Gần 300 triệu học sinh, sinh viên trên toàn thế giới không được đến trường khi Covid-19 bùng phát, 'ngẩn ngơ' với câu hỏi: 'Khi nào con được đi học?'
Đến ngày 5/3, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu rộng hơn đến cuộc sống hàng ngày của người dân trên toàn thế giới, khi toàn bộ trường học ở Italy đã đóng cửa và chính phủ Mỹ cũng cảnh báo về động thái tương tự. Điều này cho thấy sự gián đoạn của ngành giáo dục của gần 300 triệu học sinh trên toàn cầu đang tăng lên.
Chỉ vài tuần trước, Trung Quốc là quốc gia duy nhất yêu cầu học sinh nghỉ học. Tuy nhiên, virus corona đã lây lan nhanh chóng tính đến ngày hôm nay, 22 quốc gia ở 3 châu lục đã yêu cầu đóng cửa trường học. Theo đó, Liên Hợp Quốc (UN) đã cảnh báo rằng quy mô và tốc độ gia tăng của sự gián đoạn trong ngành giáo dục ở thời điểm này là chưa từng có.
Tại Hàn Quốc, Iran, Nhật Bản, Pháp, Pakistan và nhiều quốc gia khác, học sinh hiện đều được yêu cầu ở nhà, một số chỉ là vài ngày, số khác lại là vài tuần. Ở Italy, một trong những ổ dịch lớn nhất bên ngoài Trung Quốc, giới chức cho biết họ sẽ yêu cầu thêm các trường học ở phía bắc đóng cửa cho đến cả quốc gia. Toàn bộ trường tiểu học, trung học và đại học đều ngừng hoạt động đến ngày 15/3.
Ở Bờ Tây nước Mỹ, khu vực hiện có nhiều ca nhiễm bệnh nhất nước này, thành phố Los Angeles đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp, khuyến cáo phụ huynh nên chuẩn bị cho việc các trường học sẽ đóng cửa. Tiểu bang Washington cũng yêu cầu đóng cửa 1 số trường học, New York cũng đưa ra động thái tương tự.
Tốc độ và quy mô của sự gián đoạn trong lĩnh vực giáo dục hiện đã ảnh hưởng đến 290,5 triệu học sinh, sinh viên trên toàn thế giới. UN cho biết, tình trạng này hầu như chưa từng chứng kiến trong lịch sử hiện đại. Việc trường học ngừng hoạt động có thể kéo dài hàng ngày, hàng tuần và đôi khi là nhiều tháng có thể gây ra hậu quả lớn cho cả trẻ em và xã hội.
Gao Mangxian là một nhân viên bảo vệ ở Hồng Kông, chị có 2 con gái đang ở nhà trong khi trường học đã đóng cửa từ hồi tháng 1. Chị chia sẻ: "Con tôi luôn nói rằng: ‘Khi nào còn được đi chơi? Khi nào con được đến trường?’"
Tại Hồng Kông, những gia đình như chị Gao đã gặp nhiều khó khăn để duy trì một số vấn đề của cuộc sống thường ngày. Gao, 48 tuổi, đã phải nghỉ việc để trông con và bắt đầu cảm thấy khó khăn trong khoản chi tiêu của gia đình. Chị chỉ ra ngoài 1 lần/tuần và cố gắng dành nhiều thời gian nhất có thể để hỗ trợ 2 con khi học trực tuyến. Dù khá bối rối nhưng chị luôn cố gắng làm quen với công nghệ.
Học trực tuyến: "Lợi bất cập hại"
Giới chức và nhà trường đã phải tìm cách giúp học sinh học tập tại nhà. Chính phủ Italy đã tạo một trang web cho phép giáo viên truy cập và chuẩn bị các bài giảng cho học sinh. Đài truyền hình Mông Cổ phát sóng bài học cho học sinh. Chính phủ Iran miễn phí toàn bộ nội dung dành cho trẻ em. Thậm chí, ít nhất 1 trường học ở Hồng Kông còn yêu cầu học sinh học thể dục online, mỗi em phải thực hiện động tác chống đẩy qua webcam.
Dẫu vậy, những gì diễn ra "sau ống kính" lại là một thách thức. Rào cản công nghệ và những yếu tố phiền phức không thể tránh khỏi đã diễn ra khi học sinh sử dụng các thiết bị của riêng mình. Chẳng hạn, Thira Pang, một sinh viên 17 tuổi tại Hồng Kông, đã nhiều lần điểm danh muộn vì kết nối internet chậm.
Lớp học "kiểu mới" tại nhà cũng gây ra nhiều vấn đề cho học sinh nhỏ tuổi và những người trông trẻ lớn tuổi. Ruby Tan – một giáo viên ở Trùng Khánh, cho biết nhiều ông bà đang phải trông cháu trong thời gian này để phụ huynh có thể đi làm. Tuy nhiên, không phải ai cũng thông thạo công nghệ. Tan chia sẻ: "Họ không có cách nào để giám sát việc học tập của trẻ, thay vào đó chúng sẽ có những thói quen xấu là không tập trung khi học."
