Gần 100 cây sầu riêng bị chặt quả, đẽo gốc trộm trong đêm
Đắk Lắk được biết đến là tỉnh có diện tích trồng sầu riêng lớn. Thời gian qua, liên tiếp xảy ra các vụ việc người dân trồng sầu riêng bị kẻ gian phá hoại, gây thiệt hại hàng tỷ đồng.
Ngày 15-7, tại xã Ea Nam (huyện Ea H'leo, Đắk Lắk) xảy ra sự việc kẻ gian phá hoại quả non, đẽo gốc cây sầu riêng của người dân.
Cụ thể, vườn sầu riêng của bà T. Tại Ea Sia B (xã Ea Nam) bị kẻ gian chặt quả trên cây, đẽo gốc tổng cộng 52 cây.
Tương tự, tại xã Cư Bao (thị xã Buôn Hồ), vườn sầu riêng của gia đình anh B., bị cắt trái, đẽo gốc 22 cây.
Những cây sầu riêng sắp cho thu hoạch bị kẻ xấu cắt quả non vứt đầy gốc, gây thiệt hại lớn kinh tế. Hơn nữa, những cây bị đẽo gốc có nguy cơ bị chết hoặc nếu sống sẽ bị yếu cây.
Sự việc đã được người dân báo đến chính quyền địa phương và cơ quan Công an.
Trước đó, hồi tháng 5-2024, tại xã Ea Hu (huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) cũng xảy ra tình trạng phá hoại sầu riêng của các hộ nông dân.
Theo đó, vườn sầu riêng của anh Lương Văn Đức (41 tuổi, trú thôn 8, xã Ea Hu, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) đã bị kẻ xấu cắt trái non chất đầy gốc.
Qua kiểm đếm, hơn 1.600 trái sầu riêng non của 54 cây trong vườn bị cắt, phá hoại, thiệt hại ước tính khoảng 500 triệu đồng.
Còn tại xã Hòa Tiến, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk, gia đình chị Phạm Thị Lợi phát hiện những trái sầu riêng to bằng nắm tay bị cháy thuốc, bắt đầu rụng hàng loạt, mùi thuốc trừ cỏ bốc lên nồng nặc.
Qua kiểm đếm, có 27 cây sầu riêng bị phun thuốc cỏ gây cháy trái, cháy lá và rụng dần. Kẻ gian đã dùng bình nhựa (thường phun thuốc trừ sâu) trộn thuốc diệt cỏ vào để phun lên những trái sầu riêng đang phát triển nhằm phá hoại.
Một số ít cây lâu năm, thân cao, kẻ gian phun không tới nên chỉ bị rụng trái ở phần thân dưới.
Sầu riêng là loại trái cây đem lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2024 được đánh giá là năm bội thu đối với các hộ trồng sầu, vừa được mùa, giá thành lại cao.
Theo chị Phương Hoàng, đầu mối thu mua sầu riêng số lượng lớn chia sẻ, năm nay, sầu riêng Thái loại đẹp thu mua tại vườn là 70-75.000đ/kg; sầu Ri6 loại đẹp là 50.000đ/kg... Hiện loại Ri6 không còn để thu mua.
Theo ông Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch UBND xã Ea Hu (huyện Cư Kuin), thời gian qua, địa phương đã thành lập nhiều tổ, đội tuần tra, bảo vệ các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.
Ngoài nhiệm vụ tuần tra, các tổ, đội bảo vệ nông sản còn tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo các hộ trồng sầu thường xuyên có mặt tại nương rẫy để theo dõi, quản lý vườn trái cây.
Hiện lực lượng Công an đang thu thập chứng cứ, phục vụ công tác điều tra. Đồng thời cũng khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác phòng ngừa đối tượng xấu, nhất là thời điểm cây trái sắp cho thu hoạch.