Gần 6000 giáo viên hoàn thành lớp bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học
Ngày 4/10, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết các lớp bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông Hà Nội.
Thực hiện Đề án “Bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội là đơn vị chủ trì, phối hợp với Sở GD&ĐT Hà Nội thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông trên địa bàn thành phố.
Trong quá trình xây dựng và thực hiện, Ban chuyên môn Đề án nhận được sự đồng hành của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học tâm huyết với Hà Nội. Đặc biệt, được sự phối hợp tích cực của Sở GD&ĐT Hà Nội, các phòng GD&ĐT trên địa bàn, các nhà trường, đợt bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên Hà Nội bước đầu đã gặt hái nhiều thành công.
Trong 3 tháng (tháng 7 đến tháng 10/2024), bằng linh hoạt các hình thức học tập (trực tiếp, trực tuyến, trải nghiệm), gần 6.000 học viên đã hoàn thành các lớp bồi dưỡng do Trường Đại học Thủ đô Hà Nội phối hợp với Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức.
Tham gia khóa bồi dưỡng, cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên đại trà được trang bị kiến thức cơ bản nhất về lịch sử, vùng đất, con người Hà Nội. Giáo viên dạy nội dung giáo dục địa phương được bồi dưỡng chuyên sâu hơn qua các chuyên đề về lịch sử, địa lý, dân cư tính cách người; văn hóa, làng nghề, danh nhân; di tích lịch sử, kinh tế của Hà Nội gắn với quy hoạch Thủ đô.
TS Đỗ Hồng Cường - Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đánh giá cao sự nghiêm túc và tinh thần học tập, nâng cao kiến thức của các thầy cô giáo; đồng thời nhấn mạnh, việc đưa môn Hà Nội học vào dạy trong các nhà trường có thành công hay không phần lớn nhờ vào sự chung tay của các nhà giáo Thủ đô, đặc biệt là từ đội ngũ các nhà giáo làm công tác quản lý tại các trường.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm) Nguyễn Diệu Ánh thay mặt các học viên chia sẻ, việc tổ chức lớp học theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến giúp các học viên chủ động, linh hoạt trong việc tiếp cận khóa học.
Các nội dung ở lớp bồi dưỡng giúp các nhà giáo nâng cao hiểu biết về lịch sử, văn hóa Hà Nội, đồng thời có thêm nhiều kỹ năng mới. Những trải nghiệm trong khóa học thời gian qua là một hành trình khám phá thú vị, ý nghĩa, giúp các nhà giáo không chỉ mở rộng kiến thức, kỹ năng mà còn nuôi dưỡng, lan tỏa tình yêu, niềm tự hào về mảnh đất Hà Nội nghìn năm văn hiến, góp phần gieo tình yêu Hà Nội với các thế hệ trẻ.
Tại lễ tổng kết, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội gửi lời tri ân các chuyên gia đã tích cực tham gia đề án; đồng thời trao thưởng cho hơn 200 học viên có nhiều thành tích xuất sắc trong đợt bồi dưỡng.