Gần 600 đội bắt chó thả rông ở Hà Nội hoạt động thế nào?
Mỗi đội bắt chó thả rông sẽ gồm 6-8 cán bộ của phường, tần suất hoạt động 1-2 lần/tuần nhưng không có lịch cố định nhằm phát hiện, xử lý những tình huống vi phạm của chủ vật nuôi.
Dù đã thuê một căn nhà có cổng hướng ra đường lớn, trong một năm qua, chị Nguyễn Thị Hà (24 tuổi, sống tại Đống Đa, Hà Nội) chọn đi làm qua một con ngõ nhỏ bên cạnh nhà vì sợ chó.
Ngay đầu ngõ nhà Hà là một cửa hàng sửa xe và một hàng ăn. Hai người chủ của cơ sở này nuôi tổng cộng 4 con chó ta to lớn, chúng thường lang thang ở ngoài đường mà không có rọ mõm.
"Một lần, mình bị một trong 4 con đuổi theo ra đến tận đường lớn và phải cố phóng xe thật nhanh để thoát thân. Từ đó mình chọn con ngõ bên cạnh để đi làm, vòng vèo hơn chút nhưng an toàn", Hà kể lại.
Khi nghe về kế hoạch Hà Nội lập đội bắt chó thả rông ở các quận, huyện, Hà cho biết ủng hộ kế hoạch này nhưng băn khoăn không biết các đội này có thể xử lý triệt để tình trạng chó không đeo rọ mõm trong các khu dân cư như nơi Hà đang ở hay không.
Theo kế hoạch UBND Hà Nội vừa ban hành, trong giai đoạn 2022-2030, thành phố sẽ triển khai mô hình bắt chó, mèo thả rông đến 579 xã, phường, thị trấn thuộc các quận, huyện của thành phố. Trước mắt, từ nay đến năm 2023, đội bắt chó thả rông sẽ được thành lập ở 175 phường thuộc 12 quận nội thành.
Nhiều khó khăn
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, cho biết kế hoạch trên được thực hiện theo chương trình quốc gia phòng chống bệnh dại trên địa bàn thủ đô giai đoạn 2022-2030.
Theo ông Sơn, mặc dù chưa có quy định cụ thể và chính thức, lực lượng tham gia đội bắt chó thả rông thường sẽ gồm 6-8 người, bao gồm các thành phần bảo vệ tổ dân phố, dân quân, công an, y tế, nhân viên thú y, cán bộ chuyên trách…
Tần suất các đội hoạt động là khoảng 1-2 lần/tuần nhưng không có lịch cố định. Việc này nhằm tăng tính đột xuất để phát hiện, xử lý các vi phạm của chủ vật nuôi bao gồm không rọ mõm cho vật nuôi, không xích chó khi ra nơi công cộng, để chó vệ sinh bừa bãi và cắn người…
"Mục tiêu khi thành lập các đội bắt chó thả rông nhằm tuyên truyền các quy định của pháp luật đến chủ nuôi chó, mèo; ngăn chó dữ tấn công người, đồng thời xử phạt chủ vật nuôi nếu để chó ra đường không rọ mõm, phóng uế bừa bãi...", ông Sơn nói.
Theo đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, giai đoạn 2018-2019, nhiều quận nội thành từng triển khai mô hình các đội săn bắt chó thả rông và thu về kết quả tích cực. Người dân có ý thức hơn trong việc cho chó đeo rọ mõm và tiêm phòng bệnh dại cho vật nuôi.
Dù vậy, quá trình hoạt động, các đội gặp nhiều khó khăn như dụng cụ bắt chó chưa chuyên dụng, nhiều con chó to khi bị bắt đã gây thương tích cho tổ. Đồng thời, khi chưa xác minh được chủ của vật nuôi, phường sẽ phải quản lý cả việc nuôi nhốt, chăm sóc và thông báo để chủ nhân tới nhận chó.
Lý giải tình trạng nhiều người không cho chó đeo rọ mõm khi ra nơi công cộng, ông Sơn cho biết nguyên nhân khách quan đến từ việc nhiều con chó sẽ phản ứng nếu như bị đeo rọ, quấn xích. Còn nguyên nhân chủ quan là người nuôi không huấn luyện để con vật quen với việc đeo rọ mõm, cũng như không có ý thức về việc này.
Trước mắt, lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp để bảo vệ chính mình và những người xung quanh, đồng thời bảo vệ vật nuôi của mình bằng các bước: khai báo về vật nuôi với chính quyền địa phương, tiêm vaccine phòng dại, con vật phải được đeo rọ mõm và có người dắt ở nơi công cộng.
Thiếu kinh phí
Trước đó, vào năm 2018-2019, nhiều phường thuộc các quận Thanh Xuân và Ba Đình đã triển khai thí điểm mô hình bắt chó thả rông. Chó lang thang, không rọ mõm, không có chủ đi cùng ở những nơi công cộng sẽ bị bắt và mang về phường. Sau 48 tiếng, nếu không có chủ đến nhận và nộp phạt, chúng sẽ bị tiêu hủy.
Sau khi vật nuôi bị bắt, chủ nhân phải đến nộp phạt với mức 600.000-800.000 đồng. Những chú chó chưa được kiểm dịch phải bắt buộc tiêm phòng dại rồi mới được trả về.
Dù nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người dân, sau một thời gian hoạt động, các mô hình này phải tạm dừng. Một cán bộ trạm y tế quận Thanh Xuân cho biết việc thực hiện mô hình còn gặp nhiều khó khăn khi ngân sách tại các địa phương không nhiều, không đủ hỗ trợ trang thiết bị đầy đủ cho đội săn bắt.
Trong thời gian nuôi nhốt để chờ chủ đến đón về, địa phương cũng gặp những bất cập trong việc chăm sóc con vật. Phường không có nơi nhốt, giữ chó chuyên dụng mà chủ yếu cho vào lồng, rọ nên khó đảm bảo điều kiện sống, đặc biệt với chó cảnh.
Như vậy, nếu muốn triển khai đồng bộ các đội bắt chó thả rông và đạt mục tiêu quản lý được trên 90% số hộ nuôi chó, mèo và số chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022-2030, các phường, xã, thị trấn của Hà Nội cần đảm bảo được chi phí vận hành, cũng như đảm bảo an toàn cho các thành viên trong đội.