Gần 150 người dân địa phương tham gia biểu diễn trong Lễ dâng hương Trung Túc Vương Lê Lai
Để chuẩn bị cho Lễ dâng hương Trung Túc Vương Lê Lai tại Đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai ở xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc vào ngày 19-9 (tức ngày 21-8 âm lịch), chính quyền địa phương đã huy động 144 diễn viên quần chúng là người dân địa phương tham gia biểu diễn phần lễ, hội của Lễ dâng hương.
Tổng duyệt chương trình phần lễ và phần hội để chuẩn bị cho Lễ dâng hương Trung Túc Vương Lê Lai.
Gắn với Lễ hội Lam Kinh 2019, Lễ dâng hương Trung Túc Vương Lê Lai sẽ được tổ chức với phần lễ và phần hội. Phần tế lễ do đội tế của thôn Thành Sơn đảm nhiệm và sẽ kết thúc trước 7h30 phút ngày 19-9 (tức ngày 21-8 âm lịch); phần hội, gồm các hoạt động tổ chức giao lưu bóng chuyền nam-nữ, trình diễn các trò chơi, trò diễn dân gian… Các diễn viên tham gia biểu diễn tại phần lễ, hội đều là người dân địa phương.
Đến thời điểm hiện nay, công tác chuẩn bị cho Lễ dâng hương Trung Túc Vương Lê Lai đã hoàn tất. Lễ dâng hương Trung Túc Vương Lê Lai được bắt đầu từ 15h30, ngày 20-8 âm lịch với Lễ cáo yết tại Đền thờ; dâng hương Đền thờ vua Lê Thái Tổ tại xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân. Lễ khai mạc sẽ diễn ra vào 8h30 ngày 21-8 âm lịch. Ngay sau Lễ dâng hương, từ 13h cùng ngày, sẽ tổ chức rước kiệu Trung Túc Vương Lê Lai về đền thờ Lê Thái Tổ.
Từ 15h30 chiều nay (20-8 âm lịch), tại Đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai đã diễn ra Lễ cáo yết.
Được biết, Đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai thuộc làng Tép (nay là thôn Thành Sơn), xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, cách Khu di tích Lam Kinh khoảng 6km về phía Tây. Xưa kia vùng đất này có tên gọi là thôn Dựng Tú, sách Đức Giang, phủ Thanh Hóa. Theo sách Đại Việt thông sử, năm 1416 Lê Lai và Lê Lợi cùng 17 người tổ chức hội thề Lũng Nhai. Tại hội thề, Lê Lai được trao chức Tổng quản Phủ đô tổng quân, tước quan Nội hầu. Năm 1419, khi nghĩa quân bị giặc Minh vây hãm trên núi Chí Linh không còn đường rút lui, tình hình cấp bách, Lê Lai đã đổi áo bào cho Lê Lợi cưỡi voi xông ra trận phá vòng vây nhưng do lực lượng quân địch quá mạnh, Lê Lai đã bị bắt đem về Đông Đô tra tấn và xử chém. Sự hy sinh cao cả của Lê Lai đã góp phần quan trọng trong thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
Đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai có kiến trúc hình chữ đinh, nằm trên sườn đồi quay mặt về phía Đông Nam, nhìn ra hồ nước và cánh đồng.
Ghi nhớ công ơn của ông, Lê Lợi cho lập đền thờ ông ở làng Tép (Quê hương Lê Lai) và lệnh cho quân thần sau này làm giỗ Lê Lai trước ngày giỗ của mình một ngày, từ đó dân gian có câu “Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi”.
Đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai được UBND tỉnh Thanh Hóa phục dựng, đưa vào sử dụng năm 1999 (trước kia là đền cổ, lợp tranh), với phần cấu kiện gỗ kèo, cột khá lớn, vững chắc. Đền có 3 khu gồm: Tiền đường, Hậu cung và đền thờ Đức chúa bà nương A Thiện (vợ Lê Lai).
Như đã thành thông lệ, hàng năm, cứ đến ngày 21, 22-8 âm lịch, đông đảo nhân dân và du khách thập phương lại về đây dự Lễ dâng hương. Đây cũng là hoạt động có ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, từ đó nâng cao tinh thần đoàn kết, phấn đấu xây dựng quê hương giàu đẹp - văn minh.