Gần 450 người xin nghỉ việc sau sáp nhập Bộ Nông nghiệp và Bộ Tài nguyên
Tính đến nay đã có gần 450 người bày tỏ nguyện vọng xin được nghỉ công tác sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hợp nhất với Bộ Tài nguyên và Môi trường thành Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Tại Hội nghị triển khai Đề án thành lập Bộ Nông nghiệp và Môi trường, ông Đỗ Đức Duy - tân Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường - cho biết, trong quá trình xây dựng đề án hợp nhất 2 bộ đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường có 300 người (120 người đã có đơn xin nghỉ công tác, hưởng chế độ theo Nghị định số 178) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 148 người bày tỏ nguyện vọng xin được nghỉ công tác.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh: "Nhiệm vụ sắp xếp, tinh gọn là rất khó khăn, phức tạp, tác động đến mỗi con người, vì vậy chúng ta cần phải đoàn kết, sẵn sàng hi sinh nhiệm vụ của cá nhân để phục vụ cho lợi ích chung".

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy. Ảnh: Tùng Đinh.
Về công tác nhân sự, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đã nêu 3 phương án sắp xếp với cán bộ lãnh đạo cấp trưởng gồm giữ nguyên chức vụ hiện tại sau khi hợp nhất, điều động sang đơn vị khác nếu phù hợp hơn với năng lực và yêu cầu công tác, hoặc chuyển sang làm cấp phó của đơn vị mới sau khi hợp nhất. Các phương án đều được thiết kế để đảm bảo công bằng và hiệu quả, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho những người có nguyện vọng tiếp tục đóng góp hoặc phát triển sự nghiệp tại các vị trí mới.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy yêu cầu Vụ Tổ chức cán bộ khẩn trương xây dựng kế hoạch và trình Bộ trưởng quyết định phân công công tác đối với lãnh đạo bộ, xây dựng các tiêu chí và hướng dẫn về sắp xếp cán bộ lãnh đạo, quản lý các đơn vị thuộc Bộ. Tất cả các phương án phải được hoàn thiện và trình phê duyệt trước ngày 1/3/2025.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường là cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước với 45 chức năng, nhiệm vụ về các lĩnh vực: nông nghiệp; lâm nghiệp; diêm nghiệp; thủy sản; thủy lợi; phòng chống thiên tai; phát triển nông thôn; đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường; khí tượng thủy văn; biến đổi khí hậu; đo đạc và bản đồ; quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; viễn thám; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ...
Về cơ cấu tổ chức, có 30 đầu mối trực thuộc (giảm 25 đầu mối).