Gần 100% số người Việt mắc tiền đái tháo đường không biết mình mang bệnh
Làm gì để đẩy lùi bệnh đái tháo đường?
(HNMO) - Ngày 23-11, tại Hà Nội, Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam phối hợp với Merck Việt Nam tổ chức họp báo nâng cao nhận thức tiền đái tháo đường và ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác chương trình tầm soát tiền đái tháo đường vì phúc lợi bệnh nhân.
Quang cảnh buổi họp báo.
GS.TS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam cho biết, tiền đái tháo đường là tình trạng cơ thể có nồng độ đường trong máu cao hơn bình thường nhưng chưa đủ để chẩn đoán là bệnh đái tháo đường. Đáng lo ngại, tiền đái tháo đường nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tăng nguy cơ mắc đái tháo đường type 2 và cuối cùng là các biến chứng nguy hiểm, như: Giảm thị lực, mù lòa, bệnh tim mạch, đột quỵ, suy thận…
Tại Việt Nam có gần 100% số người mắc tiền đái tháo đường nhưng không biết mình mang bệnh. Trong khi nếu phát hiện bệnh sớm, thông qua việc thực hiện điều chỉnh lối sống, áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh và tăng mức độ hoạt động thể chất thì sẽ làm chậm quá trình diễn biến từ tiền đái tháo đường chuyển sang đái tháo đường và thậm chí là quay trở lại mức đường huyết bình thường.
GS.TS Trần Hữu Dàng lưu ý, tiền đái tháo đường là căn bệnh thầm lặng, không có triệu chứng lâm sàng điển hình. Nếu như đái tháo đường có biểu hiện ăn nhiều, uống nhiều, đi tiểu nhiều thì tiền đái tháo đường hoàn toàn ngược lại, không có bất kỳ một triệu chứng gì. Do đó, để phát hiện bệnh, người dân cần được xét nghiệm tiểu đường.
“Những người trên 45 tuổi, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ, người thừa cân (chỉ số BMI ≥ 23 kg/m2) có ít nhất 1 trong các yếu tố: Tiền sử gia đình có người mắc đái tháo đường, tiền sử bệnh tim mạch, tăng huyết áp hoặc rối loạn mỡ máu, không hoạt động thể lực… thì cần đi làm xét nghiệm thử đường huyết mỗi năm một lần. Ngoài ra, người mắc stress, lạm dụng rượu bia, thuốc lá… cũng là nguy cơ mắc tiền đái tháo đường”, GS.TS Trần Hữu Dàng khuyến cáo.
Sau buổi họp báo đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ chương trình tầm soát tiền đái tháo đường vì phúc lợi bệnh nhân với mục tiêu nâng cao nhận thức và kiến thức của cộng đồng về tiền đái tháo đường. Dự kiến, chương trình được thực hiện từ tháng 11-2019 cho đến năm 2020 với hơn 2.500 người có nguy cơ cao tiền đái tháo đường tại 6 bệnh viện lớn trên cả nước: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện trung ương Huế, Bệnh viện Nội tiết Nghệ An, Bệnh viện Nội tiết trung ương và Bệnh viện Tim Hà Nội.