Gần 718.000 ý kiến góp ý sửa Hiến pháp trong hệ thống MTTQ

Chiều 20-5, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá sơ bộ kết quả lấy ý kiến cho dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp trong hệ thống MTTQ Việt Nam.

Hội nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Hội nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Tổng hợp sơ bộ kết quả lấy ý kiến về dự thảo nghị quyết nêu, phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này ngắn gọn, chỉ tập trung vào 8/120 điều của Hiến pháp năm 2013 nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về sắp xếp cơ quan của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ; hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn.

Thống kê sơ bộ đã có 717.712 ý kiến góp ý trong hệ thống MTTQ vào các điều khoản được sửa đổi, bổ sung tại dự thảo nghị quyết. Đa số ý kiến đều thống nhất cao về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và mong muốn những điểm mới trong dự thảo nghị quyết sẽ phục vụ đắc lực cho tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam, cũng như chủ trương xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp.

Đa số ý kiến thống nhất và tán thành cao nội dung sửa đổi đã khẳng định rõ hơn vị thế của MTTQ Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; bổ sung quy định các tổ chức chính trị - xã hội “trực thuộc” MTTQ Việt Nam có tính đột phá, phù hợp với chủ trương, nghị quyết của Đảng trong giai đoạn hiện nay.

Liên quan tổ chức chính quyền địa phương, đa số ý kiến thống nhất với các nội dung sửa đổi, bổ sung tại dự thảo nghị quyết; đã bảo đảm phù hợp với chủ trương sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện.

Bên cạnh đó, các ý kiến đề nghị quy định rõ đơn vị hành chính 3 cấp Trung ương, tỉnh, xã/phường tương tự Điều 110 Hiến pháp năm 2013, không nên sử dụng cụm từ "dưới tỉnh" trong "các đơn vị hành chính dưới tỉnh"; đề nghị giữ lại quyền chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, để đảm bảo quyền giám sát của nhân dân.

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ tổng hợp đầy đủ và gửi đến Chính phủ, Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 để nghiên cứu, xem xét trước khi trình Quốc hội thông qua.

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/gan-718000-y-kien-gop-y-sua-hien-phap-trong-he-thong-mttq-post796096.html