Gần 10 năm sau thảm họa hạt nhân, Fukushima có đủ an toàn cho Olympic?

9 năm sau khi cái tên 'Fukishima' trở thành từ gợi nhớ con người ta đến một thảm họa hạt nhân, khu vực này sẽ là một trong những điểm nhấn của lễ khai mạc Thế vận hội 2020 với lễ rước đuốc từ khu vực nhà máy điện bị tàn phá trong quá khứ.

Fukushima từng là cụm từ khiến người ta liên tưởng ngay đến một thảm họa hạt nhân. Ảnh minh họa: Reuters.

Fukushima từng là cụm từ khiến người ta liên tưởng ngay đến một thảm họa hạt nhân. Ảnh minh họa: Reuters.

Dù là biểu tượng của sự tái sinh mãnh liệt từ một khu vực bị tàn phá nặng nề bởi trận động đất mạnh nhất trong lịch sử Nhật Bản và trận sóng thần chết chóc nhấn chìm toàn bộ cộng đồng, nhiều người vẫn đặt ra câu hỏi rằng liệu quãng thời gian gần một thập kỷ có đủ để phục hồi và biến khu vực này trở nên an toàn.

Các quan chức Nhật Bản cho biết, họ hy vọng rằng Thế vận hội, khai mạc vào ngày 24-7 và được mệnh danh là “Olympics của sự phục hồi”, sẽ thuyết phục những người còn hoài nghi rằng câu trả lời là “có”.

“Đây là cơ hội của Nhật Bản để thay đổi quan điểm, cách nhìn của nhiều người về Fukishima”, Naoto Hisajima, Tổng Giám đốc cơ quan giải trừ quân bị, không phổ biến vũ khí và khoa học thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản, cho biết. “Ngọn đuốc Olympic sẽ đi qua Fukushima, và sẽ có cả những sự kiện liên quan đến Thế vận hội được tổ chức tại đây”.

Đây sẽ là một bước ngoặt đáng kinh ngạc sau khi một khu vực hứng chịu trận động đất mạnh 9.0 độ Richter, mạnh nhất trong lịch sử, vào ngày 11-3-2011. Một trận sóng thần xảy ran gay sau đó, khiến hơn 15.000 người thiệt mạng và 2.500 người đến nay vẫn được cho là mất tích.

Bức tường sóng biển chết chóc đã xuyên qua những bức tường của nhà máy điện hạt nhân Fukishima Daiichi, đánh sập nguồn cung điện, bao gồm cả những máy phát điện dự phòng, làm ngập tất cả các khu vực của nhà máy. 3 lò phản ứng hạt nhân tan chảy, phun các hạt phóng xạ vào không khí.

Nhà chức trách ngay lập tức vào cuộc, tẩy rửa các tòa nhà và loại bỏ lớp đất đá và rau màu dày đến 10 cm khỏi khu vực xung quanh. Hành động này làm giảm độ phóng xạ xuống mức an toàn cho người tiếp xúc, theo Tiến sĩ Claire Corkhill của Đại học Sheffield của Anh.

Đội ngũ của Corkhill cũng đang giúp các nhà điều hành nhà máy đưa ra kế hoạch xử lý các lõi nóng chảy phóng xạ cao - các bộ phận của lò phản ứng hạt nhân của nhà máy điện có chứa các thành phần nhiên liệu, như uranium và plutonium, tạo ra nhiệt để tạo ra năng lượng.

Thị trấn Fubata hiện nay vẫn là "trị trấn ma" do độ phóng xạ vượt ngưỡng an toàn. Ảnh NBC.

Thị trấn Fubata hiện nay vẫn là "trị trấn ma" do độ phóng xạ vượt ngưỡng an toàn. Ảnh NBC.

Những thành phần trên độc đến nỗi chúng chỉ được điều chỉnh từ xa thông qua robot, nhưng đến cả các robot cũng không thể loại bỏ hoàn toàn chúng bởi “bức xạ cực mạnh có khả năng nướng chính các mạch của robot”.

Corkhill nói rằng sẽ mất nhiều thập kỷ để đóng cửa hoàn toàn nhà máy và các nhà điều hành nhà máy vẫn chưa tìm ra cách tiếp cận các lõi phản ứng.

