Gần 30 năm 'ươm mầm trên đá' và ký ức về những ngày nằm nghe mưa rừng mà tủi
Khi mới nhận nhiệm vụ 'ươm mầm trên đá', cô giáo gốc Nam Định vốn chưa từng lên non, đã có lúc tủi thân phát khóc, thậm chí, muốn bỏ nghề, về quê để được gần gia
Dẫu vậy, chính đôi mắt “khát chữ” và tấm lòng ngây ngô của học trò đã trở thành động lực để cô gắn bó với sự nghiệp “trồng người” ở những ngôi trường vùng cao khó khăn bậc nhất.
Ký ức những ngày “nằm nghe mưa rừng mà tủi”
Trong suốt nhiều thập kỷ qua, chúng ta đã được nghe biết bao câu chuyện về không ít tấm gương nhà giáo miệt mài “gùi chữ lên non”, “gieo tương lai” cho những đứa trẻ ở những mảnh đất mang đầy gian khó.
Và câu chuyện mà Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam muốn giới thiệu, về cô giáo Đào Thị Chung, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Chảy (huyện Mường Khương, Lào Cai) cũng chính là một trang trong cuốn “bách khoa thư” về những người đồng nghiệp với niềm đam mê đứng trên bục giảng.
Qua lời giới thiệu của các thầy cô trong trường, cô giáo Đào Thị Chung (sinh năm 1967) giống như đã trở thành “thổ địa” trên khắp nẻo núi rừng ở huyện biên giới Mường Khương, với gần 30 năm “ươm mầm trên đá”.
Nhắc đến những bỡ ngỡ đầu tiên của hành trình bước vào nghề giáo, trong đáy mắt của nữ giáo viên, một khoảng trời ký ức như đang dào dạt ùa về: “Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê Vụ Bản (Nam Định), nhưng cơ duyên thế nào, lại trở thành cô giáo vùng cao, rồi nhận nhiệm vụ ở tít tận những xã xa xôi nhất của tỉnh Lào Cai. Tôi chính thức bước vào nghề giáo từ tháng 9/1994 đến nay, cũng được phân công qua một số môi trường khác nhau, nhưng gắn bó lâu nhất chính là ở ngôi trường này, tính đến nay đã tròn 20 năm.
Ngày tôi mới lên đây, thứ gì cũng khó khăn, thiếu thốn. Thuở ấy, từ ngoài thị trấn vào các điểm trường chỉ có đường mòn của ngựa đi, chúng tôi nhận nhiệm vụ, chỉ có một cách di chuyển duy nhất là đi bộ. Tôi nhớ như in cái cảnh vừa đi vừa mò mẫm, hai bên cây cối um tùm, hôm nào trời mưa, thì xác định, muốn vào đến điểm trường, phải đi ủng, mà chúng tôi hay đùa với nhau là những “đôi bốt nhựa”… Không những thế, còn phải hết sức lưu ý để tránh vắt nhảy lên người”.
“Hồi ấy, bà con trong thôn bản cũng quý thầy cô giáo, nhưng ngặt một nỗi, vì còn mong các con ở nhà phụ giúp việc nhà nên không muốn con em đi học. Mỗi sáng, chúng tôi phải dậy từ rất sớm, có khi từ 4-5h, để đi vận động học sinh, chỉ cần trễ hơn là bà con ở đây đi làm vắng nhà hết. Có những lần, khi thầy cô vừa đến nhà, phụ huynh liền bảo: Tôi cho nó nghỉ ở nhà, đi trồng ngô, lấy cái mà ăn. Đi học có ra ngô đâu...”. Tôi phải lựa lời giải thích: “Đúng là đi học chưa ra ngô ngay, nhưng sẽ mở ra tương lai tốt hơn, có nghề nghiệp, không cần trồng ngô vẫn có cuộc sống tốt”. Nhưng nói vậy, cũng có người nghe, người không.
Thế là đều đặn mỗi tối, chúng tôi theo chân công an viên hoặc trưởng thôn đi vận động học sinh ra lớp. Không ít những hôm, chúng tôi thì ôm học sinh mà phụ huynh thì túm áo giữ lại, giằng co, tranh giành…
Có phụ huynh muốn con nghỉ học để chăn trâu, có phụ huynh lại muốn con ở nhà bế em; nên chúng tôi mới gợi ý, học sinh nào bận chăm em thì có thể cõng em cùng lên lớp, còn học sinh nào phải chăn trâu thì cột trâu lại, rồi cắt cỏ cho ăn. Thế mà có những hôm, cột lỏng, trâu đi mất, tôi đang dạy dở tiết thì phụ huynh chạy đến bắt đền. Cuối cùng, thầy trò phải tán loạn đổ đi tìm trâu… Đó là những kỷ niệm có lẽ không bao giờ có thể quên được”, một kỷ niệm khiến cô Chung bất chợt bật cười khi nhớ lại.
