Gần 15 tỷ USD rót vào mạng lưới truyền tải điện đến năm 2030, các doanh nghiệp nào hưởng lợi?

Theo kế hoạch, tổng vốn đầu tư cho nguồn, lưới điện truyền tải giai đoạn 2021-2030 trong Quy hoạch điện VIII khoảng 134,7 tỷ USD, riêng lĩnh vực truyền tải điện sẽ chiếm hơn 10%. Nhiều chuyên gia phân tích đây sẽ là cơ hội vàng cho các doanh nghiệp hạ tầng điện bứt phá.

Gần 15 tỷ USD đầu tư vào lưới truyền tải điện

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, điện là ngành hạ tầng quan trọng, phát triển điện lực phải đi trước một bước tạo nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững. Tổng vốn đầu tư cho nguồn, lưới điện truyền tải giai đoạn 2021-2030 trong Quy hoạch điện VIII khoảng 134,7 tỷ USD, riêng lĩnh vực truyền tải điện là 14,9 tỷ USD. Đặc biệt, vốn đầu tư ngành điện giai đoạn 2026-2030 cần khoảng 77,6 tỷ USD, trong đó lưới truyền tải cần 5,9 tỷ USD.

Về lưới điện, quy hoạch điện chú trọng đầu tư các đường dây 500 kV, trạm biến áp 500 kV, đường dây và trạm biến áp 220 kV.

Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đặt mục tiêu trong năm 2025 khởi công 34 dự án, hoàn thành và đóng điện 74 dự án. Tổng giá trị đầu tư xây dựng ước tính 20.670 tỷ đồng, trong đó đầu tư thuần khoảng 14.746 tỷ đồng.

Cùng với đó, theo phân tích hồi tháng 2 của Chứng khoán MBS, Quy hoạch điện VIII điều chỉnh có cập nhật mới về triển vọng tăng trưởng tiêu thụ điện của Việt Nam, dự kiến đạt 10,3% trong kịch bản cơ sở và 12,5% trong kịch bản cao từ nay đến 2030.

Theo đó, ở kịch bản cơ sở, các dự báo về sản lượng điện khá tương đương so với kịch bản điều hành của Quy hoạch điện VIII trước đây, tuy nhiên, có sự khác biệt một chút về phân phối nhu cầu điện, tăng tỷ trọng tiêu thụ điện tại khu vực Miền Bắc. Trong khi đó, ở kịch bản cao, giả định GDP tăng trưởng 10% giai đoạn 2026-30, kéo theo nhu cầu điện thương phẩm dự kiến tăng trung bình 12,5% trong giai đoạn này, tương đương cao hơn 53 tỷ kWh so với Quy hoạch điện VIII. Đối với kịch bản cao đặc biệt, giả định tăng trưởng GDP tăng trưởng 10% từ nay đến 2030 và tiếp tục tăng trung bình 2 chữ số khoảng 10% đến 2050, tăng cường tiêu thụ điện sẽ có mức chênh lệch trung bình khoảng 430 tỷ kWh so với Quy hoạch điện VIII theo các tính toán của Viện Năng lượng.

Các chuyên gia dự báo, vốn đầu tư lưới truyền tải điện được đẩy mạnh cùng với việc sửa đổi của Luật Điện lực mới đây sẽ tạo ra cú huých cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng điện, lưới điện, nhất là khi phân cấp quyết định chủ trương đầu tư đến UBND cấp tỉnh đối với dự án lưới điện và cho phép tư nhân hóa các đường dây truyền tải từ 220 kV trở xuống.

Chứng khoán VCBS phân tích, trong giai đoạn 2021-2030, tổng vốn đầu tư cho nguồn điện là 98,6 tỷ USD, cho lưới điện truyền tải 220-500 kV là 14,6 tỷ USD. Phân bổ vốn đầu tư nguồn điện và và lưới truyền tải là 87/13. Ước tính đến 2030, mỗi năm đầu tư cho hệ thống truyền tải khoảng 1,5 tỷ USD. VCBS cho rằng để giải tỏa công suất các nguồn điện hiệu quả và vận hành hệ thống điện ổn định, việc đầu tư vào lưới điện là một trong những yếu tố tiên quyết.

Nguồn: QHĐ VIII, EVN, VCBS tổng hợp và ước tính

Nguồn: QHĐ VIII, EVN, VCBS tổng hợp và ước tính

Còn theo Shinhan Securities, kế hoạch gia tăng gấp đôi chiều dài đường dây và trạm biến áp năm 2030, tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) cho xây dựng đường dây truyền tải và trạm biến áp lần lượt là 11%/năm và 13%/năm. Do đó, những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này sẽ hưởng lợi.

Niềm vui cho Gelex, PC1

Đánh giá của các công ty chứng khoán, khi vốn đầu tư vào truyền tải lưới điện được đẩy mạnh, nhiều dự án được khởi công, các doanh nghiệp thiết bị điện của CTCP Tập đoàn Gelex (mã: GEX) được hưởng lợi lớn, đặc biệt khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang là khách hàng lớn nhất của 2 mặt hàng chiến lược dây cáp điện và máy biến áp.

Gelex thông qua công ty thành viên Gelex Electric đang sở hữu 8 công ty con, sản xuất và cung cấp bộ sản phẩm đầy đủ trong chuỗi giá trị ngành điện từ truyền tải đến phân phối và dân dụng.

Quy hoạch điện VIII mang đến nhiều cơ hội cho mảng thiết bị điện. Ảnh: Gelex.

Quy hoạch điện VIII mang đến nhiều cơ hội cho mảng thiết bị điện. Ảnh: Gelex.

Báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI, EVN chiếm khoảng 20% doanh thu từ cáp và khoảng 50% doanh thu từ máy biến áp trong cơ cấu doanh thu của Gelex Electric.

Bên cạnh đó, sự hồi phục của thị trường bất động sản, điện dân dụng cũng là cú hích lớn đối với sự phát triển doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp. Năm 2025, Gelex nhắm đích doanh thu kỷ lục lên mức 37.600 tỷ đồng, tăng 11,5% so với năm 2024. Trong đó, lĩnh vực thiết bị điện đóng góp gần 60% trong cơ cấu doanh thu của tập đoàn. Mục tiêu doanh thu thuần năm 2025 của Gelex Electric đạt 22.282 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.686 tỷ đồng.

Trước đó, năm 2024, mảng thiết bị điện của Gelex cũng có kết quả kinh doanh bứt phá khi doanh thu thuần vượt 21.130 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 2.152 tỷ đồng, lần lượt tăng 27,2% và 112,6% so với năm 2023.

Tại ĐHĐCĐ năm 2025, ban lãnh đạo của Gelex cho biết, biên lợi nhuận gộp của mảng thiết bị điện tăng mạnh trong 2024 do tất cả các công ty thành viên trong mảng thiết bị điện đều có sự tăng trưởng, một số công ty chủ lực tăng trưởng vượt bậc.

“Quy hoạch điện VIII cũng mang đến nhiều cơ hội cho mảng thiết bị điện do mục tiêu quy mô lắp đặt nguồn điện và hệ thống truyền tải lớn. Gelex tận dụng trong hệ sinh thái các sản phẩm, thương hiệu uy tín, năng lực kỹ thuật, sản xuất và đội ngũ tốt để nắm bắt cơ hội này”, lãnh đạo Gelex đánh giá.

Công ty Chứng khoán ABS nhận định trong năm 2025 mảng kinh doanh thiết bị điện của Gelex Electric sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan, tuy nhiên mảng năng lượng có thể bị ảnh hưởng khi đã thoái vốn khỏi một số dự án.

"Về dài hạn, chúng tôi đánh giá Gelex Electric sẽ khả quan bởi theo kế hoạch phát triển ngành sản xuất thiết bị điện đã được Chính phủ phê duyệt giai đoạn 2015-2025, ngành thiết bị điện năm 2025 phải sản xuất, cung ứng trọn bộ thiết bị điện cho các công trình đường dây điện, trạm biến áp, 50-60% nhu cầu máy biến thế 110-220KV và đáp ứng 60-70% nhu cầu trong nước các loại công tơ điện, khí cụ điện và các hệ thống ghi đếm – giám sát an toàn lưới điện, trọn bộ thiết bị trạm điện và xuất khẩu 19-20% giá trị sản xuất, tập trung các loại dây – cáp điện chất lượng cao với kim ngạch xuất khẩu tăng 35,5%/năm.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ từ năng lượng tái tạo cũng cần đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng điện, cụ thể là máy biến áp và cáp điện để tránh tình trạng bị quá tải lưới điện. Nhu cầu lớn cho các thiết bị điện từ các dự án giao thông nhằm giảm ùn tắc. Kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực viễn thông cũng thúc đẩy tăng trưởng cho ngành sản xuất dây dẫn, thiết bị điện", ABS phân tích.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp xây lắp điện như CTCP Tập đoàn PC1 (mã: PC1) cũng được hưởng lợi khi số công trình, dự án lưới điện được đẩy mạnh giai đoạn tới.

VCBS phân tích, tại PC1 mảng xây lắp điện mở rộng sang thị trường quốc tế với lượng backlog duy trì ở mức cao. Chuyên gia kỳ vọng lượng backlog ký mới trong năm 2025 đạt khoảng 5.000 tỷ đồng với việc PC1 đẩy mạnh phát triển thị trường quốc tế và mảng xây dựng hạ tầng khu công nghiệp. Mặc dù việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo (NLTT) mới còn gặp nhiều khó khăn nhưng phần việc về xây dựng hệ thống truyền tải sẽ gia tăng khối lượng công việc cho PC1.

Nguồn: Quy hoạch điện VIII, PC1, VCBS ước tính, dự phóng

Nguồn: Quy hoạch điện VIII, PC1, VCBS ước tính, dự phóng

Trong thời gian tới, VCBS cho rằng thị trường quốc tế sẽ đem backlog về cho PC1. Ngày 9/10/2024, PC1 cùng đối tác đã ký hợp đồng tổng thầu EPC Nhà máy điện gió Camarines Sur, công suất 58,5 MW. Chủ đầu tư dự án là Công ty SPV Cornerstone Energy Development, Inc. (CEDI) – công ty được thành lập bởi liên danh giữa Aboitiz Power Corporation và Mainstream Renewable Power. Dự án dự kiến sẽ triển khai trong năm 2025 và 2026.

Ngoài ra, mảng năng lượng kỳ vọng sẽ hoạt động ổn định trong năm 2025 và bắt đầu tăng trưởng mạnh vào năm 2026 với hai nhà máy thủy điện mới. Trong năm 2025, VCBS kỳ vọng mảng năng lượng sẽ có sản khoảng 1.093 triệu kWh (tương đương năm 2024). Trong kịch bản PC1 đưa hai nhà máy thủy điện mới vận hành vào năm 2025, sản lượng thủy điện của doanh nghiệp sẽ tăng trưởng khoảng 25% so với hiện tại.

Trang Mai

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/gan-15-ty-usd-rot-vao-mang-luoi-truyen-tai-dien-den-nam-2030-cac-doanh-nghiep-nao-huong-loi.html