Gần 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Đức không có ý định rời khỏi thị trường
Theo phóng viên TTXVN tại CHLB Đức, mặc dù có nhiều phàn nàn về môi trường kinh doanh, song phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Đức vẫn quyết tâm gắn bó với thị trường này.
Khảo sát công bố ngày 4/2 do Ngân hàng DZ tiến hành với hơn 1.000 công ty cỡ vừa cho thấy gần 80% công ty vừa và nhỏ ở Đức không có kế hoạch rời khỏi thị trường nước này. Cụ thể, chỉ 8% số công ty có thể chuyển toàn bộ cơ sở ra nước ngoài và 5% cho rằng có thể chuyển trụ sở chính khỏi Đức.
Ông Stefan Beismann, người đứng đầu bộ phận khách hàng doanh nghiệp tại DZ Bank, cho biết: “Đức vẫn là địa điểm ưa chuộng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng không phải là vô điều kiện. Nhiều công ty cỡ vừa sẽ đủ linh hoạt để tập trung nhiều hơn vào thị trường nước ngoài nếu tình hình ở Đức tiếp tục xấu đi”.
Đối với khoảng 13% công ty cỡ vừa, việc di dời từng phòng ban ra nước ngoài là điều đáng cân nhắc trong trường hợp cần thiết, đặc biệt khi chi phí cao hoặc gặp trở ngại về thủ tục hành chính phức tạp. Theo khảo sát, trong ngành công nghiệp hóa chất, vốn phụ thuộc nhiều vào chi phí năng lượng, hơn 1/5 số công ty đang cân nhắc đến bước chuyển đổi này.
Các công ty lớn có doanh thu hàng năm từ 50 triệu euro (51,6 triệu USD) trở lên có xu hướng sẵn sàng dịch chuyển ra nước ngoài nhiều hơn.
Các hiệp hội vận động hành lang đang kêu gọi Chính phủ liên bang đưa ra những thay đổi nhằm thúc đẩy tăng trưởng, chẳng hạn như cung cấp nhiều ưu đãi đầu tư, giảm chi phí năng lượng, giảm thuế và đơn giản hóa thủ tục hành chính. Nền kinh tế Đức đã có sự suy giảm trong năm 2023 và 2024, dự báo sẽ chỉ chứng kiến mức tăng trưởng nhẹ trong năm nay.
Khảo sát cũng cho thấy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đánh giá môi trường kinh doanh ở Đức ở mức trung bình. Cơ sở hạ tầng Internet được đánh giá 3,5 trên thang điểm từ 1 đến 6, trong khi bảo mật trong kế hoạch đầu tư - yếu tố quan trọng đối với nhiều công ty, chỉ đạt 3,3 điểm. Xét về tổng thể, Đức chỉ nhận được điểm trung bình là 3,0.
Chính phủ Đức nhận được đánh giá thấp từ các công ty vừa và nhỏ, với điểm số 4,4 cho hiệu quả công tác của chính phủ, trong khi mức độ số hóa chỉ đạt 4,5 điểm.