Việc đóng cửa cũng ảnh hưởng đến những buổi lễ quan trọng. Tại Nhật Bản, năm học thường kết thúc vào tháng 3. Nhiều trường học đã hạn chế tổ chức buổi lễ bế giảng. Chị Satoko Morita sống tại miền bắc Nhật Bản, chia sẻ, con trai chị không thể tham dự lễ bế giảng của trường trung học, con gái chị cũng không có lễ bế giảng ở trường tiểu học.
Gánh nặng đối với phụ nữ
Khi trường học đóng cửa, nhiều gia đình phải suy nghĩ về việc họ sẽ hỗ trợ nhau thế nào và phải chia đều nhiệm vụ trong gia đình. Gánh nặng lại thường nặng nề đối với phụ nữ, thường chịu trách nhiệm chính trong việc chăm sóc trẻ. Trong khi đó, ở những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề, thì việc tìm người trông trẻ là cực kỳ khó khăn.
Lee Seong-yeon là quản lý thông tin y tế của một bệnh viện ở Seoul, Hàn Quốc. Con trai 11 tuổi của chị đã nghỉ học từ hôm 2/3 theo yêu cầu của chính phủ. Tuy nhiên, công việc của chị và chồng – cũng là nhân viên y tế, lại không thể làm tại nhà, thậm chí họ còn bận hơn rất nhiều lần trong thời gian này.
Do đó, con trai chị phải ở nhà một mình và ăn cơm do mẹ chuẩn bị từ trước. Chị Lee chia sẻ: "Tôi nghĩ tôi sẽ phải nghỉ việc nếu con trai tôi còn nhỏ, bởi tôi không muốn để con ở nhà một mình." Lee nói: "Tôi cố gắng về nhà lúc 6 giờ tối, trong khi đồng nghiệp vẫn đang làm việc. Tôi vội vã về nhà để chuẩn bị cơm tối cho con."
Đối với nhiều bà mẹ khác thì lựa chọn thậm chí còn hạn chế hơn. Tại Athens, Anastasia Moschos cho biết chị khá may mắn, khi con trai 6 tuổi hiện đang được bố chăm sóc. Nhưng nếu trường học tiếp tục đóng cửa, chị sẽ gặp nhiều khó khăn. Moschos chia sẻ: "Có lẽ ai cũng có một người để tìm kiếm sự giúp đỡ. Tôi thì không. Tôi là mẹ đơn thân nên không có ai trợ giúp."
Thậm chí những bà mẹ có thể rời khỏi các khu vực bị ảnh hưởng cũng gặp vấn đề trong việc tìm người trông trẻ. Cristina Tagliabue – doanh nhân truyền thông đến từ Milan, mới đây đã chuyển đến căn nhà ở Rome cùng con trai 2 tuổi. Dẫu vậy, không có nhà trẻ nào tiếp nhận con trai chị vì họ đến từ Milan – "tâm dịch" của Italy. Do đó, Tagliabue đã từ chối nhiều thỏa thuận để ở nhà trông con.
Rắc rối vượt xa "khuôn viên" trường học
Tuy nhiên, gánh nặng này không còn là vấn đề của riêng ai, nó thậm chí còn len lỏi vào những góc khác của xã hội, thậm chí còn không liên quan đến giáo dục.
Các nhà quản lý trường học tại Nhật Bản lại khác ngạc nhiên trước quyết định đóng cửa trường học của thủ tướng. Họ đã vội vã hủy đơn đặt hàng bữa trưa, khiến nhiều nhà cung cấp gặp khó khăn với rất nhiều đồ ăn "chất đống" và không biết phải làm gì với các nhân viên tạm thời. Hơn nữa, nhân viên làm việc tại các khu ăn trưa của trường học cũng phải nghỉ việc.
Kazuo Tanaka – phó giám đốc Trung tâm Bữa trưa Học đường tại Yachimata, cho biết họ đã hủy đơn đặt hàng nguyên liệu để làm khoảng 5.000 suất ăn trưa cho 13 trường học. Việc này sẽ khiến trung tâm thiệt hại khoảng 20 triệu yen (gần 200.000 USD) mỗi tháng khi trường học đóng cửa.
Tại Hồng Kông, nhiều người làm giúp việc đã thất nghiệp khi các gia đình giàu có cho con đi học ở nước ngoài. Nhu cầu đối với người trông trẻ ở thành phố này đã giảm tới 1/3 khi dịch bệnh lây lan, bởi nhiều công ty cho phép nhân viên làm việc tại nhà và nhiều gia đình nước ngoài hiện tại vẫn chưa trở lại Hồng Kông, theo Felix Choi – giám đốc công ty Babysitter.