Gần gũi với những bài học thuộc lòng xưa cũ
Bộ sách góp nhặt những 'bổn cũ' thời gian 1955-1975, là những bài thơ dạy trẻ em cấp tiểu, trung học dễ nhớ, dễ thuộc, có ý nghĩa giáo dục gần gũi.
Trên cơ sở Bổn cũ soạn lại - Những bài học thuộc lòng tập đầu tiên được xuất bản năm 2019, mới đây, tập 2 và tập 3 nối tiếp thành bộ sách hoàn chỉnh được Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM ấn hành. Sách do Trần Văn Chánh sưu tầm và giới thiệu.
Bộ sách tập hợp, chọn lọc từ nội dung của những bài thơ đã được in trong các SGK cũ thời gian 1955-1975. Điểm chung dễ nhận thấy là những bài thơ này có ý nghĩa giáo dục học sinh tiểu, trung học độ tuổi 6-14 một cách trong sáng, dễ nhớ, dễ thuộc.
Để tiện cho các em nhỏ khi đọc sách, người sưu tầm đã thực hiện việc phân loại nội dung theo bậc lớp, lứa tuổi. Với 865 bài thơ được sưu tầm, bộ sách tạo nên sự phong phú về nội dung nhiều lĩnh vực giúp độc giả nhỏ tuổi thoải mái trong lựa chọn.
Chủ đề của các bài thơ được sưu tầm cũng thực sự phong phú, đa dạng với mẫu số chung là tính giáo dục cao, dẫu đã ra đời cách ngày nay ít nhất 50 năm. Chẳng hạn đọc bài Hàng nội hóa, thấy được ở đó sự cổ động cho tinh thần "người Việt dùng hàng Việt" ngay từ trẻ em:
"Nước nhà chẳng thiếu thứ gì, / Tân Châu, Cao Lãnh, chuyên nghề tằm tang. / Tạo nên đủ các thứ hàng, / Vân, sa cẩm tú mịn màng chắc tay. / Mỹ a, lãnh, gấm đẹp thay, / Hàng Tàu, hàng Nhựt, hàng Tây nào bằng. / Đồ dùng nội hóa hàng năm, / Đồng tiền vẫn được lưu thông nước nhà. / Bây giờ ta hãy giúp ta, / Giúp cho công nghệ nước nhà Việt Nam".
Non sông gấm vóc nước nhà cũng hiện lên thật đẹp trong nhiều bài thơ được Bổn cũ soạn lại - Những bài học thuộc lòng sưu tầm. "Ba mươi sáu tỉnh chạy dài, / Năm trăm phủ huyện trong ngoài hai kinh. / Thăng Long là đất Hà thành, / Lý, Trần, Lê đóng triều đình ở đây..." (bài Địa dư nước Nam của Dương Bá Trạc); "Đường vô xứ Huế quanh quanh, / Non xanh nước biếc như tranh họa đồ. / Yêu em anh cứ anh vô, / Kệ truông nhà Hồ, mặc phá Tam Giang. / Xe hơi đã tới đèo Ngang, / Ấy qua Hà Tĩnh, đường sang Quảng Bình" (Tản Đà vận văn, tập I)...
Lịch sử hào hùng của dân tộc, được tái hiện trong nhiều bài thơ về nhân vật, sự kiện. Đó có thể là Hưng Đạo vương phá giặc Nguyên, Việt Nam anh dũng, là Hai Bà Trưng, Ông Hoàng Diệu tuẫn tiết... Xúc động biết bao với những dòng thơ về chiến thắng của Quang Trung trong Tết Kỷ Dậu 1789: "Đoàn quân giải phóng tràn xô đến, / Ngựa thét lừng mây, súng đổ thành. / Sĩ Nghị, nửa đêm quăng ấn tín, / Mình không gươm, giáp, chạy về Thanh". (bài Xuân Kỷ Dậu).
Những bài thơ Gọi dạ bảo vâng, Đi học đúng giờ, Gia đình em... giúp trẻ hiểu về cách cư xử, việc làm đúng. Hoặc Một bức họa, Tiếng Nam, Chợ làng tôi... giúp độc giả nhỏ tuổi sự cảm thụ cảnh quan, tình yêu với vốn văn hóa truyền thống dân tộc.
Bổn cũ soạn lại cũng có những bài thơ dành cho tình yêu sách vở. Sách thơm mùi giấy mới như phảng phất đâu đây qua những vần thơ "Bước vào trong, sát tường đầy những sách, / Trên kệ cao, lớp lớp sắp ngay hàng. / Bìa lộng lẫy như vui mừng đón khách, / Mùi thơm thơm giấy mới đọng từng trang (bài Tiệm sách).
Không chỉ dành cho trẻ nhỏ, bộ sách cũng là dịp để những người trưởng thành nhớ lại một thời cắp sách tới trường, những bài giảng của thầy cô một thuở mà với sự chảy trôi của thời gian, của nhịp sống hối hả, đã làm cho ký ức tuổi học trò bị lãng quên đâu đó, nay sống dậy bồi hồi.
Như GS Nguyễn Văn Tuấn, người thành danh trên đường học thuật, khi đọc bộ sách này đã tỏ ra tâm đắc: "đó là những bài thơ mà thế hệ chúng tôi học thuộc lòng. Theo thời gian, những người thuộc thế hệ tôi không còn nhớ bao nhiêu, nên tuyển tập này là một gợi nhớ đến kỷ niệm của một thời còn cắp sách đến trường".
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gan-gui-voi-nhung-bai-hoc-thuoc-long-xua-cu-post1430742.html