Gần 1 triệu lượt người ra đường/ngày, công sức chống dịch của TP. HCM có 'đổ sông đổ biển'?

Sau 2 ngày thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều tuyến đường ở TP. HCM xảy ra tình trạng ùn ứ với lượng phương tiện khá đông. Các chuyên gia nhận định, công sức chống dịch của TP. HCM có thể 'đổ sông đổ biển' nếu người dân không thực hiện nghiêm giãn cách.

Một số tuyến đường trên địa bàn TP.HCM có hiện tượng đông đúc trở lại. Ảnh: TL

Ngày 16/8, Công an TP. HCM cho biết, thời gian qua mỗi ngày có gần 1 triệu lượt người ra đường cùng với 120.000 phương tiện.

Từ ngày 15/8, TPHCM mở rộng thêm một số nhóm người được phép ra đường. Do đó, dự báo thời gian tới lượng người ra đường sẽ còn đông hơn.

Cụ thể nhóm đối tượng được hoạt động mở rộng thêm so với trước gồm các cơ sở thực phẩm, các tổ chức hành nghề công chứng; các công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ; bảo trì, sửa chữa, ứng cứu hệ thống hạ tầng trang thiết bị của các cơ quan, tòa nhà, chung cư; bảo hiểm; phòng bán vé máy bay; phòng khám tư nhân...

Riêng nhóm đối tượng được lưu thông để vận chuyển hàng hóa thiết yếu gồm: đội ngũ giao hàng (shipper) có quản lý, ứng dụng công nghệ được lưu thông, vận chuyển hàng hóa thiết yếu liên quận, huyện, TP Thủ Đức.

Số lượng này cũng đã hơn 50.000 lượt người. Như vậy, với việc TPHCM cho phép thêm các nhóm đối tượng được hoạt động trong khung giờ từ 6 giờ đến 18 giờ hàng ngày như trên, Công an TPHCM dự báo lưu lượng người và phương tiện di chuyển trên địa bàn TPHCM trong khung giờ này sẽ tăng lên nhiều hơn so với trước đó.

"Tôi không hiểu sao, TP.HCM vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội... mà đường sá vẫn đông như thế. Công sức chống dịch của TP.HCM ‘đổ sông đổ biển’ nếu đường đông người", một người dân bày tỏ lo ngại.

Công sức chống dịch của TP.HCM ‘đổ sông đổ biển’ nếu đường đông người. Ảnh: VNE

Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp. Trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, TP ghi nhận hơn 142.500 ca mắc Covid-19, đang điều trị hơn 32.000 bệnh nhân, trong đó có 1.851 bệnh nhân nặng đang thở máy.

TP.HCM đặt mục tiêu đến 15/9, trên 70% người dân TP (trên 18 tuổi) được tiêm vaccine ngừa Covid-19 mũi 1, 15% người dân được tiêm mũi 2 và hoàn thành tiêm vaccine mũi 1 cho 15% số lượng công nhân còn lại ở các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, lực lượng Công an TPHCM sẽ tiếp tục tăng cường tối đa lực lượng, phương tiện để thực hiện công tác tuần tra, chốt chặn, kiểm soát và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND TPHCM.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đều chung nhận định nguy cơ dịch ở thành phố vẫn rất cao. Nếu không quyết liệt, triệt để thực hiện chống dịch mạnh mẽ thì khó giữ vững thành quả, thậm chí tình hình có thể xấu đi khi không đồng lòng, quyết tâm thực hiện nghiêm phòng chống dịch. Bởi thực tế, dịch đã thấm sâu tại thành phố.

Dưới góc nhìn chuyên môn, PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh nguy cơ dịch Covid-19 ở TP.HCM còn rất cao, diễn biến dịch còn rất phức tạp, số ca nhiễm nhiều nên việc giãn cách vẫn cần được đặt lên hàng đầu.

“Chỉ có giãn cách xã hội thì mới cách ly được người bệnh với người lành để ngăn dịch lây lan, nên phải tiếp tục giãn cách nghiêm ngặt nữa”, ông Phu nêu quan điểm.

Vị chuyên gia cảnh báo nếu không thực hiện nghiêm biện pháp giãn cách sẽ không bao giờ chấm dứt được dịch, và cũng khiến công sức chống dịch của TP.HCM trong suốt thời gian qua “đổ sông đổ biển”.

Nói thêm về nguy cơ dịch tại TP.HCM hiện nay, ông Phu nhận định “rất phức tạp” vì số ca mắc nhiều, không thể bóc tách và truy vết F0 ngay trong khi việc xét nghiệm cũng không thể bao trùm và phát hiện hết.

Thủy Tiên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gan-1-trieu-luot-nguoi-ra-duong-ngay-cong-suc-chong-dich-cua-tp-hcm-co-do-song-do-bien-post150652.html