Với một giáo viên vùng cao, từ nếp sinh hoạt đến dạy học, dường như chẳng có gì là dễ dàng, nhất là đối với những thầy cô từ vùng xuôi, khoác balo lên bản.
Cô Chung điểm qua một lượt trong trí nhớ về những ký ức năm xưa: “Ngày tôi mới lên đây, vẫn chưa có điện, nên chúng tôi chủ yếu thắp đèn dầu để soạn bài, còn đun nấu thì hoàn toàn dùng bếp củi. Thức ăn cũng phải chuẩn bị sẵn, ăn từ đầu tuần đến cuối tuần, chủ yếu là lạc, cá khô…
Nếu tuần nào trời mưa lớn, sạt lở, không kịp về trung tâm huyện thì xác định tuần tới sẽ… phải nhịn đói nhiều. May thay, mỗi khi bà con săn bắt được thức ăn gì, tuy không có nhiều, cũng đều san sẻ với chúng tôi, rất ấm áp… Học trò cũng vậy, mỗi khi đến mùa măng rừng, các em thường ghé qua, biếu cô giáo để cải thiện bữa ăn.
Nước ở đây cũng thường rất khan hiếm, đặc biệt vào mùa Đông, có học sinh thương các cô, chủ động đi xách nước bằng ống tre từ rất xa, để cô có nước sinh hoạt, tiện bổ củi giúp cô luôn... Thấy mà thương!”.
“Cũng có khi, tôi dạy học tại một điểm trường chỉ cách suối khoảng 200m, thuở ấy chưa có cầu, người dân bắc tạm mấy tảng đá to để bước qua. Có những hôm mưa to, cô đứng bên này suối, trò đứng bên kia suối, trông thấy nhau nhưng không làm sao qua được, nước cứ cuồn cuộn chảy, các cô chỉ biết dặn dò học sinh không được lội qua, chờ khi nào nước rút thì lớp học mới lại vang tiếng “i tờ”...
Rồi cả những hôm, đường rừng núi vào mùa mưa, tuy chưa sạt lở, nhưng cây cối um tùm nên các em đến trường là đều bị ướt hết từ chân đến đầu. Chúng tôi phải đi lấy củi về và đốt lửa ở giữa, cô trò ngồi xunng quanh, vừa học, vừa sưởi ấm. Sẵn tiện, chúng tôi đun luôn một ấm nước để các em rửa chân tay cho đỡ lạnh. Nhìn những đứa trẻ vào mùa Đông, rét cắt da cắt thịt, chỉ có 1-2 manh áo mỏng, không có giày dép gì chỉ đi chân đất, rồi có khi môi tím tái lại... chẳng có ai lại không thương cho được!”, nhắc đến đây, giọng cô vẫn không khỏi bồi hồi.
Mặc dù vậy, không ít lần, cô giáo trẻ khi ấy đã có những giây phút yếu lòng và tư tưởng muốn lung lay: “Ở giữa rừng núi, buồn nhất là những lúc chuẩn bị đi ngủ, chỉ có tiếng côn trùng râm ran, tiếng của gió xào xạc, mà nhất là vào những đêm mưa thì nỗi buồn càng sâu sắc hơn”.
Ký ức về một Tết buồn xa mẹ
Mặc dù xa quê đến vài trăm cây số, song, mỗi năm, cô giáo Đào Thị Chung vẫn được tạo điều kiện để về quê ăn Tết với gia đình. Chỉ có duy nhất một lần, cô phải đón Tết trong khi lòng vẫn bộn bề tâm trạng, thậm chí, muốn… bỏ nghề, không quay lại mảnh đất vùng biên.
Hít một hơi thật sâu, cô kể: “Những năm tháng đó, điện còn chưa có, nói gì đến điện thoại di động, chúng tôi muốn liên lạc về với gia đình thì chỉ có thể viết thư tay. Mà gửi thư thì cũng mất vài ngày, thậm chí, cả tuần liền vẫn chưa đến nơi, thế nên, tin tức nhiều khi bị trễ.
Tôi còn nhớ, vào một buổi sáng cuối năm 2005, khi tôi đang đứng lớp, có người từ ủy ban xã chạy xuống, báo tôi có cuộc gọi khẩn cấp qua điện thoại. Sẵn đang nóng ruột, tôi vội vã chạy theo, rồi nhận được tin: Mẹ mất. Lúc đó, tôi chỉ biết khóc thôi, không biết làm thế nào…
Mẹ tôi lâm bệnh trước đó khoảng 3 tháng, em tôi cũng đã viết thư, nhưng vẫn động viên tôi yên tâm công tác, ở nhà đã có các em lo, khi nào bần cùng quá thì mới gọi cho tôi.
