Gần 100 ngày theo dấu đường dây buôn vảy tê tê xuyên quốc gia
Nguyễn Thị Chính trực tiếp đi trước thám thính, chọn những cung đường hiểm trở, heo hút, cùng những múi giờ ít có lực lượng chức năng nhất để giao hàng.
Những ngày cuối tháng 5, một tuần sau khi thông tin ban đầu về đường dây buôn bán gần một tấn vảy tê tê được Công an Hà Nội cung cấp, chúng tôi tìm đến Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (CSPCTP về môi trường).
Vẫn không khí khẩn trương như hồi cách đó hơn 4 tháng, khi manh mối về đường dây buôn lậu hàng cấm (vảy tê tê) phát lộ. Dù có hẹn trước với trưởng phòng, nhưng gõ cửa thì không thấy bóng người bên trong. Bấm điện thoại, Đại tá Trần Anh Tuấn nhanh gọn: "Nhà báo vào Đội 4 đi, mình đang ở dưới này".
Mặt hàng chưa bao giờ “nguội”
Có 984 kg vảy của loài tê tê cây bụng trắng có nguồn gốc từ châu Phi đưa về, nếu trót lọt sẽ được chuyển tiếp sang Trung Quốc. 4 người bị khởi tố đến thời điểm này với đầy đủ các khâu môi giới, vận chuyển, mua bán, và hồ sơ vụ án đã được chuyển đến Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội để thực hiện các biện pháp tố tụng tiếp theo. Nhưng như đại tá Trần Anh Tuấn và cán bộ Đội 4 nhìn nhận: “Liệu có còn những nút thắt nào chưa được mở? Bài học kinh nghiệm rút ra trong vụ án là gì?”.
Trước khi đến Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, chúng tôi có trao đổi sơ bộ nội dung vụ án với một số cán bộ của lực lượng hải quan, quản lý thị trường và nhận được đúc kết: “Phải là người 'trong nghề' mới thấy được cái hay của vụ án”.
Trước đó, tại một số địa phương, lực lượng chức năng từng phát hiện hàng tấn vảy tê tê từ nước ngoài đưa về. Nhưng khi truy nguồn xuất - nhập lại khó khăn, rơi vào trạng thái…hàng vô chủ. Nhiều vụ án chỉ dừng lại ở quyết định tịch thu hàng hóa. Thế nên nhiều đường dây, nhiều đối tượng vẫn tìm cách nhập mặt hàng này về để xuất sang Trung Quốc.
“Không chỉ khó khăn trong quá trình truy xuất chủ hàng, việc bóc gỡ các đường dây, đối tượng mua bán, vận chuyển vảy tê tê một cách triệt để luôn là nhiệm vụ không đơn giản. Nó khó từ khâu xác định vảy tê tê thu giữ là loại gì? Thuộc danh mục nào, nhóm nào? Số vảy đó là của bao nhiêu cá thể tê tê? (bởi khi bị lấy vảy, tê tê sẽ không duy trì sự sống được lâu). Và vì không xác định rõ yếu tố này nên CQĐT sẽ không áp dụng được Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015 với tội Vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm có khung hình phạt nghiêm khắc để xử lý”, chỉ huy Đội 4 cho biết.
Ngoài ra, chỉ một danh từ là “tê tê”, nhưng động vật này có tới 8 loại khác nhau nên việc giám định, xác định vảy lại càng tốn nhiều thời gian, công sức. Bất chấp những rủi ro, hệ lụy của việc vi phạm phát luật, thị trường buôn bán, thu gom vảy tê tê cứ âm thầm hoạt động với đủ hình thức tinh vi, phức tạp.
Người đàn bà "năng động"
Buổi tối một ngày trung tuần tháng 1, cuộc họp khẩn được tiến hành ngay tại phòng làm việc của đại tá Trần Anh Tuấn sau gần 2 giờ đánh giá, phân tích mọi thông tin, đầu mối mà trinh sát Đội 4 thu thập. Đây là cơ sở quan trọng để hình thành chuyên án phá vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm về sau.
