Gần 13 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19
Trong 3 tháng qua, cả nước có thêm 3,7 triệu lao động rơi vào tình trạng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Thu nhập của lao động cũng giảm nhẹ so với đầu năm.
Sáng 6/7, Tổng cục Thống kê công bố báo cáo tình hình lao động, việc làm quý II và kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2020. Ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động cho biết trong quý II và 6 tháng đầu năm, thị trường lao động Việt Nam bị ảnh hưởng do sự bùng phát lần thứ 3 và thứ 4 của dịch Covid-19.
Tình hình lao động việc làm quý II chưa thấy dấu hiệu khả quan khi số người có việc làm giảm so với quý trước, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng so với quý trước.
1,1 triệu lao động thiếu việc làm
Trong quý II, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. So với quý trước, dịch đã làm tăng thêm 3,7 triệu lao động rơi vào tình trạng bị ảnh hưởng tiêu cực.
Trong tổng số 12,8 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, có 557.000 người bị mất việc, chiếm 4,4%; 4,1 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh, chiếm 31,8%; 4,3 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 34,1% và 8,5 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 66,4%.
Theo đó, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý II là 51,1 triệu người, tăng 44.700 người so với quý trước và tăng 1,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2019 khi chưa có dịch, lực lượng lao động vẫn thấp hơn 304.000 người.
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý II là 68,5%, giảm 0,2 điểm % so với quý trước và tăng 1,3 điểm % so với cùng kỳ năm trước. Vụ Thống kê dân số và lao động chỉ ra người dân tại khu vực nông thôn gia nhập thị trường lao động sớm hơn và rời bỏ thị trường muộn hơn khá nhiều so với khu vực thành thị.
“Đây là đặc điểm điển hình của thị trường lao động với cơ cấu lao động tham gia ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao”, ông Phạm Hoài Nam nói.
Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý II là 49,9 triệu người, giảm 65.000 người so với quý trước và tăng gần 1,8 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
Tổng cục Thống kê cho biết số người từ 15 tuổi trở lên thiếu việc làm trong quý II là 1,1 triệu người, tăng 173.500 người so với quý trước và giảm 137.100 người so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 49,9 triệu người, tăng 788.700 người so với cùng kỳ năm 2020.
Thu nhập khu vực công nghiệp và xây dựng giảm mạnh nhất
Thu nhập bình quân tháng của lao động quý II là 6,1 triệu đồng, giảm 226.000 đồng so với quý trước nhưng tăng 547.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. “Diễn biến khó kiểm soát của dịch Covid-19 trong quý II đã làm gián đoạn đà phục hồi thu nhập của người lao động”, đại diện Tổng cục Thống kê nhìn nhận.
Trong quý II, hầu hết ngành kinh tế đều ghi nhận mức giảm thu nhập bình quân của người lao động so với quý trước. Người lao động làm việc ở khu vực công nghiệp và xây dựng bị ảnh hưởng về thu nhập nhiều nhất với mức thu nhập bình quân tháng đạt 6,7 triệu đồng, giảm 464.000 đồng so với quý trước.
Lao động trong khu vực dịch vụ với thu nhập bình quân đạt 7,2 triệu đồng, giảm 291.000 đồng. Duy nhất thu nhập bình quân tháng của lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 80.000 đồng, đạt 3,7 triệu đồng.
Tính chung nửa đầu năm, thu nhập bình quân tháng từ công việc của lao động có việc làm là 6,2 triệu đồng, tăng 320.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.
Tổng cục Thống kê khuyến nghị cần tiếp tục thực hiện kiên định mục tiêu kép, vừa quyết liệt phòng chống dịch hiệu quả, vừa tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và người lao động. Cơ quan này cũng cho rằng cần đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine để đạt được miễn dịch cộng đồng, đặc biệt ưu tiên cho các lao động tuyến đầu, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất để duy trì sản xuất.
Ngoài ra, Chính phủ cần ưu tiên chú trọng thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng và hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động. Cần có chương trình khuyến khích thanh niên và lao động trẻ tham gia học tập đào tạo để nâng cao trình độ.
Vai trò của hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm cũng được nhấn mạnh nhằm tăng cường kết nối cung - cầu lao động, rút ngắn thời gian tìm việc của người lao động, thời gian tuyển dụng của người sử dụng lao động.
Tổng cục Thống kê cũng khuyến cáo cần tập trung hỗ trợ nhiều hơn đến đối tượng yếu thế trong xã hội, đặc biệt là công nhân, buôn bán nhỏ, lao động phi chính thức… Cơ quan này nhấn mạnh đây là những đối tượng dễ bị tổn thương khi việc thực hiện giãn cách xã hội, để giảm thiểu những tác động tiêu cực về mặt xã hội như tệ nạn xã hội, trộm cắp…