưa thanh toán là gần 1.700 tỉ đồng.
Trong đó, chi phí xét nghiệm COVID-19 là gần 939 triệu đồng; thuốc, vật tư y tế, sinh phẩm, hóa chất là gần 755 triệu đồng.
Báo cáo nêu rõ, do tính chất cấp bách và đặc thù của công tác phòng, chống dịch, nhiều cơ sở y tế trên cả nước đã tạm ứng, vay mượn, huy động tài trợ, viện trợ mà thiếu quy định cụ thể. Do vậy, cần có cơ chế pháp lý, hướng dẫn để thanh toán, quyết toán.
Bộ Y tế đang chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành liên quan trình ban hành văn bản để các bộ, ngành, địa phương có văn bản thực hiện.
Liên quan đến việc xử lý tài sản và giải thể các cơ sở y tế tạm thời, Chính phủ đã xử lý các vấn đề liên quan, giải thể các trạm y tế lưu động và bệnh viện dã chiến sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Các tài sản này đã được chuyển giao theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Để nâng cao hiệu quả phòng chống dịch và chuẩn bị cho các dịch bệnh tương lai, Chính phủ đã và đang rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách, bao gồm việc phát triển công nghiệp dược, vaccine và trang thiết bị y tế trong nước.
Việc này không chỉ giúp đảm bảo nguồn cung cho công tác phòng chống dịch mà còn tăng cường khả năng tự chủ của Việt Nam trong lĩnh vực y tế.
Báo cáo cũng chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại như việc phối hợp giữa các cơ quan trung ương và địa phương còn thiếu chặt chẽ và chưa đồng bộ, dẫn đến khó khăn trong việc thống kê, quản lý và tổng hợp số liệu.
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp tiếp nhận tài trợ thiếu hồ sơ và giấy tờ xác minh giá trị, gây khó khăn trong việc xác lập quyền sở hữu và quản lý tài sản.
Tại báo cáo, Chính phủ khẳng định tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách và hướng dẫn để giải quyết các vấn đề tồn đọng trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Đồng thời, tập trung, ưu tiên nâng cao năng lực phòng chống dịch bệnh trong tương lai nhằm đảm bảo sức khỏe và an toàn cho nhân dân.
Thanh Thanh