Từ cuối năm 2020 và đặc biệt đầu tháng 1/2021, trinh sát Đội 4 phát hiện đường dây mua bán vảy tê tê nhập lậu mà các đối tượng “mượn” địa bàn Hà Nội làm nơi trung chuyển. Dù quy mô không nhiều bằng các đối tượng buôn cả container theo đường biển với số lượng cả chục tấn, nhưng tính chất đối phó của các đối tượng trong đường dây này thì hơn hẳn.
Mỗi chuyến hàng nhập lậu, vận chuyển cũng lên đến cả tạ, sau đó được xé lẻ, cất giấu ở nhiều địa điểm, chờ tìm mối khách lớn ở Việt Nam hay nước ngoài. Đường dây này phân công kín kẽ, độc lập từng công đoạn gồm: nhập hàng, cất giấu, vận chuyển, tiêu thụ.
Trong đó, người cầm đầu “quán xuyến” và phân công công việc cho tất cả. Khi cuộc họp đang diễn ra ở trụ sở Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường thì nguồn tin trinh sát cho hay: Hiện có số lượng lớn vảy tê tê đã được ém ở nhiều địa điểm, chỉ chờ thời cơ là…xuất.
Nắm được manh mối đường dây cũng là lúc trinh sát Đội 4 “khoanh” được cái tên đầu tiên: Nguyễn Thị Chính (33 tuổi, trú tại xã Hợp Hòa, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc). Ở địa phương, người đàn bà này được đánh giá là năng động, hợp với việc xê dịch và buôn bán hoa quả hay…chăn nuôi lợn. Chính từng có thời gian dài làm ăn ở khu vực biên giới, thậm chí, từng sang Trung Quốc sống với chồng là người bản địa. Vì vậy, Chính thường xuyên vắng nhà dài ngày và mỗi khi trở về lại rất “rủng rỉnh”.
Đi sâu xác minh, trinh sát Đội 4 có cơ sở xác định, Nguyễn Thị Chính là “bà trùm” của đường dây mua bán, vận chuyển, tiêu thụ vảy tê tê. Không chỉ khai thác nguồn cung, tìm kiếm đối tác tiêu thụ, mỗi chuyến giao hàng, Chính trực tiếp đi trước thám thính và thường chọn những cung đường hiểm trở, heo hút, cùng những múi giờ ít có lực lượng chức năng nhất để giao hàng. Trước đó, mọi kết nối được Chính thực hiện với “bạn hàng” qua mạng xã hội bằng hàng chục số máy “rác”.
Sau khi thu thập được nhiều tài liệu liên quan đến hoạt động phạm pháp của Chính, khoảng 17h30 ngày 29/3, tại khu đô thị Hà Phong (xã Tiền Phong, huyện Mê Linh), Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường phối hợp với Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội bắt quả tang Chính cùng Nguyễn Văn Sự (41 tuổi, trú tại xã Hợp Hòa, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc), Hoàng Thị Hiền Phương (37 tuổi, trú tại xã Hiền Giang, huyện Thường Tín, Hà Nội) đang giao dịch mua bán vảy tê tê.
Cơ quan công an thu giữ 984 kg vảy tê tê cây bụng trắng đựng trong 50 bao tải dứa trên chiếc xe tải do Nguyễn Văn Sự điều khiển. Mở rộng điều tra, cơ quan công an tiếp tục làm rõ Nguyễn Thị Hà (33 tuổi, trú tại xã Hợp Hòa, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc) là đồng phạm với Chính trong hoạt động tàng trữ, mua bán hàng cấm.
Ngày 7/4, Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Chính, Nguyễn Thị Hà, Hoàng Thị Hiền Phương về tội Buôn bán hàng cấm, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Sự về tội Vận chuyển hàng cấm. Cơ quan chức năng cũng đã làm thủ tục để tịch thu số vảy tê tê. Theo định giá trên thị trường, giá giao dịch khoảng hơn 2 tỷ đồng.
Theo Hoàng Quân/An Ninh Thủ Đô