Gắn chuyển đổi số với thực hiện giảm nghèo về thông tin
Thiếu hụt thông tin là một trong những chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản trong bộ tiêu chí nghèo đa chiều. Thời gian qua, để giảm nghèo về thông tin, UBND tỉnh đã quan tâm đầu tư về dịch vụ viễn thông, internet, ứng dụng công nghệ thông tin gắn với thực hiện các nhiệm vụ giảm nghèo.
Hiện toàn tỉnh có 215 điểm cung cấp dịch vụ bưu chính, trong đó 88 bưu cục cấp 2 và 3; 1 bưu cục Hệ 1; 109/125 xã, phường có điểm Bưu điệnVăn hóa xã; 6 đại lý chuyển phát; 3 văn phòng đại diện; 101/125 xã, phường, thị trấn và 9/10 huyện, thị xã, thành phố có báo đến trong ngày. Mạng lưới bưu chính được đầu tư nâng cấp, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân.
Các điểm cung cấp dịch vụ bưu chính công cộng đã cung ứng các dịch vụ bưu chính công ích phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền, địa phương và nhu cầu trao đổi thông tin liên lạc, sử dụng dịch vụ bưu chính của Nhân dân trên địa bàn. Đồng thời, các điểm cung cấp dịch vụ bưu chính công cộng đã phục vụ miễn phí người dân đọc sách, báo, tạp chí điện tử; cung cấp dịch vụ phục vụ truy nhập internet băng rộng để người dân khai thác các thông tin thiết yếu, sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông, trên địa bàn tỉnh có 3 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet gồm: Viễn thông Quảng Trị, Viettel Quảng Trị và Chi nhánh FPT Quảng Trị; có 6 doanh nghiệp viễn thông đang hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông bao gồm: Viễn thông Quảng Trị (VNPT), Viễn thông Quân đội (Viettel), MobiFone, Công ty Cổ phần Viễn thông Hà Nội (Vietnamobile), Công ty Cổ phần Viễn thông FPT, Truyền hình cáp Saigontourist (SCTV).
Đến nay, mạng internet băng rộng cố định đã tới trung tâm 125/125 xã, phường, thị trấn về các thôn, bản, khu phố đạt 86%. Tỉ lệ hạ tầng phủ sóng di động theo thôn, bản, khu phố (2G, 3G, 4G) đạt 97,6%, trong đó 3G và 4G đạt 97%. Các doanh nghiệp đang thực hiện lộ trình tắt dần các công nghệ cũ 2G, 3G đối với một số trạm BTS để nâng cấp công nghệ 4G, 5G.
Nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) đã được triển khai tại địa chỉ http://truclienthong. quangtri.gov.vn/ihorae, đã chia sẻ và tích hợp với trục liên thông văn bản quốc gia (VDXP); kết nối liên thông với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) để chia sẻ các dịch vụ về hộ tịch tư pháp, lý lịch tư pháp, cơ sở dữ liệu đăng ký doanh nghiệp, VNPost, danh mục dùng chung, cấp mã số cho các đơn vị có quan hệ với ngân sách...
Để giúp người dân sớm tiếp cận với môi trường số, sử dụng các nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số, tỉnh đã thành lập “Tổ công nghệ số cộng đồng” với mục tiêu mỗi thôn/tổ dân phố thành lập một “Tổ công nghệ số cộng đồng”. Toàn tỉnh đã thành lập 115 tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã và 715 tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn với tổng số 4.327 thành viên.
Các tổ công nghệ số cộng đồng đang tích cực hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh, thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công, tham gia thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần giảm nghèo về thông tin.
Trong công tác giảm nghèo về thông tin, hệ thống truyền thanh cơ sở được xem là loại hình thông tin chủ lực, kênh thông tin, tuyên truyền có diện phủ sóng rộng nhất, đưa thông tin trực tiếp và nhanh nhất đến với đông đảo người dân. Qua đài truyền thanh cơ sở, người dân tiếp cận các thông tin chính thống về kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần quan trọng trong việc ổn định chính trị, quốc phòng- an ninh và phát triển kinh tế - xã hội.
Với những đặc điểm tối ưu của hệ thống truyền thanh sử dụng công nghệ thông minh IP nhằm rút ngắn về khoảng cách, thúc đẩy nhu cầu thụ hưởng thông tin, tuyên truyền giữa các vùng, khu vực trên địa bàn tỉnh, ngày 30/8/2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 117/NQ-HĐND với tổng mức đầu tư gần 15 tỉ đồng.
Đến nay, 10/10 hệ thống truyền thanh cấp huyện đã được đầu tư lắp đặt, sử dụng công nghệ thông minh IP, chủ động xây dựng các chương trình phát thanh phù hợp với đặc điểm của địa phương mình, phát trên hệ thống loa truyền thanh của cơ sở để tuyên truyền đến đông đảo Nhân dân về công tác giảm nghèo và an sinh xã hội, nhằm nâng cao nhận thức giảm nghèo đối với người nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo.
Xác định đẩy mạnh chuyển đổi số sẽ nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo thời gian tới, vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược về chuyển đổi số giai đoạn 2023-2027 với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel).
Theo đó, Tập đoàn Viettel sẽ hỗ trợ tỉnh phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, mở rộng vùng băng rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, trong đó ưu tiên phủ sóng 3G/4G đối với các vùng “trắng sóng”, vùng “lõm” sóng tại các thôn, bản trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ, phát triển 5G tại các địa bàn trọng yếu, đủ điều kiện triển khai; hỗ trợ phổ cập điện thoại thông minh giá rẻ cho người dân trên địa bàn tỉnh đảm bảo 100% người dân trưởng thành có điện thoại thông minh, 100% hộ gia đình có điện thoại thông minh và có kết nối internet băng rộng...
Chuyển đổi số đang đi sâu vào cuộc sống và tạo ra những cơ hội mới cho người dân. Việc hỗ trợ người nghèo sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet, ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp người nghèo, hộ nghèo chủ động hơn trong tiếp cận chính sách, học hỏi kinh nghiệm để vươn lên thoát nghèo bền vững, làm chủ cuộc sống và được tiếp nhận mọi dịch vụ công bằng, bình đẳng theo phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.