Một diện tích có thể chứa 1 triệu tấn nước, tương đương 400 bể bơi tiêu chuẩn Olymic, cần được bơm vào lò phản ứng này để giữ cho lò phản ứng không vượt nhiệt độ nguy hiểm, cũng đang cạn kiệt dần. Dù nước này đã được xử lý để loại bỏ những chất phóng xạ nguy hiểm nhất, nó vẫn còn chứa dấu vết của tritium, một đồng vị phóng xạ của hydro có khối lượng gấp khoảng ba lần so với đồng vị protium thông thường.

Chính quyền Nhật Bản đã đề nghị thả nước này từ từ xuống biển trong một số năm, một hành động được coi là thông lệ tiêu chuẩn cho các nhà máy điện trên toàn thế giới. Theo Corkhill, đây là phương án khả thi nhất vào thời điểm này.

Tuy vậy, nhiều người dân vẫn còn hoài nghi, đặc biệt là ngư dân địa phương, những người phải kiểm tra phóng xạ trong mỗi mẻ lưới của mình.

Sadamaru Okano, sư trụ trì chùa Seirinji tại thị trấn Matsukawa thuộc Fukushima, cho biết, ngay sau khi vụ việc xảy ra, đã xuất hiện hàng loạt những số liệu không thống nhất từ chính phủ Nhật Bản và cả Điện lực Tokyo. Người dân rất bối rối. “Người ta nói tình hình đã an toàn, sau đó lại nói không, và chúng tôi chẳng bao giờ hiểu hết những con số”, Okano cho biết.

Cửa hàng của Futaba, "thị trấn ma" sau thảm họa Fukushima 2011. Ảnh NBC.

Cửa hàng của Futaba, "thị trấn ma" sau thảm họa Fukushima 2011. Ảnh NBC.

Sean Bonner và Azby Brown, người điều hành tổ chức vì môi trường Safecast, cũng đồng ý với ông Okano. Safecast cung cấp các bộ đếm phóng xạ Geiger cho người dân tại Fukushima và cả Nhật Bản. Brown thậm chí còn nói niềm tin hiện giờ là “nguồn tài nguyên không thể tái tạo”. “Một khi mà bạn đã đánh mất niềm tin, bạn sẽ không thể lấy lại được”, Brown cho biết.

Trong khi công việc dọn dẹp vẫn đang tiếp tục, một số khu vực vẫn được cho là “nằm ngoài giới hạn”. Nằm cách nhà máy điện hạt nhân hơn 3 km, thị trấn Futaba hiện nay vẫn chưa có người ở. Mức độ phóng xạ cao đến mức cư dân cũ phải xin phép đặc biệt để được vào lại thị trấn.

Katushide Okada, 75 tuổi, cho biết ông điều hành một vườn hoa hồng tại thị trấn này từ lúc ông 23 tuổi. “Chúng tôi rời đi không mang gì ngoài bộ đồ đang mặc, khoảng 210 km về phía Nam, tại tỉnh Ibaragi. Đây là một thảm họa nhân tạo”, ông Okada cho biết.

Các điểm nóng bức xạ đã được phát hiện ở J-Village, điểm khởi đầu của cuộc rước đuốc Olympic, theo Greenpeace. Sau khi tiến hành các thử nghiệm, Greenpeace cho biết ô nhiễm phóng xạ vẫn còn được phá hiện ở bãi đậu xe và các khu rừng gần đó tại khu liên hợp thể thao Olympic ở Fukushima.

Bộ Môi trường Nhật Bản cho biết họ đã thực hiện “các biện pháp giảm bức xạ”. Ông Hasajima cũng cho biết chính phủ đã làm việc cùng chính quyền địa phương để quản lý tình hình. “Tôi đảm bảo với mọi người trên thế giới rằng Fukushima đã an toàn. Mức độ phóng xạ không khác biệt với các thành phố lớn khác. Và chúng tôi muốn chào đón tất cả mọi người đến với Fukushima trong dịp này”, ông Hasajima cho biết.

(Theo NBC)

Tiến Dũng

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/quoc-te/tin-tuc/gan-10-nam-sau-tham-hoa-hat-nhan-fukushima-co-du-an-toan-cho-olympic-81506.html