Gần 14.000 học sinh thi đánh giá tư duy, mở màn tuyển sinh đại học năm 2025

Kết quả kỳ thi Đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội được 50 cơ sở giáo dục đại học sử dụng để tuyển sinh đầu vào.

Chiều 18/1, các thí sinh đã có mặt tại Đại học Bách khoa Hà Nội để tham dự kỳ thi đánh giá tư duy năm 2025. Đợt 1 của kỳ thi đánh giá tư duy được tổ chức trong 2 kíp vào chiều 18/1 và sáng 19/1 với gần 14.000 thí sinh tham gia.

Kỳ thi được tổ chức cùng lúc tại 31 điểm thi, trong đó 18 điểm thi tại khu vực Hà Nội và 13 điểm thi ở các địa phương như Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng.

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá tư duy năm 2025 tại Đại học Bách Khoa Hà Nội chiều 18/1.

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá tư duy năm 2025 tại Đại học Bách Khoa Hà Nội chiều 18/1.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: Kỳ thi đánh giá tư duy đợt 1 năm 2025 có đông thí sinh tham dự hơn so với năm 2024 do nhà trường giảm số đợt thi từ 6 xuống còn 3 đợt.

Đặc biệt, rút kinh nghiệm năm ngoái, hàng trăm thí sinh phải dừng thi đánh giá tư duy vì sự cố mất Internet, năm nay Đại học Bách khoa Hà Nội đã lên các phương án dự phòng, đồng thời tránh tổ chức thi vào các đợt mưa bão nhằm tạo thuận lợi hơn cho thí sinh.

Năm nay, Đại học Bách khoa Hà Nội tiếp tục ứng dụng nhiều công nghệ mới trong tổ chức kỳ thi. Hệ thống nền tảng số được nâng cấp với các máy chủ và tài nguyên máy tính nhằm đảm bảo quá trình thi diễn ra suôn sẻ, không gặp sự cố.

Hệ thống ra đề thi được tích hợp mô-đun lưu trữ, bảo mật và mã hóa đề thi, giúp đảm bảo an toàn tuyệt đối. Đồng thời, công tác đánh giá kết quả thi và xuất phổ điểm cũng được cải tiến trên nền tảng số, nâng cao tính chính xác và minh bạch.

Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội thông tin thêm, mặc dù công tác chấm thi diễn ra ngay sát Tết, nhưng nhờ áp dụng chuyển đổi số, quá trình này được tối ưu hóa để tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh. Dự kiến, toàn bộ giấy báo kết quả thi sẽ được gửi đến thí sinh vào ngày 24/1.

Để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2023, nội dung và hình thức thi đánh giá tư duy đã được thực hiện theo đúng thiết kế và giữ ổn định trong nhiều năm tới. Theo đó, bài thi gồm 3 phần thi: Tư duy Toán học (60 phút), Tư duy Đọc hiểu (30 phút) và Tư duy Khoa học/Giải quyết vấn đề (60 phút). Đây là 3 phần thi độc lập, câu hỏi thi sẽ tập trung vào đánh giá năng lực tư duy của thí sinh trong mỗi phần thi, không đi vào kiểm tra trực diện kiến thức của môn học nào.

Hình thức thi trắc nghiệm trên máy tính, kết quả thi sẽ có giá trị trong 2 năm để phục vụ cho công tác tuyển sinh đại học.

Theo kế hoạch, đợt 2 của kỳ thi đánh giá tư duy sẽ diễn ra vào ngày 8-9/3; đợt 3 của kỳ thi được tổ chức vào ngày 26-27/4 tại 13 tỉnh/thành phố gồm Hà Nội, Lào Cai, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng.

Tính tới thời điểm hiện tại, đã có hơn 50 cơ sở giáo dục đại học sử dụng để xét tuyển. Các khối ngành có thể sử dụng kết quả Kỳ thi Đánh giá tư duy để xét tuyển đại học: Các khối ngành khoa học kỹ thuật, công nghệ; Các khối ngành kinh tế, ngoại thương, tài chính, ngân hàng; Các khối ngành y, dược; Các khối ngành công nghiệp, nông nghiệp.

Trúc Chi (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/gan-14000-hoc-sinh-thi-danh-gia-tu-duy-mo-man-tuyen-sinh-dai-hoc-nam-2025-20425011820031544.htm