Gần 40 năm thất lạc tìm được gia đình nhờ đi làm Căn cước công dân
Cách đây 39 năm, anh Trương Văn Phong rời quê nhà Quảng Bình vào Đồng Nai tìm kiếm việc làm, do điều kiện khó khăn lúc bấy giờ, anh bị thất lạc không nhớ cụ thể gia đình, quê quán của mình. Mới đây, đi làm Căn cước công dân, anh Phong đã được Công an tìm ra gia đình anh.
Chiều ngày 13/11, trao đổi với Phóng viên Báo CAND, Đại úy Trần Văn Đàn, Trưởng Công an xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình cho biết, anh Trương Văn Phong (sinh năm 1964), quê quán xã An Ninh vừa được Công an tìm ra gia đình và gia đình đã vào đón anh về quê hương khói cho ba mẹ, thăm lại quê nhà, anh em vui mừng, mừng tủi sau 39 năm mới gặp lại nhau.
Được biết, ông bà ông Trương Văn Phát (sinh năm1930 – mất 2020) và vợ là bà Trần Thị Thẻo (sinh năm 1939 – mất 2022), quê quán xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình sinh được 9 người con, 8 nam 1 nữ, trong đó con trai cả là Trương Văn Phong. Cuộc sống ở quê những năm vào thập niên 80 của thế kỷ XX còn nhiều khó khăn, vất vả, gia cảnh đông con nên gia đình ông Phát lại càng cơ cực.
Năm 1984, gia đình ông Phát gặp biến cố khi cậu con trai cả là Trương Văn Phong, sau một lần cự cãi với cha mẹ rồi bỏ nhà đi biệt tăm. Gia đình ông Phát tìm kiếm khắp nơi, nhưng Phong vẫn biệt tích. Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm không thành, gia đình đành báo với chính quyền địa phương và Phong được đưa vào diện mất tích.
20 tuổi, Trương Văn Phong bắt xe đò vào miền Nam và xuống Long Khánh, Đồng Nai làm thuê, làm mướn kiếm sống qua ngày. Một mặt do điều kiện khó khăn về liên lạc lúc bấy giờ, mặt khác do tính cách của thanh niên mới lớn, hay tự ái lại muốn khẳng định bản thân nên Phong cũng không tìm cách liên lạc về nhà, để cho thời gian trôi năm này qua năm khác.
Năm 1992, sau 8 năm bỏ nhà đi, Trương Văn Phong lấy vợ là Lê Thị Thu Hồng (sinh năm 1968), quê gốc Quảng Trị, gia đình vào định cư ở Long Khánh. Hai vợ chồng ông Phong cần mẫn làm ăn, sinh được 2 người con gái. Giờ đứa lớn đã lập gia đình, còn đứa sau đang làm công nhân trên địa bàn.
Điều đáng nói, năm 1984, sau khi rời bỏ nhà vào Đồng Nai, Trương Văn Phong thường nhận tên là Trương Văn Thạch và mọi người thường gọi Phong là Thạch, khi ai hỏi quê quán, gia cảnh…Phong chỉ nhớ là ở Quảng Bình, không nhớ rõ cụ thể. Nhiều lần vợ con muốn cùng ông Phong tìm về nơi chôn rau cắt rốn của chồng nhưng đành chịu, vì ông Phong không nhớ cụ thể là nơi nào.
Đầu tháng 11, ông Trương Văn Phong đến cơ quan Công an phường Xuân Thanh, TP Long Khánh, Đồng Nai để làm căn cước công dân. Trong quá trình xác minh danh tính, nhân thân…Cán bộ, chiến sĩ Công an thấy có nhiều điểm bất hợp lý nên đã gặp riêng ông Phong để hỏi chuyện, trao đổi.
Ông Phong nhớ được họ tên cha mẹ là Trương Văn Phát và Trần Thị Thẻo và kể về cuộc đời 39 năm lưu lạc của mình, với tinh thần trách nhiệm cao, Công an phường Xuân Thanh, TP Long Khánh, Đồng Nai đã phối hợp với các phòng ban chức năng Công an Quảng Bình xác định được quê quán chính xác của Trương Văn Phong là xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình và đề nghị Công an xã An Ninh xác minh thân nhân.
Cũng có sự trùng hợp là, mới đây anh Trương Văn Thường (em trai ông Trương Văn Phong), đang sinh sống ở xã An Ninh đi làm báo tử cho em trai út của mình là anh Trương Văn Phúc không may qua đời do bị tai nạn giao thông, trong khi làm thủ tục, qua rà soát thân nhân theo Căn cước Công dân, Công an xã An Ninh cũng phát hiện gia đình anh Thường có một người anh mất tích 39 năm qua.
Khi Công an xã An Ninh làm việc với ông Thường và đưa những thông tin về ông Trương Văn Phong do Công an phường Xuân Thanh, TP Long Khánh, Đồng Nai cung cấp nhờ xác minh, anh Thường đã run lên vì xúc động vì đó chính là anh trai mình, người đã mất tích 39 năm qua.