Gần 70.000 ký ức, kỷ niệm sâu sắc về thầy cô, mái trường mến yêu
Mỗi một tác phẩm dự thi là một câu chuyện, một ký ức, một kỷ niệm, cảm xúc đẹp và đáng trân trọng về hình ảnh người thầy.
Năm 2019 là năm thứ haiBộ GD&ĐT tổ chức cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu”; báo Giáo dục và Thời đại được giao là đơn vị thường trực tổ chức cuộc thi.
Tổng kết cuộc thi, ông Triệu Ngọc Lâm – Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại – cho biết: Cuộc thi năm nay nhận được số lượng bài tham gia rất lớn, gần 70.000 bài, tăng so với năm 2018 gần 10.000 bài dự thi.
Điều này cho thấy cuộc thi đã có sức sống, lan tỏa mạnh mẽ trong các nhà trường. Đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo độc giả, các tầng lớp nhân dân đối với nội dung của cuộc thi này.
Cuộc thi nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân: Từ trí thức, các nhà giáo, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đang công tác hoặc đã nghỉ hưu trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, đại học; các trường trong và ngoài công lập; các cán bộ, công chức, viên chức các ngành nghề khác nhau (luật sư, kỹ sư, doanh nhân, kế toán…); người lao động, các bà nội trợ…
Trong số các tác giả dự thi, phần lớn là các tác giả không chuyên, nhưng cũng có một số tác giả dự thi là nhà văn chuyên nghiệp hoặc hội viên Hội Văn học, nghệ thuật các tỉnh.
Một số địa phương, cơ sở giáo dục đã chủ động tổ chức cuộc thi cấp trường/cấp phòng/cấp sở; tổ chức chấm và chọn những bài chất lượng để gửi về Ban tổ chức cuộc thi. Nhiều cơ sở giáo dục có sự tham gia đông đủ của giáo viên và học sinh trong toàn trường.
Các địa phương đã triển khai cuộc thi tới cấp trường, cấp sở và có số lượng bài dự thi nhiều là: Hà Nội, Nam Định, Hà Giang, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bắc Kạn, Phú Thọ, Thừa Thiên-Huế…
Theo thể lệ của cuộc thi, các bài dự thi tập trung vào 2 chủ đề chính: Thầy cô giáo và mái trường mến yêu. Trong đó, phần nhiều là các tác phẩm viết về những kỷ niệm, tình cảm, cảm xúc về thầy cô giáo; hoặc có nhiều tác phẩm thể hiện những kỷ niệm, tình cảm, cảm xúc về mái trường gắn liền với hình ảnh của một hoặc một số thầy cô giáo cụ thể.
Ban Giám khảo cuộc thi đã lựa chọn được các tác phẩm tiêu biểu, đáp ứng yêu cầu của cuộc thi theo Thể lệ để trao các giải thưởng cá nhân, tập thể. Trong đó, nội dung của các tác được giải khá phong phú, đa dạng: tác phẩm viết về cơ sở giáo dục mầm non, THPT; viết về thầy cô giáo mầm non, phổ thông, giảng viên đại học; các thầy cô giáo đã nghỉ hưu, các thầy cô giáo trẻ mới vào nghề; có những thầy cô đã mất; có những thầy cô đã chuyển công tác…
Dù ở góc độ nào, hình ảnh của các thầy cô giáo, nhà trường được phản ánh trong các tác phẩm dự thi đều rất đẹp và đầy ắp tình thương mến.
Ban giám khảo cuộc thi đã chọn được 234 bài vào vòng Chấm chung khảo cuộc thi. Trên cơ sở kết quả chấm và ý kiến thống nhất của các thành viên Ban Giám khảo, kết quả cuộc thi như sau:
Tổng số giải: 14 giải, bao gồm 12 giải cá nhân và 2 tập thể. Cụ thể gồm: 2 giải tập thể; 1 giải nhất; 2 giải nhì; 3 giải ba; 6 giải khuyến khích.
Một trong những tác phẩm để lại dấu ấn đặc biệt là câu chuyện ghi lại kỷ niệm về người thầy giáo chủ nhiệm (đã mất) ở ngôi trường vùng cao tỉnh Lào Cai qua lời kể của mẹ. Câu chuyện là những ký ức dung dị, thân thương nhưng cũng đầy xúc cảm và giàu sức nhân văn, lan tỏa.
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng gửi lời chúc mừng đến các tập thể, cá nhân đoạt giải. Thứ trưởng đồng thời ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương Ban Tổ chức, Ban Giám khảo cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu” đã làm việc nghiêm túc, khách quan, công tâm; các tập thể, cá nhân đã nhiệt tình tham gia cuộc thi.
Khẳng định vị thế, vai trò vô cùng quan trọng của người thầy, theo Thứ trưởng, số bài dự thi lớn – gần 70.000 bài – thể hiện: Thầy cô và mái trường thực sự là một nguồn cảm hứng bất tận với người cầm bút. Trong số hơn 200 tác phẩm vào chung kết chỉ có rất ít tác phẩm được trao giải, thể hiện tính nghiêm túc, chất lượng của giải thưởng này.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cũng chính thức phát động cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu” năm 2020. Từ kinh nghiệm đã tổ chức, Thứ trưởng hy vọng cuộc thi năm sau sẽ có số lượng bài dự thi lớn hơn nữa, với nội dung phong phú hơn, đa dạng và sinh động hơn; cơ cấu giải thưởng phù hợp hơn, để cùng tri ân các thầy cô giáo, mái trường, tri ân nghề dạy học – nghề mà nói như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý.
Thầy giáo Nguyễn Phú Thành, giáo viên Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình – một trong những tác giả đoạt giải - chia sẻ:
“Viết về kỷ niệm thầy cô và mái trường mến yêu” là một cuộc thi mang đậm ý nghĩa nhân văn về truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt; nhắc nhở chúng ta ngày hôm nay, dù có đi bốn phương trời và trưởng thành tột bậc, cũng không thể quên những viên gạch đầu tiên lót bước cho ta chập chững bước vào ngôi nhà văn hóa nhân loại: Đó là thầy cô và mái trường. Ở đó, bên cạnh kho tàng kiến thức đồ sộ của khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, còn có cả những bài học về nhân cách, chứa chan tình người, thấm đẫm nhân văn, dạy ta cách làm người có ích cho gia đình và xã hội. Ở đó, có các thầy cô giáo dạy trò bằng tất cả tình yêu thương và dốc toàn bộ tâm huyết vì những thế hệ công dân có ích cho Tổ quốc cho Nhân dân.
Hưởng ứng cuộc thi “Viết về kỷ niệm thầy cô và mái trường mến yêu”, thầy Nguyễn Phú Thành mong rằng thông điệp nhân văn của cuộc thi sẽ ngày càng lan tỏa và có nhiều hơn nữa những bài viết hay về những người làm nghề giáo và về mái trường mến yêu.