Khi tôi về đến nhà, em tôi nói: “Mấy ngày trước, khi mẹ trở nặng, cả nhà cũng muốn báo tin để chị về gặp mẹ lần cuối, nhưng điện mãi mà không gặp ai… Đến khi mẹ mất, mới liên lạc được”. Hai ngày sau, tôi về đến nhà, chỉ kịp đưa mẹ ra đồng chứ không nhìn thấy mặt mẹ lần cuối. Tôi gặp mẹ tôi vào Tết năm trước, khi mẹ mất là 26/11 Âm lịch, vậy là gần một năm tôi không gặp lại mẹ… Nghĩ đến mẹ, tôi càng không kìm nổi nước mắt”.
“Xong xuôi công việc của mẹ, bố tôi khi ấy đã hơn 70 tuổi, động viên tôi trở lại với học sinh. Thú thực, trong lòng tôi khi ấy, đang bộn bề rất nhiều suy nghĩ. Vừa là nỗi đau mất mát người thân, vừa chứng kiến sự đổi thay của quê nhà, trong khi nơi mình đang dạy học lại khó khăn chồng chất… tôi đã có lúc lung lay, nghĩ liệu mình có trụ được không, rồi thậm chí muốn bỏ dạy, ở nhà để chăm sóc bố, để gần gũi với người thân.
Nhưng rồi, một bên là bố động viên, một bên là sự chờ đợi của đồng nghiệp và những lời gửi gắm của của bà con trước lúc tôi rời bản: “Cô giáo về rồi lại lên nhé!”…
Bỗng nhiên, tôi thấy là nơi mình đặt chân đến đang rất cần mình, nhất là các em học sinh, nếu bây giờ mình không lên lại nữa, thì không biết các em sẽ ra sao? Cuối cùng, tôi quyết định chuẩn bị tư trang để tiếp tục trở lại với lớp học vùng cao”, một nụ cười trìu mến hiện trên gương mặt nữ giáo viên.
Trở lại với những lớp học chênh vênh giữa mênh mang núi rừng, cô giáo trẻ vừa phải tìm cách nguôi ngoai nỗi buồn, vừa trau chuốt cho đam mê, lửa nghề. Cô Chung tâm sự: “Tôi tự nhủ, thời gian của mình càng ít, thời gian để buồn chán hay nghĩ ngợi cũng ít theo. Vậy nên, thời điểm ấy, mỗi tối, bên cạnh những lớp xóa mù cho các bậc phụ huynh như đã triển khai trước đó, tôi cũng nhắn với học trò, đến nhà để cùng làm bài tập, trao đổi và tương tác nhiều hơn”.
“Ở vùng sâu, vùng xa như thế này, ngay cả đến bây giờ, chuyện học sinh tặng quà cho giáo viên nhân các ngày lễ cũng rất hiếm hoi. Tôi ấn tượng với một lần sau khi dự lễ mít-tinh ngày 20/11, các em học sinh cũ đã lên cấp 2, chạy ùa tới, trên tay là những đóa hoa dã quỳ do chính tay các em hái rồi tỉ mỉ kết thành vòng, tặng thầy cô. Nhận hoa mà chúng tôi ai cũng khóc. Rất cảm động! Các em đã lớn, đã biết quan tâm đến người khác. Tuy tôi không còn nhớ rõ từ năm nào, nhưng đó chính là khởi đầu của việc là các em biết quan tâm đến thầy cô vào các ngày lễ”, cô lý giải.
“Và tôi nhớ nhất kỷ niệm hồi năm 1999, khi tôi chuẩn bị nghỉ, về quê đón Tết với bố mẹ, đêm ấy, tôi nghe thấy có tiếng gì đó sột soạt ở vách tường, trong bụng thầm nghĩ hay có con gì bò vào nhà…
Đến sáng, tỉnh giấc, tội thấy có hai gói kẹo “cởi trần” được bọc cẩn thận, kèm theo một tờ giấy có ghi: “Chúc cô về may mắn!”. Thì ra, biết cô giáo chuẩn bị về quê, các em muốn gửi quà cho cô, nhưng còn lẽn lẽn, xấu hổ, nên mới lựa lúc đêm khuya, bí mật đẩy gói kẹo vào nhà. Nhận được món quà Tết ý nghĩa như vậy, tôi chỉ muốn bật khóc. Đó là món quà đầu tiên mà tôi vô cùng trân quý, đến tận bây giờ”, cô Chung .
Chính những tình cảm nồng hậu của bà con dân bản, chính những ánh mắt thơ ngây “khát chữ” và tấm lòng thương quý thầy cô một cách chân thành, ngây ngô của học trò đã tiếp thêm động lực cho những người kỹ sư tâm hồn như cô giáo Đào Thị Chung có thêm quyết tâm, ở lại gắn bó và tiếp tục “gieo chữ” nơi rẻo cao.