Gần 40.000 tấn thóc được nhập kho dự trữ an toàn, đảm bảo chất lượng
Cho đến nay, các cục dự trữ nhà nước được giao nhiệm vụ mua nhập kho dự trữ quốc gia 40.000 tấn thóc năm 2022 đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, nhiều đơn vị đã hoàn thành và hoàn thành vượt mốc thời gian quy định.
Cải cách trong công tác đấu thầu
Nhằm cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát chặt chẽ, công khai, minh bạch, đồng thời khắc phục triệt để hạn chế của hình thức đấu thầu rộng rãi không qua mạng internet, đồng thời góp phần vào công cuộc chuyển đổi số và xây dựng chính phủ điện tử của Việt Nam, ngày 7/6/2022 Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) đã có công văn chỉ đạo 8 cục DTNN khu vực, như: Đông Bắc, Hải Hưng, Hà Nam Ninh, Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên… thống nhất thực hiện lựa chọn nhà thầu mua gạo dự trữ trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Trên cơ sở kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được phê duyệt, ngày 6/7/2022, lần đầu tiên Tổng cục DTNN chính thức thực hiện đấu thầu đồng bộ một lần trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đối với 73 gói thầu mua 40.000 tấn thóc dự trữ quốc gia (DTQG) năm 2022. Các gói thầu đều thu hút đông đảo nhà thầu tham gia cạnh tranh.
Qua thực tế triển khai ở các cục DTNN khu vực cho thấy, mặc dù là lần đầu tiên thực hiện đấu thấu qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, nhưng các đơn vị đã xây dựng hồ sơ mời thầu điện tử (E-HSMT) mua thóc, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thóc DTQG.
Cụ thể, các đơn vị thực hiện việc lập, thẩm định và phê duyệt E-HSMT mua gạo theo đúng quy định tại Mẫu số 05 ban hành kèm theo Thông tư số 04/2017/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để áp dụng phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá khi thực hiện đánh giá E-HSDT, trong đó tỷ trọng điểm về kỹ thuật (K) là 10% và tỷ trọng điểm về giá (G) là 90%.
Do thóc mua nhập kho DTQG là “thóc sản xuất trong nước”, nên không áp dụng đánh giá ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu cung cấp thóc DTQG, mà các cục DTNN khu vực chủ động quy định trong E-HSMT mua thóc để công khai cho tất cả các nhà thầu tham dự thầu.
Hoàn thành vượt tiến độ
Thông tin từ Tổng cục DTNN, ngay sau khi có kết quả trúng thầu, các cục DTNN khu vực được giao nhiệm vụ mua nhập thóc DTQG năm 2022 đã luôn bám sát theo sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Tài chính, của Tổng cục DTNN, khẩn trương thương thảo và ký kết hợp đồng với doanh nghiệp trúng thầu. Bên cạnh đó, các đơn vị chủ động, phối hợp và thường xuyên đôn đốc nhà thầu nhập hàng, đảm bảo về số lượng, chất lượng và hoàn thành vượt tiến độ Tổng cục DTNN đề ra. Tính đến 12/9/2022, nhiều đơn vị đã hoàn thành nhập thóc DTQG trước thời gian quy định, với số lượng gần 40.000 tấn thóc.
Điển hình như, Cục DTNN khu vực Hải Hưng thực hiện nhiệm vụ với quyết tâm cao, từ ngày 22/7/2022 đến ngày 31/8/2022, đơn vị này đã hoàn thành kế hoạch mua, nhập kho 4.000 tấn thóc DTQG, hoàn thành 100% chỉ tiêu được giao.
Cục DTNN khu vực Thanh Hóa cũng là một trong những đơn vị hoàn thành sớm so với kế hoạch. Theo bà Hà Thị Lê - Trưởng phòng Kế hoạch và quản lý hàng dự trữ Cục DTNN khu vực Thanh Hóa, đơn vị đã tổ chức đấu thầu qua mạng đối với 16 gói thầu nhập kho DTQG 9.000 tấn thóc vào các kho thuộc 7 chi cục DTNN trực thuộc là: Triệu Sơn, Ngọc Lặc, Đông Thiệu, Quảng Xương, Thiệu Yên, Hà Trung, Thanh Hóa.
73 gói thầu mua nhập thóc dự trữ quốc gia được đấu thầu thành công
Thông tin từ Tổng cục Dự trữ nhà nước, 8 cục dự trữ nhà nước khu vực đã tổ chức thành công đấu thầu qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đối với 73 gói thầu mua nhập kho dự trữ quốc gia 40.000 tấn thóc năm 2022. Trong đó, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực: Hà Bắc là 5 gói thầu; Hải Hưng là 7 gói thầu; Đông Bắc là 6 gói thầu; Thái Bình là 4 gói thầu; Hà Nam Ninh là 6 gói thầu; Thanh Hóa là 16 gói thầu; Nghệ Tĩnh là 20 gói thầu; Bình Trị Thiên là 9 gói thầu.
