Gần 200 hộ dân 'sống treo' góc núi Quy Nhơn vì 1,4km đường
Một đoạn đường chỉ vỏn vẹn 1,4km với tổng vốn 400 tỷ đồng nhưng kéo dài gần 4 năm qua vẫn nằm 'bất động' giữa TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định). Sự chậm trễ của tuyến đường ngắn này đã để lại rất nhiều hệ lụy, đặc biệt là đời sống của gần 200 hộ cư dân trong cảnh sống treo hốc núi đầy khó khăn.
Dự án đường Ngô Mây nối dài ở TP Quy Nhơn hình thành quy hoạch từ hơn 10 năm trước. Đến năm 2018, Bình Định bắt đầu khởi động triển khai theo quy hoạch điều chỉnh rộng hơn với tổng vốn 400 tỷ đồng, dài gần 1,4km từ điểm nối từ ngã 3 đường Hoàng Văn Thụ - Ngô Mây đến đường Điện Biên Phủ.
Bà Nguyễn Thị Thanh phản ánh: "4 năm qua, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn do sống treo trong dự án đường. Nhà ở dù xuống cấp, mái dột nát rất nguy hiểm, con cái phát sinh nên chỗ ở chật chội quá. Trong khi đó, ai đụng tay sửa nhà, che mái lên thì chính quyền không cho".
Tương tự, căn nhà 48m2 đã xuống cấp nghiêm trọng, anh Võ Văn Hải (47 tuổi, cùng ở tổ 1B) không dám sửa chữa vì sợ phải dời đi chính quyền không đền bù. Vợ chồng anh hiện ra ngoài thuê trọ để ở còn nhà, theo lời anh Hải "có cũng như không".
Theo anh Hải, nhà anh xây trên đất có nguồn gốc khu nghĩa địa người Tàu xưa (xây ở trước giai đoạn 2004) nên dính vào đất có nguồn gốc lấn chiếm. Vì vậy, chỉ được chính quyền hỗ trợ không bồi thường, nhà xuống cấp anh không dám sửa.
"Chúng tôi ở đây đã lâu, ổn định không tranh chấp, vẫn đóng thuế phường. Mong chính quyền tạo điều kiện hỗ trợ đảm bảo sinh kế và được mua 1 lô đất ở khu tái định cư với giá Nhà nước. Chứ chúng tôi toàn dân lao động, nghèo khó không có tiền để mua đất ở mới theo giá thị trường", anh Hải nêu nguyện vọng.
Được biết, năm 2018 khi dự án khởi động lại, UBND tỉnh giao cho Ban Quản lý Dự án (BQLDA) giao thông tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư. Theo vị đại diện chủ đầu tư, đơn vị đã hợp đồng nhà thầu thực hiện dự án nhưng vẫn phải chờ do vướng mắc lớn nhất là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) do UBND TP Quy Nhơn thực hiện.
Còn theo UBND phường Ngô Mây, địa phương này đã hoàn tất công tác xác nhận nguồn gốc đất của các hộ dân nên hiện còn chờ UBND TP Quy Nhơn và chủ đầu tư để triển khai các công việc tiếp theo.
Theo ông Nguyễn Công Vịnh, Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, vướng mắc lớn nhất dự án là công tác xác nhận nguồn gốc đất, tài sản trên đất và chính sách bồi thường áp dụng đối với dự án còn nhiều bất cập so với thực tiễn; đặc biệt khu tái định cư hiện cũng đang vướng.
Cũng theo ông Nguyễn Công Vịnh, dự án có 200 hộ dân ảnh hưởng, đa số đều nằm trên sườn núi nên chỉ có 11 hộ dân có sổ đỏ, còn lại 189 hộ tự ý lấn chiếm đất rồi xây dựng. Riêng địa bàn phường Ngô Mây, có 99 hộ dân ảnh hưởng dự án, trong đó có 86 hộ có nguồn gốc đất lấn chiếm (2 giai đoạn: 1993 - 2004; 2004 - 2014).
Liên quan đến dự án về công tác bồi thường, GPMB thì phía chính quyền Bình Định đã có trên 40 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn... nhưng đến nay vẫn chưa xong.
Theo ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, dự án rất quan trọng đối với sự phát triển của TP Quy Nhơn. Tuy nhiên, do chính quyền 2 phường Ngô Mây, Quang Trung (TP Quy Nhơn) thực hiện chưa tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai, dẫn đến xảy ra tình trạng lấn chiếm đất đai trong khu vực diễn ra rất phức tạp, kéo dài nhiều hệ lụy.
Một lãnh đạo Ban QLDA Giao thông tỉnh Bình Định cho biết, hiện chính quyền địa phương xác nhận nguồn gốc đất do lấn chiếm nên theo quy định người dân chỉ được hỗ trợ không bồi thường, nơi ở mới phải tự bỏ tiền ra mua theo giá thị trường nên họ không đồng tình.
Trước đây, năm 2018 TP Quy Nhơn cũng từng dậy sóng dư luận bởi giải tỏa 1 tuyến đường kéo dài gần 4 nhiệm kỳ (gần 20 năm) vẫn chưa xong, đó là dự án đường Hoàng Văn Thụ nối dài, 1,2km. Dự án vướng mắc cũng do tình trạng nguồn gốc đất lấn chiếm, xây dựng đất đai trái phép ở địa bàn này.
Đến nay dự án đã làm xong, nhưng hệ lụy của nó vẫn còn kéo dài. Hiện, toàn thành phố này vẫn còn tồn tại hàng ngàn trường hợp lấn chiếm, xây dựng sai phép ven các góc núi, hóc hẻm lưng đồi...