Gần 100 gian hàng tham gia ngày hội dược liệu các hợp tác xã Việt Nam
Gần 100 gian hàng vừa tham gia 'Kết nối giao thương giữa các HTX sản xuất trong ngành dược liệu với các DN xuất khẩu và các tổ chức xúc tiến thương mại'.
Chương trình do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công thương, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền - Bộ Y tế; Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã - Liên minh hợp tác xã Việt Nam tổ chức...
Hội nghị là bức tranh tổng thể về tinh hoa dược liệu Việt, về thực trạng các nhà máy, hợp tác xã (HTX) Việt Nam đang nỗ lực mở rộng diện tích vùng nguyên liệu sản xuất nhiều sản phẩm đa dạng cung ứng cho thị trường Việt và xuất khẩu bên cạnh đó cũng là những ý kiến thảo luận về những khó khăn thách thức của quá trình sản xuất dược liệu hiện nay để mở ra những kiến nghị, giải pháp gửi đến các bộ ban ngành tại Việt Nam.
Đến nay, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã cả nước có 31.364 HTX, 120.983 tổ hợp tác (THT); 133 liên hiệp HTX. Theo báo cáo và khảo sát của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam, hiện cả nước có hơn 600 HTX chuyên sản xuất dược liệu, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến và xuất khẩu, sơ chế và chế biến sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 - 5 sao tiêu thụ thị trường trong nước như sâm Ngọc Linh, bạch quả, cà gai leo, anh thảo, cỏ ngươi, ba kích, đinh lăng, tam thất, ráy gai, vàng đắng, rau má, cỏ mực… với tổng diện tích hơn 3.000ha.
Trong giai đoạn 2023-2025 và những năm tiếp theo, khi nhu cầu dược liệu của thị trường trong nước và xuất khẩu tăng lên, thì diện tích và sản lượng dược liệu do HTX và tổ hợp tác sản xuất sẽ tăng mạnh ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước; nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Để hỗ trợ phát triển ngành dược liệu trong nước, tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; trong đó, tiểu dự án 2 của giai đoạn I (từ năm 2021-2025) phát triển vùng trồng dược liệu với nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư hỗ trợ trực tiếp; cơ chế này thu hút được các nguồn lực đầu tư trồng dược liệu, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết được nguồn lao động cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tại chương trình kết nối giao thương, có một số bài tham luận như: TS. Trần Minh Ngọc - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền - Bộ Y tế với bài tham luận: Chính sách và pháp luật thúc đẩy phát triển kinh tế dược liệu Việt Nam; ông Trần An Định - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình với tham luận: Tiềm năng, lợi thế và định hướng phát triển cây dược liệu của tỉnh Hòa Bình.
Về các chính sách hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh trong việc phát triển HTX dược liệu, ông Trần Văn Tân - Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp an toàn và hữu cơ Thanh Hóa - Giám đốc HTX trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và bảo tồn cây, con giống bản địa với bài tham luận: Phát triển vùng trồng dược liệu của tỉnh Thanh Hóa, quy trình sản xuất chế biến dược liệu của HTX tại Quảng Xương.
Về lợi thế của mô hình HTX dược liệu và hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh để phát triển HTX, bà Nguyễn Thanh Tuyền - Giám đốc HTX bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn với bài tham luận: Phát triển cây dược liệu đặc hữu với mô hình HTX tại Việt Nam.
Tham luận về những thuận lợi khi tham gia hợp tác xã dược liệu, ông Cao Quốc Thanh - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Việt Long Việt Nam có bài chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu dược liệu Việt Nam vào thị trường Trung Quốc.
Trong chương trình, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX - Liên minh HTX Việt Nam đã ký hợp tác chiến lược để cho các HTX vay vốn kinh doanh sản xuất. Trên địa bàn cả nước, Quỹ hợp tác xã Trung ương đã tích cực triển khai cho vay hỗ trợ kinh tế tập thể, trong giai đoạn 2019-2023, quỹ đã ký hợp đồng cho vay 246 dự án tại 55 tỉnh, thành phố, tăng 2,36 lần so với giai đoạn 2014 - 2018.
Bên cạnh đó, chương trình đã có lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Viện Phát triển bền vững và Kinh tế số với các HTX Việt Nam. Qua đó, Viện Phát triển bền vững và Kinh tế số hỗ trợ và đồng hành cùng các HTX dược liệu trong việc xúc tiến thương mại, tạo dựng thương hiệu và chuyển đổi số để hội nhập quốc tế.
Tại chương trình kết nối giao thương, các gian hàng dược liệu đến từ các HTX của 63 tỉnh thành như: Dược liệu nước rửa tay chiết xuất từ vỏ cam của Trung tâm Tư vấn phát triển vì sức khỏe cộng đồng CDH, yến sào dược liệu của Công ty Yến sào Quang Lâm, nước cốt nhàu Quang Thảo, sâm Bắc Giang, tinh dầu maca Quảng Nam... được du khách rất quan tâm.
Hội nghị kết nối giao thương, trưng bày, giới thiệu sản phẩm dược liệu, một sự kiện thu hút đông đảo các hợp tác xã trong ngành dược liệu, các doanh nghiệp trong ngành dược phẩm, các doanh nghiệp xuất khẩu, các tổ chức xúc tiến thương mại, cùng giao thương hướng đến phát triển bền vững cùng đưa tinh hoa dược liệu Việt lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng và trên thế giới.