Sau khi có kết quả lựa chọn nhà thầu, Cục DTNN khu vực Thanh Hóa chủ động tạo điều kiện thuận lợi trong ký kết hợp đồng với nhà thầu trúng thầu; thường xuyên đôn đốc nhà thầu nhập hàng. Đồng thời, chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và các chi cục DTNN trực thuộc tăng cường phối hợp, kiểm tra, giám sát chất lượng gạo nhập kho năm 2022 nhằm đẩy nhanh tiến độ nhập kho thóc DTQG. Trong khoảng thời gian từ ngày 27/7 đến ngày 31/8/2022, 7 chi cục trực thuộc đã hoàn thành nhập kho 9.000 tấn thóc, đạt 100% kế hoạch được giao, đảm bảo đúng tiêu chuẩn chất lượng thóc nhập kho DTQG theo quy định, sớm hơn 15 ngày...
Theo bà Hoàng Thị Mai - Phó Cục trưởng Cục DTNN khu vực Đông Bắc, ngay sau khi có kết quả lựa chọn nhà thầu đối với 6 gói thầu nhập kho DTQG 3.000 tấn thóc, đơn vị đã liên hệ với các doanh nghiệp trúng thầu để hoàn thiện hợp đồng mua bán; đồng thời đôn đốc các nhà thầu khẩn trương cung cấp thóc nhập kho. Từ ngày 19/7 đến hết ngày 7/8/2022, 3 chi cục DTNN trực thuộc (Kiến An, Thủy Nguyên, Vĩnh Liên) đã hoàn thành nhập kho 3.000 tấn thóc, trong đó có 1.500 tấn thóc đóng bao bảo quản trong môi trường khí Ni-tơ.
Theo ông Đỗ Quốc Long - Cục trưởng Cục DTNN khu vực Hà Nam Ninh, ngay sau khi nhận được kế hoạch nhập kho DTQG 4.500 tấn thóc tẻ đổ rời, sản xuất trong nước, thu hoạch vụ Đông Xuân năm 2022, lãnh đạo đơn vị đã chỉ đạo các chi cục DTNN (Nam Ninh, Nghĩa Hưng, Bình Lục, Lý Nhân, Yên Mô và Tam Điệp, Yên Khánh) đóng trên địa bàn 3 tỉnh Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình rà soát diện tích lượng kho thực tế, bảo đảm điều kiện nhập kho thóc DTQG.
Cục DTNN khu vực Hà Nam Ninh tiến hành đấu thầu mua thóc qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Sau khi có kết quả lựa chọn nhà thầu, đơn vị đã chủ động làm việc với các doanh nghiệp trúng thầu để hoàn thiện hợp đồng mua bán; thường xuyên đôn đốc các nhà thầu nhập thóc. Đồng thời lãnh đạo cục chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và 7 chi cục DTNN trực thuộc tăng cường phối hợp, kiểm tra, giám sát chất lượng thóc nhập kho năm 2022 theo quy định. Kết quả, từ ngày 10/8 đến 12/9, các chi cục DTNN thuộc Cục DTNN Hà Nam Ninh đã hoàn thành nhập kho DTQG 4.500 tấn thóc.
Xuất cấp hơn 37.555 tấn gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ học sinh học kỳ I năm học 2022 - 2023
Bộ Tài chính vừa có Quyết định số 1845/QĐ-BTC về việc xuất gạo dự trữ quốc gia (DTQG) hỗ trợ học sinh học kỳ I năm học 2022 - 2023. Theo đó, Bộ Tài chính giao Tổng cục DTNN xuất cấp không thu tiền hơn 37.555 tấn gạo từ nguồn DTQG giao cho các tỉnh để hỗ trợ cho học sinh học kỳ I năm học 2022 - 2023 theo quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP.
Tổng cục DTNN căn cứ số lượng gạo DTQG tại thời điểm xuất cấp và kế hoạch tiếp nhận gạo của UBND các tỉnh, giao nhiệm vụ cho các cục DTNN khu vực phối hợp với UBND các tỉnh tổ chức giao, nhận gạo tại trung tâm huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh theo kế hoạch phân bổ của UBND các tỉnh.
Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, trường hợp số lượng gạo thực tế tiếp nhận của địa phương trong học kỳ I thấp hơn số gạo Bộ Tài chính đã quyết định, thì cấp theo số lượng gạo đề nghị của địa phương. Trường hợp số lượng gạo thực tế địa phương tiếp nhận trong học kỳ I cao hơn số gạo Bộ Tài chính đã quyết định, thì tổng hợp đề nghị của địa phương, trình Bộ Tài chính cấp gạo bổ sung.
Bộ Tài chính đề nghị Tổng cục DTNN tổ chức giao, nhận gạo DTQG bảo đảm theo đúng quy định tại Thông tư số 51/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính. UBND các tỉnh thực hiện các nhiệm vụ được quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ và văn bản hướng dẫn số 15777/BTC-TCDT của Bộ Tài chính, đảm bảo việc tiếp nhận, phân loại, sử dụng gạo hỗ trợ đúng đối tượng, mức hỗ trợ và thời gian hỗ trợ của năm học, tránh để thất thoát, tiêu cực trong quá trình tiếp nhận, phân phối gạo.
Đồng thời, UBND các tỉnh chỉ đạo các đơn vị tiếp nhận gạo của địa phương vận chuyển gạo DTQG từ trung tâm huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đến các trường học, hoặc địa điểm thích hợp để cấp phát cho các đối tượng theo đúng quy định; chịu trách nhiệm về tính chính xác của hồ sơ, số liệu báo cáo.