Gần 100 đối tác đồng ý cho HBC gán nợ bằng cổ phiếu, giá trị 1.000 tỷ đồng
Theo ông Lê Viết Hải, tính đến ngày 30/6/2023, đã có 98 nhà cung cấp, nhà thầu phụ đồng ý cấn trừ nợ cho Hòa Bình bằng cổ phiếu với giá trị 1.000 tỷ đồng.
CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC) đến ngày 30/6 vừa qua mới công bố được báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, vì vậy đến ngày 10/7 mới công bố được báo cáo thường niên năm 2022.
Trong báo cáo thường niên năm nay, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hòa Bình cho biết, năm 2022 và 2023 là thời kỳ khó khăn nhất của Hòa Bình trong hành trình hơn 35 năm hoạt động. Với ngành xây dựng, ông Hải đánh giá 5 năm gần đây có nhiều biến cố bất lợi, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng nhà ở đô thị và du lịch - hai lĩnh vực cốt lõi của Hòa Bình.
Năm 2022, lần đầu tiên Hòa Bình có kết quả kinh doanh có lợi nhuận âm và âm lên đến 2.572 tỷ đồng. Riêng phần trích lập dự phòng cho các khoản nợ phải thu lên đến trên 2.059 tỷ đồng.
“Là người chèo lái con thuyền Hòa Bình, tôi xin nhận trách nhiệm của mình khi chưa làm tròn nghĩa vụ đưa Hòa Bình phát triển như kỳ vọng. Tôi cũng xin nhận trách nhiệm của người giữ vị trí cao nhất trong tập đoàn khi đã để xảy ra một số sự việc ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ban lãnh đạo và thương hiệu Hòa Bình. Tuy vậy, tôi không hổ thẹn khi đã đem hết nỗ lực và làm tất cả những gì có thể để giúp công ty vượt qua khó khăn”, ông Hải chia sẻ.
Trong thông điệp của mình, ông Lê Viết Hải cũng đề cập tới “những lời vu khống trong nhiều thư nặc danh của những kẻ tiểu nhân độc ác ném đá giấu tay”. Khẳng định “cây ngay không sợ chết đứng”, ông cho biết những giải trình của Hòa Bình trong báo cáo tài chính kiểm toán đã cho thấy rõ những điều ngược lại với sự vu khống.
Các khoản nợ từng trích lập trước đây đều đã được hoàn nhập
Liên quan đến chiến lược phát triển thời gian tới, Chủ tịch HBC cho biết, Hòa Bình đang lùi lại một bước để làm mới bản thân, bằng chiến lược tái cấu trúc toàn diện với quyết tâm vượt qua thách thức và dần ổn định để khôi phục vị thế.
Kế hoạch tái cấu trúc toàn diện đã được HĐQT và ban điều hành triển khai, trong đó tập trung vào các nhóm giải pháp quan trọng do tân Tổng giám đốc Lê Văn Nam đề xuất bao gồm: Tái cấu trúc tài chính; Tái cấu trúc nguồn nhân lực; Tái cấu trúc sản phẩm và thị trường; Tái cấu trúc hệ thống quản lý; Tái cấu trúc hệ thống các công ty thành viên và công ty liên kết.
Theo ông Hải, khi hoàn tất việc định giá lại tài sản, phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược và thành công trong việc thu hồi nợ để hoàn nhập dự phòng thì vốn chủ sở hữu của Hòa Bình không những sẽ trở lại như cũ mà còn cao hơn nhiều so với những năm trước. “Tính đến ngày 30/6/2023 đã có 98 nhà cung cấp, nhà thầu phụ đồng ý cấn trừ nợ bằng cổ phiếu với giá trị 1.000 tỷ đồng”, ông Hải thông tin.
Ông Hải khẳng định, trong suốt lịch sử kinh doanh, Hòa Bình chưa xóa bất cứ một khoản nợ nào, hầu hết các khoản nợ từng trích lập trước đây đều đã được hoàn nhập. Thời gian qua, do tình thế bắt buộc nên Hòa Bình đã phải giải quyết vấn đề thu hồi nợ qua cơ quan chức năng và đã có 10 vụ kiện được đưa ra xét xử, và Hòa Bình đã thành công tất cả. Tổng giá trị thu về qua kết quả xét xử cao hơn tổng nợ gốc gần 50%.
Với quan điểm “bĩ cực thái lai”, Xây dựng Hòa Bình đặt mục tiêu doanh thu năm 2023 ở mức 12.500 tỷ đồng; giảm 11,5% so với năm 2022; lợi nhuận 125 tỷ đồng, cải thiện nhiều so với con số lỗ kỷ lục của năm ngoái.
Tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức ngày 27/6 vừa qua, cổ đông HBC đã thông qua kế hoạch phát hành riêng lẻ 274 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp nhằm huy động nguồn vốn để bổ sung vốn lưu động cũng như xử lý các khoản nợ (hoán đổi nợ với đối tác, thanh toán nợ vay từ phát triển dự án).
Giá phát hành sẽ do HĐQT quyết định nhưng không thấp hơn 12.000 đồng/cp. Nếu đợt chào bán diễn ra thành công, HBC có thể thu về ít nhất 3.288 tỷ đồng.