Gần 300 chuyên gia đầu ngành, nghiên cứu sinh, sinh viên xuất sắc trong, ngoài nước tham gia Hội nghị quốc tế lần thứ VIII về công nghệ nano và ứng dụng (IWNA) - IWNA 2023

Diễn đàn khoa học do Viện Công nghệ Nano (INT) thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (VNUHCM), CEA-LETI-MINATEC, Cộng hòa Pháp, UBND Bình Thuận đồng tổ chức thành công tốt đẹp.

Theo đó, trong 3 ngày của chuỗi hội nghị (9- 11/11/2023) ở TP. biển Phan Thiết, tại 4 tiểu ban song song, các chuyên gia đầu ngành trong, ngoài nước cùng các nghiên cứu sinh, sinh viên các trường đại học, viện nghiên cứu thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã trình bày bằng tiếng Anh hơn 200 báo cáo công trình khoa học tiêu biểu trong lĩnh vực công nghệ nano từ nghiên cứu cơ bản đến các nghiên cứu về vật liệu nano, chế tạo vi linh kiện nano, ứng dụng trong công nghệ sản xuất thiết bị điện tử, điện gia dụng, chế biến thực phẩm...

Các nhà khoa học trong, ngoài nước tham gia hội nghị nano

Các nhà khoa học trong, ngoài nước tham gia hội nghị nano

Cũng trong diễn đàn khoa học này, GS. Wilfred G. Van Der Wiel, Đại học Twente, Hà Lan đã truyền đạt các chuyên đề về “Cơ hội kinh doanh ngành công nghiệp Micro-Nano ở Việt Nam”, “Khóa hướng dẫn kỹ năng khoa học”, “Lớp học kỹ năng viết các bài báo khoa học” về lĩnh vực công nghệ nano cho đông đảo nghiên cứu sinh, sinh viên tham gia hội nghị.

Theo báo cáo của các chuyên gia, công nghệ nano là công nghệ tiên tiến, có giá trị đặc biệt quan trọng phát triển kinh tế, trên nền tảng công nghệ cao; được coi là ngành công nghệ hàng đầu trong lĩnh vực khoa học - kĩ thuật, phạm vi ứng dụng rất rộng rãi nhiều lĩnh vực đời sống, kết nối cho phát triển công nghệ đối với sự tăng trưởng kinh tế trong kỷ nguyên công nghiệp lần thứ tư.

Chuyên gia đầu ngành nước ngoài thuyết trình công nghệ nano tại phiên tổng thể

Chuyên gia đầu ngành nước ngoài thuyết trình công nghệ nano tại phiên tổng thể

Hội nghị là sự kiện quan trọng, được trông chờ của cộng đồng vào các nhà nghiên cứu, các tổ chức khoa học của Việt Nam, giúp khơi nguồn ý tưởng, sáng tạo đổi mới hoạt động khoa học công nghệ của Việt Nam nói riêng, quốc tế nói chung, làm chủ khoa học, công nghệ, có những sản phẩm chất lượng cao, đóng góp vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Công nghệ nano là bước đi phù hợp với mục tiêu chiến lược được đề ra tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII là đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng, phát triển mạnh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.

IWNA 2023 năm nay được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội cho các nhà khoa học trong và ngoài nước trao đổi kiến thức khoa học thuộc lĩnh vực công nghệ nano. Đồng thời IWNA 2023 tạo cơ hội cho các tỉnh, thành trong nước hợp tác, nghiên cứu với các viện, trường đại học trong, ngoài nước, các chuyên gia khoa học và công nghệ để bồi dưỡng nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ nano, góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa lợi thế của mỗi vùng, miền, gắn bảo vệ môi trường.

Tại buổi bế mạc, ban lãnh đạo Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Viện Công nghệ Nano (INT) khen thưởng các nghiên cứu sinh, sinh viên đã trưng bày và báo cáo Poster sinh động, cuốn hút. Ban tổ chức (INT & MINATEC) cấp chứng chỉ cho các học viên là nghiên cứu sinh, sinh viên hoàn thành khóa học trong khuôn khổ hội nghị này.

Trước đó, các đại biểu đã được xem qua video cuộc đời, sự nghiệp cố GS.VS Nguyễn Văn Hiệu, người sáng lập công nghệ nano ở Việt Nam. Ban lãnh đạo Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã tặng bức ảnh chân dung cố GS.VS Nguyễn Văn Hiệu và hoa cho gia đình Giáo sư, tri ân “cha đẻ” công nghệ mới này.

Thái Khoa

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/thoi-su/gan-300-chuyen-gia-dau-nganh-nghien-cuu-sinh-sinh-vien-xuat-sac-trong-ngoai-nuoc-tham-gia-hoi-nghi-quoc-te-lan-thu-viii-ve-cong-nghe-nano-va-ung-dung-iwna-iwna-2023/181278.htm