Gần 100% doanh nghiệp làm thủ tục hải quan điện tử

Theo Tổng cục Hải quan, năm 2020, 99,56% tổng số doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan điện tử, đạt 99,32% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và hơn 99,63% tổng số tờ khai hải quan trên cả nước.

Thông tin tại cuộc họp báo sáng 19/1/2021 của Tổng cục Hải quan cho biết, hiện nay thủ tục hải quan được thực hiện bằng phương thức điện tử trên hệ thống VNACCS/VCIS tiên tiến hàng đầu thế giới (do Nhật Bản tài trợ) tại 100% các Cục Hải quan tỉnh, thành phố, 100% các Chi cục Hải quan trên cả nước, 100% các loại hình hải quan cơ bản.

Kết quả 99,56% tổng số doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan, đạt 99,32% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và hơn 99,63% tổng số tờ khai hải quan trên cả nước. Cơ sở dữ liệu được xử lý tập trung tại cấp Tổng cục Hải quan. Việc triển khai toàn diện thủ tục hải quan điện tử đã tạo ra bước cải cách đột phá cho hoạt động xuất nhập khẩu, thời gian làm thủ tục hải quan được rút gắn thông qua việc tiếp nhận thông tin tờ khai hải quan và phản hồi kết quả phân luồng tờ khai trong vòng 1-3 giây. Qua đó giúp giảm thiểu chứng từ, giấy tờ và đơn giản hóa hồ sơ hải quan.

Theo báo cáo chỉ số chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2018 (APCI 2018), nhóm thủ tục hành chính hải quan nằm trong nhóm chi phí tuân thủ thấp (xếp hạng 3 trong 8 nhóm thủ tục hành chính), bằng 28% (3,53 triệu đồng) chi phí tuân thủ của cả 8 nhóm thủ tục hành chính (xấp xỉ 12,7 triệu đồng). Việc triển khai thực hiện Quyết định 38/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu do Tổng cục Hải quan chủ trì sẽ góp phần cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm nguồn lực, giảm chi phí, giảm thời gian thông quan hàng hóa.

Việc đổi mới phương thức kiểm tra của đề án theo đánh giá độc lập của tổ chức USAID sẽ giúp doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa thuộc diện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm tiết kiệm chi phí trong một năm nhờ số ngày cắt giảm là hơn 881 tỷ đồng (xấp xỉ 37,8 triệu USD).

Ngành Hải quan đang hướng tới mục tiêu thực hiện Hải quan số. Nguồn ảnh: Báo Hải quan

Ngành Hải quan đang hướng tới mục tiêu thực hiện Hải quan số. Nguồn ảnh: Báo Hải quan

Về Triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN đã làm thay đổi căn bản phương thức thực hiện thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Việt Nam cũng là một trong 5 quốc gia đầu tiên chính thức trao đổi thông tin xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu D thông qua ASW với 4 quốc gia trong khu vực là Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan. Qua đó góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Tính đến ngày 31/12/2020, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 207 thủ tục hành chính của 13 Bộ, Ngành được chính thức triển khai, với xấp xỉ 3,55 triệu hồ sơ của hơn 43,8 nghìn doanh nghiệp.

Theo các báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) về môi trường kinh doanh công bố trong các năm từ 2018 - 2020, các chỉ số thành phần về chi phí và thời gian trong chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam tiếp tục được duy trì. Như vậy, so với công bố của WB năm 2017, thời gian thông quan trực tiếp tại cửa khẩu của Việt Nam đối với hàng xuất khẩu giảm 3 giờ (từ 58 xuống 55 giờ); đối với hàng nhập khẩu giảm 6 giờ (từ 62 xuống 56 giờ); chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho 1 lô hàng giảm 19 USD. Ước tính với trên 11 triệu tờ khai của năm 2020, doanh nghiệp tiết kiệm được trên 200 triệu USD cho thủ tục thông quan; tiết kiệm trên 16 triệu giờ lưu kho đối với hàng xuất khẩu (với 5,36 triệu tờ khai xuất khẩu) và trên 34 triệu giờ lưu kho bãi đối với hàng nhập khẩu (với 5,72 triệu tờ khai nhập khẩu).

Về công tác thu ngân sách, Hải quan Việt Nam đã cải cách toàn diện thủ tục thu nộp thuế và lệ phí đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, chuyển từ nộp thuế, lệ phí thủ công sang nộp thuế lệ phí điện tử, giúp doanh nghiệp nộp thuế mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện, giảm mạnh thời gian và chi phí để thực hiện thủ tục nộp thuế. Tỷ lệ doanh nghiệp xuất nhập khẩu nộp thuế điện tử qua ngân hàng đạt gần 100% với số thu ngân sách bằng phương thức điện tử chiếm trên 98,4% tổng số thu ngân sách của Tổng cục Hải quan.

Năm 2020, với sự nỗ lực và hỗ trợ cộng đồng DN trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kết quả thu NSNN tính đến ngày 31/12/2020 đạt 317.090 tỷ đồng, bằng 93,8% dự toán thu NSNN, bằng 105,7% (317.090/300.000 tỷ đồng) số đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, giảm 8,7 % so với cùng kỳ năm 2019.

Nhật Xuân

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/chuyen-doi-so/chinh-phu-so/gan-100-doanh-nghiep-lam-thu-tuc-hai-quan-dien-tu/20210119115159499