Gần 20% trẻ bị chậm phát triển ngôn ngữ

Chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ em là một tình trạng chậm trễ trong việc đạt được mốc phát triển về ngôn ngữ, bao gồm ngôn ngữ tiếp nhận và ngôn ngữ diễn đạt.

Trẻ có thể gặp khó khăn trong việc hiểu lời nói, phản ứng lại với lời nói của người khác, chậm nói, không ghép được các từ thành câu, vốn từ ít, diễn đạt câu vụng về.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thông thường, một trẻ được coi là chậm nói khi tới 2 tuổi vẫn chưa nói được khoảng 50 từ đơn hoặc chưa nói được từ ghép (câu 2 từ).

Chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ em chiếm tỷ lệ khoảng 20%. Đa số trẻ sẽ bắt kịp đà phát triển khi 4 tuổi nếu được can thiệp sớm và tích cực. Tuy nhiên, một số trẻ vẫn còn những khó khăn về ngôn ngữ sau 4 tuổi, vì vậy vẫn cần những biện pháp can thiệp lâu dài.

ThS.BS Nguyễn Mai Hương, Phó trưởng Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương, có một số yếu tố nguy cơ của chậm phát triển ngôn ngữ như trẻ em trai mắc nhiều hơn trẻ em gái khoảng 3 lần.

Gia đình có người bị chậm phát triển ngôn ngữ (cha mẹ, anh chị). Trẻ sinh non, trẻ nhẹ cân khi sinh, có biến chứng khi sinh.

Chậm phát triển ngôn ngữ có thể xuất hiện đơn độc ở trẻ, hoặc là một trong nhiều triệu chứng của các rối loạn giao tiếp và rối loạn phát triển khác. Vì vậy, khi cha mẹ cần lưu ý phát hiện các bất thường khác đi kèm, bao gồm những bất thường về hàm mặt, về bộ máy phát âm.

Khả năng nghe hiểu của trẻ: Trẻ kém phản ứng với âm thanh, hoặc không hiểu lời nói, không hiểu mệnh lệnh. Trẻ cần kiểm tra thính lực (sức nghe) trong những trường hợp bất thường về phát triển ngôn ngữ.

Kém các kỹ năng giao tiếp và tương tác xã hội: Gọi ít đáp ứng, giảm nhìn mắt, thờ ơ, ít chơi với các bạn cùng lứa, không biết khoe mách hoặc chia sẻ mối quan tâm, không có các cử chỉ như chỉ ngón, vẫy tay chào, gật/ lắc đầu.

Các hành vi bất thường: Động tác chơi tay, vẫy tay bất thường, đi kiễng chân, quay tròn người, cuốn hút quá mức vào một đồ vật, sự việc nào đó…

Hoạt động nhiều quá mức, rất khó ngồi yên, khó duy trì sự tập trung chú ý trong vài phút. Những cơn cáu giận vô cớ, xuất hiện thường xuyên, cường độ mạnh.

Việc phát hiện sớm các dấu hiệu chậm phát triển ngôn ngữ, giao tiếp ở trẻ sẽ đem lại cơ hội điều trị tốt hơn. Vì thế, khi cha mẹ thấy con mình có những bất thường kể trên, cần sớm đưa đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế uy tín.

Khi ấy các nhân viên y tế sẽ đánh giá toàn diện các kỹ năng phát triển của trẻ, phát hiện các nguyên nhân hoặc các yếu tố ảnh hưởng đến ngôn ngữ của trẻ, thực hiện các trắc nghiệm tâm lý cần thiết.

Để khắc phục những bất thường về ngôn ngữ của trẻ, theo các nhân viên y tế của Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Trung ương quân đội 108, trẻ cần được âu yếm và vỗ về, khi ấy sẽ giúp trẻ cảm thấy an toàn và được quan tâm. Bên cạnh đó, nói chuyện, đọc sách và hát giúp trẻ tiếp xúc với nhiều từ, tăng vốn từ và hiểu được ngôn ngữ.

Ngoài ra, các bậc cha mẹ cần dành thời gian cho trẻ vận động, tương tác với mọi người và đồ vật xung quanh mỗi ngày. Tìm cách hiểu được tâm trạng của trẻ để lựa chọn thời điểm giao tiếp phù hợp. Tạo không gian an toàn cho trẻ khám phá, trò chuyện khi đối diện và ở ngang tầm mắt của trẻ, hãy nhìn vào mắt trẻ.

Theo lời khuyên của chuyên gia, các bậc phụ huynh cần chờ đợi trẻ đáp ứng, cho trẻ thời gian để hiểu và bật âm. Cho trẻ giúp làm việc nhà đơn giản và khích lệ trẻ.

Trẻ nghe và hiểu từ rất sớm, trước khi trẻ có thể tự nói. Do vậy cần hướng dẫn, khuyến khích trẻ giao tiếp và dành nhiều thời gian lắng nghe, trò chuyện với trẻ là lời khuyên hữu ích nhất cho các bậc phụ huynh. Phụ huynh cần cân bằng công việc, các mối quan hệ, gác lại những mệt mỏi của cuộc sống để bên con nhiều hơn nữa.

Việc điều trị, can thiệp cho trẻ chậm phát triển ngôn ngữ liên quan đến nguyên nhân gây ra. Vì vậy trẻ cần được các bác sĩ kiểm tra, thăm khám; chuyên viên ngôn ngữ lượng giá mức phát triển ngôn ngữ để đưa ra mục tiêu và phác đồ điều trị cụ thể. Trẻ cũng có thể cần can thiệp cả về tâm lý.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/gan-20-tre-bi-cham-phat-trien-ngon-ngu-d195451.html