Gần 13.000 nhà trọ ở TP. HCM có nguy cơ dừng hoạt động

Khi Đề án Quản lý, hỗ trợ nhà ở riêng lẻ có mục đích cho thuê trọ tại TP. HCM được phê duyệt, dự kiến có khoảng 12.800/60.500 công trình nhà trọ (chiếm tỷ lệ 21%) không đủ điều kiện an toàn để tiếp tục hoạt động.

Chiều 8/8, thông tin tại buổi họp báo kinh tế - xã hội TP.HCM, bà Lê Thị Loan - Phó Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, Sở Xây dựng TP.HCM đã thông tin về dự thảo Đề cương Đề án Quản lý, hỗ trợ nhà ở riêng lẻ có mục đích cho thuê trọ tại TP.HCM.

Bà Loan cho biết, nhà ở riêng lẻ thuộc sở hữu tư nhân cho thuê trọ đang là nguồn cung chính đáp ứng nhu cầu nhà ở của người có thu nhập thấp, trước bối cảnh nhu cầu thuê trọ để sinh sống, học tập và làm việc tại TP. HCM rất lớn trong thời gian qua.

"Loại hình này đã giải quyết một số lượng lớn nhu cầu cần thiết, chính đáng để ở của người dân, trong khi nguồn lực nhà nước tập trung đầu tư, xây dựng nhà ở thu nhập thấp, nhà ở xã hội cho thuê hiện không và chưa thể đáp ứng...", bà Loan nói.

Theo thống kê của Sở Xây dựng TP. HCM, hiện có khoảng 60.500 công trình nhà trọ tư nhân đang kinh doanh trên địa bàn thành phố, với tổng số 560.220 phòng trọ, khoảng hơn 1,4 triệu người đang thuê.

Gần 13.000 nhà trọ tại TP. HCM có nguy cơ dừng hoạt động khi Đề án Quản lý, hỗ trợ nhà ở riêng lẻ có mục đích cho thuê trọ tại TP. HCM được phê duyệt.

Gần 13.000 nhà trọ tại TP. HCM có nguy cơ dừng hoạt động khi Đề án Quản lý, hỗ trợ nhà ở riêng lẻ có mục đích cho thuê trọ tại TP. HCM được phê duyệt.

Hầu như toàn bộ đã được người dân xây dựng, có tình trạng sai phép (đối với dãy phòng cho thuê độc lập) hoặc tự ý chuyển đổi loại hình từ nhà ở riêng lẻ sang cho thuê trọ (tự ngăn chia từng phòng, tăng quy mô số lượng người sinh hoạt, lưu trú lên gấp nhiều lần nhưng chưa được cơ quan quản lý chuyên ngành về an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) xem xét, xét duyệt, nghiệm thu đưa vào sử dụng).

Xuất phát từ thực tiễn, Sở Xây dựng TP. HCM nhận định, việc xây dựng và thực hiện Đề án Quản lý, hỗ trợ nhà ở riêng lẻ có mục đích cho thuê trọ tại TP. HCM này là cần thiết.

Mục tiêu chính của Đề án là đưa đối tượng nhà ở riêng lẻ có mục đích cho thuê trọ vào quản lý chặt chẽ, đồng thời đề xuất giải pháp hỗ trợ, bảo vệ sự an toàn của người dân; không làm gián đoạn nguồn cung do tăng giá cho thuê, giải quyết hài hòa mục tiêu an sinh xã hội của nhà nước, lợi ích của chủ nhà trọ và người thuê.

Từ đó làm tiền đề (điều kiện an toàn cho thuê trọ) thực hiện tốt hơn việc hỗ trợ và quản lý nhà nước đối với nhà ở riêng lẻ có mục đích cho thuê trọ trên các phương diện (quản lý kinh tế, xã hội, an toàn phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự, quản lý thuế…).

Đặc biệt, một sản phẩm kỳ vọng của Đề án là dữ liệu nhà trọ an toàn, cung cấp đầy đủ thông tin trên app mobile, hỗ trợ cả người thuê và người cho thuê, đáp ứng cung – cầu cho thuê trọ, góp phần hạn chế việc tăng giá cho thuê do thiếu thông tin hoặc thông tin bất cân xứng.

