Gần 650 năm trước con người đã cách ly xã hội 40 ngày vì dịch bệnh

Thế kỷ XIV, quan chức y tế không có nhiều kiến thức về dịch bệnh nhưng họ đã ý thức được tầm quan trọng của việc khử trùng và cách ly. Nhờ đó hạn chế nhiều đại dịch lan rộng.

Con người đã bị dịch hạch tấn công 3 lần trong suốt 2.000 năm qua, khiến 200 triệu người tử vong. Theo National Geographic, dịch hạch lần đầu tiên được ghi nhận trên thế giới tại Justinian (Ai Cập) vào năm 541-542 sau Công nguyên. Sau đó, nó lan sang Palestine, đế chế Byzantine rồi lây tới Địa Trung Hải

Lần thứ hai nó quét qua châu Âu Trung cổ vào thế kỷ XIV và đại dịch thứ ba bắt đầu ở Trung Quốc vào thế kỷ XIX, sau đó lan sang châu Á, Mỹ.

Trong cuốn The Black Death 1346-1353: The Complete History, Ole Jørgen Benedictow ước tính 50-60% dân số châu Âu bị xóa sổ vì làn sóng "Cái chết Đen" thứ hai. Thời điểm đó, tất cả người dân và nhân viên y tế đều chưa có hiểu biết đầy đủ về virus. Tuy nhiên, họ đã thực hiện những biện pháp chống lây nhiễm từ sớm.

Luật cách ly đầu tiên của thế giới

Jane Stevens Crawshaw, giảng viên cao cấp về lịch sử châu Âu cận hiện đại của Đại học Oxford Brookes cho biết thời điểm xảy ra đại dịch cư dân trung cổ rất cẩn thận với hàng hóa khi mua bán vì bệnh có thể lây lan trên các bề mặt ngoài môi trường. Các cư dân tại Italy hạn chế tiếp xúc xã hội và áp dụng hình thức cách ly bệnh nhân.

Theo History, thành phố cảng Ragusa bên bờ biển Adriatic (nay là Dubrovnik của Croatia) là nơi đầu tiên thông qua luật yêu cầu cách ly bắt buộc với tất cả hành khách đến từ các tàu buôn và lữ hành để sàng lọc dịch bệnh.

Lệnh cách ly của Ragusa được đọc vào ngày 27/7/1377 do Hội đồng thành phố thông qua. Luật này quy định mọi hành khách đến từ vùng dịch hạch sẽ không được vào địa phận thành phố trừ khi họ chấp nhận cách ly một tháng trên đảo Mrkan hoặc thị trấn Cavtat.

 Bệnh dịch hạch ở Florence vào thế kỷ XIV theo mô tả của nhà văn Giovanni Boccaccio. Ảnh: Getty.

Bệnh dịch hạch ở Florence vào thế kỷ XIV theo mô tả của nhà văn Giovanni Boccaccio. Ảnh: Getty.

Theo cuốn Expelling the Plague: The Health Office and the Implementation of Quarantine in Dubrovnik, 1377-1533 (Tạm dịch: Đẩy lùi dịch hạch - Bộ Y tế và việc thực hiện cách ly tại Dubrovnik từ năm 1377-1533), tác giả Zlata Blazina Tomic miêu tả, Mrkan là một hòn đảo đá không có người lui tới ở phía nam thành phố Ragusa. Còn Cavtat nằm ở trạm cuối cùng trên con đường mà những người buôn bán dừng chân khi đi từ nơi khác vào đất liền.

Ý nghĩa của thời gian cách ly xã hội

Tác giả Tomic ghi chép rằng nhiều nhà sử học coi việc cách ly xã hội của Ragusa là một trong những thành tựu tiên tiến nhất của y học thời trung cổ.

Cụ thể, thông qua việc yêu cầu các thủy thủ, thương nhân khỏe mạnh cách ly trong 30 ngày, quan chức Ragusan đã thể hiện sự hiểu biết đáng chú ý về thời gian ủ bệnh dịch hạch thời điểm đó. Những người mới đến có thể không có triệu chứng. Vì vậy, họ được cách ly, theo dõi đủ lâu để kết luận có nhiễm virus hay không.

 Bức họa cuộc sống của người dân Italy vào thế kỷ 14 khi dịch hạch hoành hành. Bức tranh được vẽ dựa trên câu chuyện về Thánh Nicholas của Tolentino. Ảnh: Getty.

Bức họa cuộc sống của người dân Italy vào thế kỷ 14 khi dịch hạch hoành hành. Bức tranh được vẽ dựa trên câu chuyện về Thánh Nicholas của Tolentino. Ảnh: Getty.

Theo ghi chép của Stevens Crawshaw, trong lệnh cách ly quy định thời hạn yêu cầu không tiếp xúc với người khác là 30 ngày. Các bác sĩ và quan chức có quyền kéo dài hoặc rút ngắn cho phù hợp với hoàn cảnh.

Ở một số thành phố chọn mốc 40 ngày thay vì 30. Con số 40 mang ý nghĩa biểu tượng trong Kito giáo thời trung cổ.

Khi Chúa tới Trái Đất, trời mưa không ngừng nghỉ 40 ngày, đêm. Trong hoang địa, Chúa Jesu cũng nhịn ăn 40 ngày.

Nhà sử học Stevens Crawshaw lý giải quan niệm của cư dân trung cổ cho rằng 40 ngày đại diện cho thời gian thanh lọc, tẩy rửa. Khoảng thời gian này cũng được áp dụng vào các hoạt động y tế. Điển hình như sau khi sinh con, một người mẹ được nghỉ ngơi trong 40 ngày.

Chỉ cách ly xã hội không ngăn chặn được dịch bệnh

Ngay cả khi có luật cách ly mới, Ragusa vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch hạch vào năm 1391 và 1397. Điều này khó tránh khỏi bởi đây là một thành phố cảng lớn, buôn bán sầm uất.

Tuy nhiên, Stevens Crawshaw tin rằng việc đưa ra luật cách ly xã hội đã góp phần sắp xếp lại ý thức của cộng đồng dân cư.

Cách ly xã hội không phải công cụ duy nhất trong trận chiến với dịch hạch tại châu Âu.

Theo cuốn sách Plague Hospitals: Public Health for the City in Early Modern Venice của Stevens Crawshaw, ngoài việc áp dụng luật lệ cách ly Ragusa còn đạt được thành tựu đó là xây dựng bệnh viện dịch hạch đầu tiên trên thế giới. Cơ sở y tế được đặt tạm thời trên hòn đảo Mljet. Toàn bộ cơ sở vật chất và chi phí điều trị đều được nhà nước tài trợ. Sau này, bệnh viện được biết đến với tên gọi lazaretto (trạm kiểm dịch).

Theo ông Stevens Crawshaw, đây là mô hình y tế công cộng sớm nhất trên thế giới. Chính phủ Italy đã đầu tư một khoản tiền khổng lồ.

Những trạm kiểm dịch làm hai nhiệm vụ: Trung tâm điều trị y tế và cơ sở cách ly. Tại đây, toàn bộ bệnh nhân mắc dịch hạch sẽ được nhận thực phẩm tươi mỗi ngày, kèm theo giường sạch và hưởng phương pháp điều trị tăng cường sức khỏe. Toàn bộ đều miễn phí.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gan-650-nam-truoc-con-nguoi-da-cach-ly-xa-hoi-40-ngay-vi-dich-benh-post1069951.html