Gắn bảo tồn văn hóa các dân tộc với phát triển du lịch ở Lai Châu
Lai Châu là tỉnh vùng cao biên giới nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Là vùng đất có lịch sử văn hóa lâu đời, nơi hội tụ của 20 dân tộc cùng chung sống, mỗi dân tộc đều có nét văn hóa đặc trưng riêng, tạo nên một bức tranh văn hóa muôn màu ở Lai Châu.
Hiện tỉnh Lai Châu có 5 Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Nghệ thuật múa xòe, trò chơi kéo co của dân tộc Thái, lễ Tủ cải của đồng bào dân tộc Dao, lễ hội Gầu Tào của người Mông, nghề dệt thổ cẩm dân tộc Lự. Bên cạnh đó, di sản hát then của dân tộc Thái đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nghệ thuật múa xòe đang được trình UNESCO công nhận.
Văn nghệ dân gian trên địa bàn tỉnh Lai Châu được phục dựng, giữ gìn, đóng góp lớn cho các hoạt động quảng bá, phục vụ du lịch. Điển hình như: Lễ cúng Thánh thạch của người Hà Nhì, lễ mừng cơm mới của người Si La, lễ hội Hạn khuống và lễ hội nàng Han của đồng bào Thái, lễ hội Xên Mường; Tết của người Hà Nhì, nghề thủ công đan lát, chạm, mộc, rèn, dệt và các trò chơi dân gian kéo co, tung còn, ném pao, đu lăng…
Với văn hóa truyền thống phong phú, đa dạng, độc đáo, giàu bản sắc đã mở ra tiềm năng, lợi thế lớn cho phát triển du lịch văn hóa tỉnh Lai Châu. Hiện, Lai Châu có các bản văn hóa du lịch cộng đồng tiêu biểu như: Bản Vàng Pheo, xã Mường So và bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ); bản Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu (huyện Tam Đường), bản San Thàng, xã San Thàng (thành phố Lai Châu)... Các điểm du lịch cộng đồng này thường xuyên duy trì hoạt động văn nghệ, sinh hoạt văn hóa dân gian và từng bước tạo nên các sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút khách tham quan, tìm hiểu.
Bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ hiện có 135 hộ gia đình với 702 nhân khẩu và 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Ông Vàng A Chỉnh, Trưởng bản Sin Suối Hồ cho biết: Tận dụng tiềm năng, lợi thế, bản sắc văn hóa dân tộc Mông, bản đã xây dựng nhiều sản phẩm phục vụ khách du lịch. Đến nay, bản có 20 hộ làm du lịch cộng đồng và Hợp tác xã Trái tim đáp ứng từ 300 - 400 khách du lịch, với giá 100.000 đồng/khách/đêm.
Năm 2015, bản Sin Suối Hồ được UBND tỉnh Lai Châu công nhận là bản du lịch cộng đồng. Nhờ có du lịch, đời sống của người dân trong bản ngày được cải thiện. Bản Sin Suối Hồ hiện đang chú trọng đến du lịch trải nghiệm, hướng du khách trải nghiệm về những phong tục độc đáo của người Mông trong lễ hội, lễ cưới, sinh hoạt hằng ngày.
Xác định việc quản lý, bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ quan trọng, tỉnh Lai Châu đã triển khai có hiệu quả công tác bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn theo từng giai đoạn. Theo đó, Lai Châu đã tổ chức 26 lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể các dân tộc và khóa tập huấn kỹ năng nghề du lịch; phục dựng, bảo tồn 16 lễ hội tiêu biểu và duy trì thường niên 40 lễ hội hàng năm. Đồng thời, tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái ở các huyện Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai), huyện Mai Châu (Hòa Bình), huyện Mộc Châu (Sơn La)…
Ông Trần Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịchLai Châu cho biết, nhằm thực hiện hiệu quả công tác phát triển du lịch, Sở tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh Lai Châu tập trung phát huy tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc để phát triển sản phẩm du lịch. Lai Châu mở rộng liên kết, hợp tác với các trung tâm du lịch lớn, thu hút thị trường khách quốc tế; tiếp tục quan tâm có chính sách ưu đãi, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đơn vị lữ hành khai thác sản phẩm văn hóa độc đáo của tỉnh.
Cùng đó, tỉnh tăng cường đổi mới nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch. Đặc biệt, tập trung xây dựng, triển khai Đề án “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng năm 2030".