Gần 27.000 tỷ đồng trái phiếu được phát hành trong tháng 3

Giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ trong tháng 3 đã tăng gấp 3 lần so với tháng 2 và tăng 2,08 lần so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy tín hiệu đảo chiều của thị trường.

Báo cáo Trái phiếu doanh nghiệp tháng 3 do FiinRatings công bố mới đây cho thấy đã có 13 lô trái phiếu với tổng trị giá gần 27 nghìn tỷ đồng được phát hành chỉ trong vòng một tháng.

Đáng chú ý là sự trở lại của các nhà phát hành bất động sản khi có tới 6 lô phát hành từ 5 doanh nghiệp, giá trị đạt 23.700 tỷ đồng.

Lần đầu tiên sau 5 tháng ít trái phiếu mua lại hơn phát hành

Như vậy, giá trị phát hành riêng lẻ trong tháng 3 đã tăng gấp 3 lần so với tháng trước và tăng 2,08 lần so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy tín hiệu đảo chiều và gia tăng trở lại trong hoạt động phát hành.

"Tuy nhiên chúng tôi cho rằng chưa thể khẳng định thị trường sẽ sôi động trở lại ngay từ quý II mà sẽ cần phải theo dõi một số động thái từ phía nhà quản lý nhằm gỡ khó cho thị trường, đồng thời phục hồi niềm tin của nhà đầu tư cá nhân", các chuyên gia tại FiinRatings nhìn nhận.

 Tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong một năm qua. Biểu đồ: FiinRatings.

Tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong một năm qua. Biểu đồ: FiinRatings.

Cũng trong báo cáo, đơn vị này thống kê quy mô trái phiếu mua lại trước đáo hạn trong tháng 3 đạt gần 18.000 tỷ đồng, tăng 3 lần so với tháng trước và tăng gần 2,08 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Đáng lưu ý, hoạt động mua lại trong tháng này chủ yếu đến từ các công ty con của MIK Group, bao gồm Hakuba, Akata, Yamagata và Azura với giá trị 7.800 tỷ, chiếm 43,3% tổng khối lượng mua lại trong tháng.

Dù hoạt động mua lại tiếp tục tăng nhưng FiinRatings cho biết đây là tháng đầu tiên kể từ tháng 10/2022 quy mô mua lại thấp hơn quy mô phát hành.

Những số liệu này đánh dấu lần đầu tiên sau 5 tháng giá trị thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam gia tăng sau khi Nghị định 65/2022/NĐ-CP được ban hành.

"Đây là tín hiệu tốt bước đầu cho vấn đề thanh khoản của các doanh nghiệp phát hành", FiinRatings đánh giá.

Chưa thể khẳng định thị trường sẽ sôi động trở lại ngay từ quý II

FiinRatings

Các chuyên gia tại đây cũng cho rằng các động thái giảm lãi suất điều hành, Nghị định 08, Nghị quyết 33 về tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản, và gần đây nhất là việc lập tổ công tác gỡ vướng cho các dự án của Novaland và DIC Corp đang đem lại tác động tích cực tới thị trường nói chung và ngành bất động sản nói riêng.

"Đây cũng là tiền đề để thị trường trái phiếu doanh nghiệp dần khôi phục trở lại bởi yếu tố pháp lý là rủi ro lớn nhất trên thị trường tín dụng", đơn vị này nhấn mạnh.

Áp lực đáo hạn còn lớn, tỷ lệ chậm trả tiếp tục tăng

Dù vậy, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn 9 tháng còn lại của năm 2023 vẫn được ước tính ở mức 220.000 tỷ đồng, trong đó nhóm bất động sản có số dư trái phiếu sẽ đến hạn ở mức 93.000 tỷ đồng.

Tổng dư nợ trái phiếu riêng lẻ đáo hạn trong hai quý sắp tới lần lượt ở mức 36.000 tỷ đồng vào quý II và 35.000 tỷ đồng vào quý III.

"Đây là các con số lớn đáng kể so với tổng quy mô tín dụng phục vụ kinh doanh bất động sản cũng như năng lực tín dụng của doanh nghiệp bất động sản hiện nay", FiinRatings nhận định.

 Giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo tháng của năm 2023. Biểu đồ: FiinRatings.

Giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo tháng của năm 2023. Biểu đồ: FiinRatings.

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập này cho biết sức khỏe tín dụng của các tổ chức phát hành đang suy giảm. Doanh thu và lợi nhuận của các nhà phát triển bất động sản đã chậm lại từ quý I/2022. Trong quý gần nhất, doanh thu giảm 6,46% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế giảm 38,6% so với cùng kỳ.

Môi trường kinh doanh bất lợi khiến cho tốc độ bán hàng tại các dự án bị chậm lại. Nhiều doanh nghiệp ghi nhận lượng hàng tồn kho lớn đến từ các dự án đang xây dựng dở dang, số ngày tồn kho tăng gấp đôi từ khoảng 1.000-1.200 ngày (khoảng 3 năm) trước năm 2020 lên 2.484 ngày (gần 6 năm) vào cuối năm 2022.

Tỷ lệ nợ xấu trái phiếu dự báo tiếp tục đà tăng trong quý II và III/2023

FiinRatings

Ngoài ra, chi phí tài chính tăng gấp nhiều lần trong năm qua cũng khiến lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp chỉ bằng 64,91% năm ngoái.

Đơn vị này cho rằng thị trường bất động sản nhà ở tiếp tục trầm lắng trong nửa đầu năm sẽ làm kéo dài giai đoạn kinh doanh khó khăn cho nhiều doanh nghiệp, cũng như làm suy giảm khả năng thực hiện nghĩa vụ nợ định kỳ sắp tới.

Số liệu của 50 doanh nghiệp bất động sản niêm yết cho thấy tình hình tài chính chung có dấu hiệu giảm sút. Chỉ số nợ vay/EBITDA đã tăng 1,53 lần, trong khi khả năng chi trả lãi vay cho thấy sự tương quan nghịch và giảm 1,78 lần so với năm 2021.

 Sức khỏe tài chính của 50 doanh nghiệp bất động sản dân cư niêm yết đến 31/12/2022. Biểu đồ: FiinRatings.

Sức khỏe tài chính của 50 doanh nghiệp bất động sản dân cư niêm yết đến 31/12/2022. Biểu đồ: FiinRatings.

Do đó, tỷ lệ nợ xấu trái phiếu được FiinRatings dự báo tiếp tục đà tăng trong quý II và III, khi những thay đổi chính sách có hiệu quả trực tiếp và trước khi môi trường kinh doanh được dần cải thiện rõ rệt. Lý do là áp lực nợ đáo hạn tăng cao trong năm 2023 này trong khi triển vọng kinh doanh của ngành bất động sản đang gặp trở ngại lớn và chưa có dấu hiệu khởi sắc trở lại.

Thực tế, tính đến ngày 17/4, thị trường đã ghi nhận 89 tổ chức phát hành chậm thực hiện nghĩa vụ nợ trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị 113,14 nghìn tỷ đồng, tăng 19,8% so với lần cập nhật gần nhất trước đó một tháng. Giá trị trái phiếu chậm trả chủ yếu đến từ các lô được tái cơ cấu kỳ hạn, tăng 2,12 lần sau một tháng và đạt 11,45 nghìn tỷ đồng.

Lan Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gan-27000-ty-dong-trai-phieu-duoc-phat-hanh-trong-thang-3-post1423648.html