'Gắn kết' ASEAN 2020 thách thức nhiệm kỳ Chủ tịch của Việt Nam

Bài viết trên tờ The Jakarta Post của Indonesia ngày 4/12 nhận định, năm 2020 sẽ là một năm đầy thách thức đối với sự thống nhất của ASEAN khi khối phải đối mặt với những 'cơn gió ngược' kinh tế toàn cầu và một Trung Quốc quyết đoán hơn.

Việt Nam đủ tự tin để thực hiện nhiệm vụ của mình với tư cách là Chủ tịch ASEAN. (Nguồn: Reuters)

Hướng tới một ASEAN “gắn kết và nhạy bén”

Theo chuyên gia quan hệ quốc tế Aleksius Jemadu của Đại học Pelita Harapan, Hà Nội đang thúc đẩy một tổ chức ASEAN “gắn kết và nhạy bén hơn” vào năm tới, tạo “đà” cho một giải pháp về cuộc tranh chấp kéo dài hàng thập kỷ ở Biển Đông.

Một ASEAN gắn kết hơn sẽ đóng vai trò là nền tảng để Việt Nam gia tăng sức mạnh thương lượng trong các cuộc đàm phán về dự thảo cuối cùng của Bộ quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông, hiện đang được các nước ASEAN và Trung Quốc đàm phán.

COC là một bộ các quy tắc và hướng dẫn sẽ chi phối các hoạt động ở Biển Đông. COC được coi là một công cụ hiệu quả hơn để bảo đảm hòa bình so với Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Phát biểu trong cuộc thảo luận do Trung tâm Habibie tổ chức tại Jakarta ngày 3/12, ông Aleksius Jemadu nói: “Việt Nam cam kết hợp tác khu vực và coi đây là nền tảng quan trọng để đối phó với các cường quốc. Việt Nam sẽ làm hết sức vì một nhiệm kỳ Chủ tịch thành công trong việc giải quyết các mối lo ngại địa chính trị mà một phần là do sự trỗi dậy của Trung Quốc”.

Việt Nam chính thức công bố kế hoạch cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 tại Bangkok vào tháng trước. Trong bài phát biểu tại buổi lễ bàn giao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc công bố chủ đề Năm ASEAN 2020 là “Gắn kết và chủ động hội nhập”.

Nhà phân tích Aleksius cho rằng, chủ đề Việt Nam cho năm tới cho thấy ý định khôi phục sự thống nhất trong ASEAN trước sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Ông cũng lưu ý đến ảnh hưởng mạnh mẽ của Trung Quốc về kinh tế đối với các nước láng giềng Campuchia và Lào. Theo truyền thống, nước đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN sẽ thể hiện sự kiềm chế và đặt lợi ích của khu vực lên trên lợi ích của nước mình.

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-Ocha trao búa Chủ tịch ASEAN cho Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ Bế mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 ở Bangkok, Thái Lan, ngày 4/11. (Nguồn: Reuters)

Việt Nam đủ tự tin

Đứng trước những thách thức, Giáo sư quan hệ quốc tế Teuku Rezasyah của Đại học Padjadjaran cho rằng Việt Nam đủ tự tin để thực hiện nhiệm vụ của mình với tư cách là Chủ tịch ASEAN vì Việt Nam có hệ thống chính trị ổn định và có nền kinh tế cạnh tranh.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chậm lại, Việt Nam đang nổi lên như một ngoại lệ trong số các nền kinh tế đang phát triển của châu Á, vượt qua thành công những “luồng gió ngược” kinh tế vốn đã mạnh lại càng mạnh hơn khi cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ chưa đến hồi kết.

Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), năm 2018, Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng 7% GDP, vượt xa các nước trong ASEAN. Đây là mức cao hơn nhiều so với mức trung bình của khu vực là 4%. Ngân hàng Thế giới dự báo, trong trung hạn, triển vọng kinh tế của Việt Nam sẽ vẫn tích cực ngay cả khi triển vọng của các nền kinh tế khác như Indonesia, bị cắt giảm.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng khẳng định, trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ thúc đẩy 5 ưu tiên gồm:

Một là, phát huy vai trò và đóng góp tích cực của ASEAN vào công cuộc duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực trên cơ sở tăng cường đoàn kết, thống nhất ASEAN; đẩy mạnh tinh thần gắn bó, tương trợ và ủng hộ lẫn nhau giữa các nước thành viên;

Nâng cao khả năng phối hợp lập trường chung của ASEAN trong việc xử lý các vấn đề khu vực và quốc tế; thúc đẩy hình thành và tuân thủ các quy tắc, chuẩn mực ứng xử chung trong quan hệ giữa các quốc gia; ứng phó kịp thời, hiệu quả với các thách thức đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

Hai là, thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0, theo đó liên kết kinh tế sâu rộng và kết nối toàn diện trong nội khối và với các Đối tác; thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội trên nền tảng đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ số và các công nghệ mới;

Tiếp tục nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển; xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường các dịch vụ xã hội phục vụ người dân và nhóm yếu thế; hiện đại hóa nền hành chính công; xây dựng môi trường xanh...

Ba là, thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN: tạo dựng các giá trị chung của ASEAN và phổ biến rộng rãi trong người dân, thúc đẩy nhận thức và nhận diện về Cộng đồng ASEAN thống nhất trong đa dạng, nâng cao hình ảnh của Cộng đồng ASEAN trong khu vực và trên thế giới.

Bốn là, đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững với các nước trên thế giới, phát huy vai trò và đóng góp của ASEAN trong cộng đồng quốc tế; mở rộng và nâng tầm quan hệ với các Đối tác trên toàn cầu, góp phần định hình cấu trúc và luật chơi mới của khu vực và thế giới.

Năm là, nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN cải tiến thể chế, tăng cường bộ máy hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN; điều chỉnh, hoàn thiện và nâng cấp các quy trình, quy chuẩn trong ASEAN.

(theo The Jakarta Post)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/gan-ket-asean-2020-thach-thuc-nhiem-ky-chu-tich-cua-viet-nam-105655.html