Gần 500 bác sĩ tham dự hội thảo về chấn thương chỉnh hình
Hàng loạt tiến bộ mới trong điều trị một số bệnh cơ xương khớp - chấn thương chỉnh hình, như: ngón chân cái vẹo ngoài, bàn chân bẹt, trật khớp vai, viêm đa khớp dạng thấp và giải pháp giúp người bệnh ít đau nhất sau phẫu thuật thay khớp gối, khớp háng... được cập nhật trong Hội thảo đào tạo y khoa liên tục 'Tiếp cận những vấn đề chấn thương chỉnh hình theo y học chứng cứ'. Sự kiện do bệnh viện FV tổ chức tại TP.HCM thu hút gần 500 bác sĩ trong nước tham dự.
Với sự tham gia của các diễn giả là những chuyên gia uy tín trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình, phục hồi chức năng, nội cơ xương khớp và gây mê hồi sức tại TP.HCM, Hội thảo đã mang lại nhiều góc nhìn đa chiều, kết hợp giữa nghiên cứu mới nhất và kinh nghiệm thực tiễn, giúp các bác sĩ cập nhật kiến thức và nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân.
Trật khớp vai lần đầu, điều trị hay phẫu thuật?
PGS-TS-BS. Đỗ Phước Hùng, Chủ nhiệm bộ môn Chấn thương Chỉnh hình và Phục hồi Chức năng, Trường Đại học Y Dược TP. HCM, cho biết trật khớp vai là chấn thương thường gặp, đặc biệt là ở những người chơi thể thao. Khi bị trật khớp vai, bệnh nhân sẽ được nắn lại khớp, tuy nhiên câu hỏi đặt ra là nên làm gì tiếp theo – nên điều trị phẫu thuật hay bảo tồn để tránh tái phát?

PGS-TS-BS. Đỗ Phước Hùng trình bày tại Hội thảo.
Theo bác sĩ Hùng, khoảng 50% - nhóm bệnh nhân điều trị bảo tồn - không bị tái trật khớp, do vậy không phải ai trật khớp lần đầu cũng cần phẫu thuật. Ưu điểm của phẫu thuật (chủ yếu là phẫu thuật nội soi Bankart) là giảm tỷ lệ tái trật khớp (10% so với 55% khi không mổ), chủ yếu giúp những người chơi thể thao sớm quay lại thi đấu. Tuy vậy, nó cũng có thể gây biến chứng trên một số bệnh nhân.
Bằng kinh nghiệm lâm sàng, bác sĩ có thể xác định mổ cho bệnh nhân dựa trên nhiều yếu tố: tuổi (tuổi trẻ có nguy cơ tái trật khớp cao hơn), mức độ tổn thương xương, nhu cầu thể thao, kết quả kiểm tra lâm sàng.
23% người trưởng thành mắc tật ngón chân cái vẹo ngoài
TS-BS. Lê Trọng Phát, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình và Phẫu thuật Bàn tay, bệnh viện FV, đã đề cập tới tật ngón chân cái vẹo ngoài - một biến dạng do khớp gốc của ngón chân cái phát triển sang một bên, dẫn tới tình trạng xương ngón chân cái bị ngả về phía ngón chân nhỏ hơn. Có tới 23% người trưởng thành trong độ tuổi 18-65 mắc chứng này.
Trong đó, phụ nữ có tỷ lệ mắc cao hơn nam giới gấp 2-3 lần, một trong những nguyên nhân được xác định là do sử dụng giày cao gót thường xuyên. Tuy vậy đây là căn bệnh chưa được quan tâm đúng mức.
Để điều trị bệnh lý tật ngón chân cái vẹo ngoài, với các trường hợp nhẹ có thể thay đổi giày dép, dùng miếng đệm, miếng ngăn cách ngón chân hoặc nẹp chỉnh hình. Trường hợp nặng người bệnh được chỉ định phẫu thuật. “Mục tiêu của phẫu thuật là chỉnh trục xương và phần mềm (gân, cơ). Nếu chỉ chỉnh xương mà không chỉnh phần mềm thì nguy cơ thất bại có thể tới 90%”, bác sĩ Phát cho biết.

Hình chụp MRI ngón chân cái vẹo trước và sau phẫu thuật.
Theo bác sĩ Phát, bàn chân có tới hơn 200 gân và dây chằng, cấu trúc phức tạp, do vậy nếu chữa sai, người bệnh có nguy cơ không đi lại được. Việc điều trị các bệnh lý ở bàn chân đòi hỏi sự tỉ mỉ và kinh nghiệm của các chuyên gia.
Bác sĩ Phát cũng cho biết trên thế giới có hơn 130 phương pháp phẫu thuật điều trị bệnh này, trong đó 3 phương pháp phẫu thuật Chevron, Lapidus và Scarf được đánh giá có hiệu quả cao nhất. Phẫu thuật Lapidus và Scarf được chỉ định cho những trường hợp nặng. Đặc biệt phẫu thuật Scarf, một kỹ thuật khó, nhưng đã chứng minh mang lại sự hài lòng lên đến 92% cho bệnh nhân.
Bàn chân bẹt không triệu chứng thì không cần điều trị
Một vấn đề khác liên quan tới bàn chân đó là những lầm tưởng về tật bàn chân bẹt ở trẻ em. BS-CKII. Trương Hoàng Vĩnh Khiêm (khoa Chấn thương Chỉnh hình và Phẫu thuật Bàn tay, bệnh viện FV) cho biết, thời gian qua, nhiều phụ huynh đưa con đi tầm soát và điều trị bàn chân bẹt từ rất sớm. Tuy vậy theo bác sĩ Khiêm, việc điều trị quá sớm là không cần thiết. Một nghiên cứu chỉ ra rằng gần 94 -100% trẻ 2 tuổi có bàn chân bẹt nhưng ở độ tuổi lên 10 tỷ lệ này chỉ còn 4%. Điều đó cho thấy phần lớn trẻ em sẽ phát triển vòm bàn chân bình thường khi lớn lên.

Các diễn giả trao đổi kinh nghiệm tại Hội thảo.
Có 2 loại bàn chân bẹt là bàn chân bẹt cứng và bàn chân bẹt mềm dẻo (chiếm 91%). Qua các nghiên cứu trên thế giới, bác sĩ Khiêm cho rằng bàn chân bẹt không triệu chứng thì không cần điều trị gì thêm. Việc mang miếng độn chỉnh hình không những không có hiệu quả điều trị mà còn có thể tác động tiêu cực về tâm lý cho trẻ.
Việc điều trị cho trẻ bị bàn chân bẹt triệu chứng nên thực hiện ở trẻ trong độ tuổi sau 8 tuổi tới 13 tuổi, như khuyến khích trẻ đi chân trần nhiều để các cấu trúc, các cơ, dây chằng được khỏe hơn; mang đế tạo độ lõm vòm bàn chân; trường hợp nặng (bé than đau chân vào buổi tối, dáng đi không đẹp, dễ bị vấp ngã,…) có thể phẫu thuật.
Có nhiều phương pháp phẫu thuật, trong đó có phẫu thuật nâng khớp dưới sên đang được áp dụng hiệu quả tại FV: dùng một vít chèn vào khoang dưới sên nhằm tránh sự xoay quá độ của xương sên trên xương gót. Đây là thủ thuật đơn giản, chỉ trong 5-15 phút, mang lại hiệu quả cao.
Trâm Anh - Ảnh: Bệnh viện FV