TP. HCM đề xuất diện tích nhà trọ phải đảm bảo 5m2/người.

TP. HCM đề xuất diện tích nhà trọ phải đảm bảo 5m2/người.

Về lộ trình thực hiện, sau khi UBND Thành phố thông qua chủ trương, phê duyệt Đề cương Đề án, các sở, ngành sẽ khẩn trương triển khai thực hiện hoàn thành các sản phẩm, các giải pháp quản lý và hỗ trợ nhà ở riêng lẻ có mục đích cho thuê trọ trình UBND Thành phố chậm nhất là tháng 12/2024.

Cũng theo đánh giá, hiện nay TP. HCM đang có khoảng trống pháp lý trong thực tiễn quản lý nhà nước.

Đầu tiên, về quy định về quản lý trật tự xây dựng, không có chế tài xử phạt đối với các trường hợp tự thay đổi nội thất bên trong như cải tạo, ngăn chia không gian thành phòng cho thuê của công trình nhà ở riêng lẻ.

Thứ 2, việc kinh doanh nhà trọ, phòng trọ là ngành nghề phải có đăng ký kinh doanh, cho dù cá nhân kinh doanh nhà trọ quy mô nhỏ, doanh thu thấp cũng phải đăng ký kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh cá thể… Tuy nhiên, thực tế vẫn tồn tại với số lượng lớn hộ gia đình, cá nhân kinh doanh riêng lẻ, tự phát, cho sinh viên, người lao động thuê trọ để tăng thu nhập nhưng không đăng ký kinh doanh và ảnh hưởng nhất định đến số thu thuế tại mỗi địa phương.

Mặt khác, theo quy định liên quan nhà ở và xây dựng, nhà ở riêng lẻ có chiều cao từ 6 tầng trở xuống có hoặc có không quá 1 tầng hầm thì không bắt buộc áp dụng Quy chuẩn 06:2021/BXD mà thực hiện theo hướng dẫn riêng, phù hợp cho từng đối tượng nhà và khu dân cư. Hiện nay, TP. HCM chưa có hướng dẫn riêng này.

Cũng theo Sở Xây dựng, thời gian gần đây, thực tế báo động là sự an toàn của người dân sinh sống trong khu trọ không đảm bảo cả về phòng cháy, chữa cháy; vệ sinh môi trường; an toàn nước sinh hoạt; điều kiện kinh doanh phòng trọ và kinh doanh các lĩnh vực khác…; bên cạnh đó, còn có khoảng trống trong quản lý nhà nước lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy; trật tự xây dựng sau cấp phép xây dựng; quản lý loại hình kinh doanh nhà cho thuê trọ, quản lý thuế đối với loại hình kinh doanh này.

Sở Xây dựng TP. HCM cho biết thêm, theo kết quả khảo sát ban đầu, có khoảng 12.800/60.500 công trình (chiếm tỷ lệ 21%) không đủ điều kiện an toàn để tiếp tục hoạt động cần phải thực hiện chuyển đổi, cải tạo để đạt tiêu chí của quy định tối thiểu.

- Hẻm xây dựng nhà ở riêng lẻ có mục đích cho thuê trọ phải có chiều rộng tối thiểu 3÷4m để đảm bảo xe cứu hỏa tiếp cận.

- Trường hợp hẻm không đủ rộng cho xe cứu hỏa tiếp cận thì nhà phải cách mặt đường chính không quá 100m để đường ống nước chữa cháy của xe cứu hỏa vào được đến nơi có sự cố.

- Mọi phòng ở trong nhà phải đảm bảo có hành lang dẫn ra lối thoát nạn;

- Thống nhất được tiêu chí diện tích tối thiểu m2 sàn/người, tạm thời đề xuất là 5m2/người để có giới hạn số lượng người trên mỗi phòng và giới hạn số lượng phòng trong mỗi công trình nhà trọ không tập trung quá đông người.

Kim Sáng

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/gan-13-000-nha-tro-o-tp-hcm-co-nguy-co-dung-hoat-dong-443501.html