Chiều 22-11, phóng viên Báo Hànôịmới có mặt tại vườn hoa bốt Hàng Đậu, tiếp tục ghi nhận lượng khách đến tham quan trải nghiệm khá đông. 15h, dòng người xếp hàng khá trật tự tại khu vực vườn hoa Hàng Đậu.
Theo Phó Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Bùi Thị Hương Thủy, từ ngày mở cửa đến nay, mỗi ngày bốt Hàng Đậu đón khoảng 2.500 – 3.000 lượt/khách. Theo lịch trình, người dân và du khách xếp hàng ở vườn hoa Hàng Đậu đăng ký (hoặc có thể đăng ký online trước), rồi xếp hàng tới lượt vào tham quan.
Do phía bên trong bốt Hàng Đậu diện tích có hạn, để bảo đảm cho khách tham quan trải nghiệm và thưởng thức được công trình nghệ thuật sắp đặt bằng ánh sáng và âm thanh trọn vẹn, tình nguyện viên sẽ điều phối khoảng 20 người vào tham quan một lần. Vào thời điểm cao điểm, để tránh ùn ứ, thời gian tham quan trải nghiệm của khách sẽ được điều chỉnh 5-7 phút/lần tham quan. Thời điểm khách vắng hơn, tình nguyện viên sẽ điều phối thời gian tham quan dài hơn. Trung bình khách sẽ chờ từ 30 phút – 1 tiếng.
Mặc dù có thời điểm phải xếp hàng khá lâu nhưng nhiều người dân và du khách vẫn sẵn sàng chờ đợi để được tận mắt thấy phía bên trong của bốt Hàng Đậu.
Chị Nguyễn Thu Hiền (sống tại ngõ 376 đường Bưởi) bày tỏ: “Lần đầu tiên sau 129 năm, tháp nước Hàng Đậu được mở cửa. Vì thế, tôi sẵn sàng xếp hàng và chờ đợi để được chiêm ngưỡng. Công tác hướng dẫn, sắp xếp của các tình nguyện viên khá tốt nên tôi và người bạn đi cùng khá thoải mái”.
Hiện nay, Ban tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 tổ chức 3 khung giờ để khách tham quan bốt Hàng Đậu: 9 – 11h30, 13h30 – 16h, 18h30 – 21h30. Người dân và du khách có thể đăng ký đến trải nghiệm qua website hoặc đăng ký tại chỗ để có vé miễn phí.
Tháp nước Hàng Đậu được người Pháp xây vào năm 1894, nằm tại ngã sáu của các phố cổ: Hàng Than, Hàng Lược, Hàng Giấy, Hàng Đậu, Quán Thánh và đường Phan Đình Phùng.
Bên trong bốt Hàng Đậu, nhóm kiến trúc sư Cao Thế Anh, họa sĩ Nguyễn Đức Phương và các cộng sự đã thiết kế một không gian nghệ thuật đầy màu sắc, ánh sáng và âm thanh. Đặc biệt, các tác phẩm làm nên không gian nghệ thuật bên trong tháp nước đều là vật liệu tái chế. Âm thanh của tiếng nước rơi được thu âm và phát trực tiếp, kết hợp với hiệu ứng ánh sáng giúp không gian tháp nước như được mở rộng.
Video du khách trải nghiệm bên trong bốt Hàng Đậu: