Gần 3.000 xã trên cả nước đạt chuẩn nông thôn mới

Đến hết tháng 7/2017 cả nước có 2.776 xã (31,1%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 416 xã (4,7%) so với cuối năm 2016.

Những tín hiệu khởi sắc

Thông tin được đưa ra tại cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình Mục tiêu Quốc gia. Cụ thể, đã có 159 xã được công nhận đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, còn 179 xã dưới 5 tiêu chí, giảm 78 xã so với cuối năm 2016. Dự kiến đến hết năm 2017 sẽ còn dưới 150 xã dưới 5 tiêu chí.

Hiện có 34 huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 4 huyện so với cuối năm 2016. Dự kiến đến hết năm 2017, sẽ hoàn thành mục tiêu phấn đấu có ít nhất 38 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đến hết 31/1/2017, tổng số nợ xây dựng cơ bản của 45/63 tỉnh, thành phố khoảng 9.807 tỷ đồng (giảm 5.412 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2016), có 18 tỉnh không có nợ.

Công tác giảm nghèo 6 tháng đầu năm 2017 đạt được kết quả tích cực, ngoài nguồn vốn ngân sách Trung ương, một số địa phương đã chủ động xây dựng các nghị quyết, chính sách và kế hoạch hỗ trợ giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn từ nguồn vốn ngân sách địa phương, góp phần đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trên cả nước.

Dự kiến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn khoảng 6,9%, giảm 1,33% so với năm 2016; bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn vùng dân tộc và miền núi giảm 3 - 4% so với cuối năm 2016…

Đẩy mạnh triển khai sâu rộng, hiệu quả

Bên cạnh những tín hiệu khởi sắc, Chương trình mục tiêu quốc gia trên phạm vi cả nước vẫn còn một số điểm đáng lưu ý như kết quả giải ngân nguồn vốn thực hiện đạt thấp (tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm thuộc lĩnh vực xây dựng nông thôn mới chỉ đạt 11%); Một số văn bản hướng dẫn thực hiện dự án còn chậm, dẫn đến việc triển khai thực hiện chậm ở một số địa phương; Một số địa phương chỉ đạo triển khai chương trình chưa quyết liệt; Sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ…

Để nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu các bộ liên quan tiếp tục hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, tạo thuận lợi cho việc triển khai. Theo đó, Bộ Kế hoạch- Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm ban hành hướng dẫn cụ thể các tiêu chí chí xác định nợ xây dựng cơ bản trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, sớm ban hành các văn bản chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn được giao.

Các Bộ, ngành chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững theo hướng liên kết chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; thúc đẩy các mô hình hợp tác xã liên doanh, liên kết có hiệu quả; tập trung xử lý các vấn đề về ô nhiễm môi trường nông thôn, từng bước tạo chuyển biến rõ nét về môi trường, vệ sinh, cảnh quan nông thôn.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước, hoàn thiện bộ máy quản lý đến cấp xã, cơ chế điều hành, phân công đầu mối chịu trách nhiệm chính, phân cấp đầy đủ nhiệm vụ và quyền hạn cho địa phương; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện của các địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia…

Để đạt mục tiêu Chương trình đề ra, các Bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nông thôn mới, tiếp tục triển khai sâu rộng và thiết thực Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau" của Thủ tướng Chính phủ.

M.M - Lan Hương (tổng hợp)

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/gan-3-000-xa-tren-ca-nuoc-dat-chuan-nong-thon-moi-395071.html