'Gắn kết, chia sẻ và lan tỏa giá trị nhân văn'
Sáng 24/6, tại thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã diễn ra diễn đàn “Gắn kết, chia sẻ và lan tỏa giá trị nhân văn”. Diễn đàn nhằm sẻ chia những cách làm hay, kinh nghiệm quý trong công tác thiện nguyện, để có thể nối dài những yêu thương đến với cộng đồng do 3 báo: Hànôịmới – Thừa Thiên Huế – Sài Gòn Giải phóng tổ chức.
Trong những năm qua, bằng sự kết nối và chia sẻ, Báo Hànôịmới - Báo Thừa Thiên Huế - Báo Sài Gòn Giải phóng cũng như các cơ quan báo chí khác đã âm thầm, lặng lẽ đến với những hoàn cảnh khó khăn. Riêng với 3 báo kết nghĩa, ngoài những chương trình riêng, các báo cùng đồng hành trên con đường thiện nguyện.
Tại diễn đàn, bằng nhiều hình thức khác nhau, tham luận đúc kết, định hướng công tác xã hội 3 báo: Hànôịmới - Thừa Thiên Huế - Sài Gòn Giải phóng đã thể hiện tổng thể quá trình sẻ chia, hướng đến cộng đồng của lãnh đạo, cán bộ, phóng viên của 3 báo.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, đối với Báo Thừa Thiên Huế, từ những nguồn vận động được, báo đã biến ước mơ có một ngôi nhà kiên cố của nhiều người dân có hoàn cảnh đáng thương thành hiện thực. Báo kết nối để có hàng nghìn phần quà cho người dân nghèo khó ở vùng sâu, vùng xa, vùng bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai bão lũ; đồng thời làm cầu nối để cho không ít số phận nghiệt ngã vì bệnh tật hiểm nghèo có thêm điều kiện điều trị và cơ hội để xoa dịu nỗi đau, phục hồi sức khỏe…
Dù vậy, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh cũng cho biết những khó khăn khi vận động nguồn lực để thực hiện công tác an sinh xã hội. Điển hình là việc các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức, cơ sở sản xuất và ngay cả người dân vẫn chưa ra khỏi những khó khăn sau đại dịch; lạm phát chung của thế giới tác động đến nền kinh tế xã hội. Cán cân tiêu dùng cũng hạn hẹp lại…
Trong tham luận của Báo Hànôịmới, Tổng Biên tập Nguyễn Minh Đức nêu rõ quá trình huy động nguồn lực từ tập thể cán bộ, phóng viên, nhân viên và sử dụng vị thế, uy tín của một tờ báo lớn để vận động, kết nối các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có tấm lòng nhân ái cùng tham gia.
Ông Đức nhấn mạnh đến Quỹ Trái tim nhân ái của Báo Hànôịmới đã giúp nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo, nhiều sinh viên khuyết tật trở thành giáo viên, kỹ sư, chủ cơ sở sản xuất... Những món quà nghĩa tình của Quỹ Trái tim nhân ái không chỉ giới hạn trong nước mà còn đến với cả bạn bè quốc tế…
Từ những thành công của Báo Hànôịmới, để thực hiện tốt các hoạt động xã hội, từ thiện, ông Đức cho rằng, cần phải thực hiện đồng thời nhiều biện pháp, đáng chú ý là cần tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của đông đảo tầng lớp Nhân dân về vai trò của công tác nhân đạo, từ thiện; nhanh chóng phát hiện kịp thời những hoàn cảnh khó khăn, yếu thế cần giúp đỡ trong xã hội; đồng thời chú trọng hoạt động tôn vinh, biểu dương các cá nhân, đơn vị đã đồng hành; tăng cường công tác đối ngoại nhằm huy động sự vào cuộc mạnh mẽ, sự ủng hộ về mọi mặt từ vật chất đến tinh thần của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân trong xã hội…
Đối với Báo Sài Gòn Giải phóng, công tác xã hội được xác định là một trong ba chân kiềng cùng với hoạt động kinh tế báo chí và nhiệm vụ quan trọng nhất của báo Đảng ở thành phố đầu tàu của cả nước là hoạt động xuất bản – thông tin tuyên truyền.
Năm 2021, trước tình hình dịch bệnh căng thẳng, Báo Sài Gòn Giải phóng đã nhanh chóng triển khai hiệu quả một số chương trình hỗ trợ người lao động, bà con nghèo vượt qua đại dịch COVID-19, tạo được dấu ấn trong lòng người dân thành phố. Cụ thể như, chương trình Xe gạo nghĩa tình, Một gia đình trợ giúp một gia đình, Đồng hành vượt cạn…
Không chỉ 3 báo kết nghĩa, diễn đàn còn ghi nhận nhiều chia sẻ, góp ý của các cơ quan báo chí khác trong cả nước. Trong đó, đáng chú ý là mô hình Ly cà phê yêu thương của Báo Đà Nẵng; chương trình kết nối các địa phương để cùng chung tay chia sẻ với cộng đồng của Báo Quảng Trị hay chương trình Đồng hành cùng ngư dân của Báo Khánh Hòa…
Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng Nguyễn Đức Nam: Kết nối đội ngũ người làm báo cùng chung tay
Nói về các hoạt động xã hội, Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng Nguyễn Đức Nam cho rằng, việc kết nối đội ngũ phóng viên, biên tập viên, các hội viên Hội Nhà báo Việt Nam đang công tác tại các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương để cùng chung tay thực hiện sẽ giúp các hoạt động thiết thực hơn, hiệu quả hơn.
Ông Nam chia sẻ về Chương trình “Ly cafe yêu thương” do Hội Nhà báo TP. Đà Nẵng tổ chức như là một điểm nhấn trong việc kết nối các tấm lòng thiện nguyện. Chương trình này đã trở thành điểm hẹn ấm áp ân tình của đội ngũ những người làm báo tại Đà Nẵng với cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các cơ quan, ban, ngành thành phố. “Chúng tôi thực sự xúc động và biết ơn khi chương trình nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng của các hội viên Hội nhà báo trên địa bàn Đà Nẵng và rất nhiều các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân. Chương trình đã chia sẻ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh, phóng viên, hội viên nhà báo gặp khó khăn trong cuộc sống; tiếp sức học sinh đến trường”, ông Nam bày tỏ.
Tổng Biên tập Báo Khánh Hòa Thái Thị Lệ Hằng: Bám sát tình hình thực tiễn ở địa phương
Trước khi chia sẻ những kinh nghiệm về công tác xã hội, bà Hằng xúc động nhớ về những chuyến thiện nguyện tại nhiều địa phương, trong đó có huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế.
Theo Tổng Biên tập Báo Khánh Hòa, công tác an sinh xã hội cần có tính tập thể, những phần quà dù lớn hay nhỏ được kết nối và tự tay cán bộ, phóng viên trao đến người dân cần giúp đỡ sẽ trở nên ý nghĩa hơn.
Bà Hằng cũng chia sẻ câu chuyện từ thực tiễn tại Khánh Hòa. Trong 10 năm qua, Báo Khánh Hòa đã cũng các đơn vị tài trợ xây mới 17 căn nhà cho người nghèo ở địa phương, trong đó chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2023 là 7 căn. Cùng với đó, Báo Khánh Hòa đã cùng với các đơn vị tài trợ, mạnh thường quân trên địa bàn tỉnh tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện trị giá hàng tỷ đồng như: gần 3 tỷ đồng được vận động để ủng hộ người dân gặp khó khăn do Covid-19; hàng nghìn phần quà đã được trao tặng đến tận tay người nghèo, những hoàn cảnh khó khăn...
Mới đây nhất, chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”, một trong những hoạt động Báo Khánh Hòa phối hợp với Sanvinest Khánh Hòa, Hội Nghề cá Khánh Hòa thực hiện, vừa cụ thể hóa chương trình hành động của Đảng bộ Báo Khánh Hòa, vừa sát cánh với ngư dân trong tỉnh vươn khơi, bám biển, khai thác tiềm năng kinh tế biển của tỉnh, góp phần tạo nguồn nhân lực cho tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị và khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Từ chương trình này, nhiều sinh viên là con, cháu ngư dân đang theo học tại các trường đại học trong và ngoài tỉnh được nhận học bổng. Tuy hoàn cảnh kinh tế gia đình rất khó khăn nhưng các em vẫn nỗ lực học tập, tranh thủ thời gian đi làm thêm để có thêm thu nhập, theo đuổi giấc mơ đại học.
Tổng Biên tập Báo Quảng Trị Trương Đức Minh Tứ: Thiện nguyện là việc không của riêng ai
Sau khi điểm qua một số hoạt động nổi bật trong công tác an sinh xã hội của Báo Quảng Trị, Tổng Biên tập Báo Quảng Trị Trương Đức Minh Tứ nhấn mạnh về việc kết nối giữa các cơ quan báo chí nói chung và lực lượng cán bộ, phóng viên trong mỗi tờ báo nói riêng để các hoạt động thiện nguyện trở nên nổi bật.
Tại Quảng Trị, trong những năm qua, từ thành thị đến nông thôn, từ miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới đến miền biển, hải đảo- lãnh đạo, cán bộ, phóng viên Báo Quảng Trị đều đã đến thăm hỏi, hỗ trợ xây dựng nhà ở, sinh kế cho người dân, trang thiết bị phục vụ học tập, phương tiện đi lại cho học sinh, tặng quà bằng tiền mặt và nhiều vật dụng cho đối tượng có công với cách mạng và các hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ xây dựng trường học, công trình phúc lợi công cộng...
Ông Tứ đánh giá cao vai trò của lực lượng đoàn viên thanh niên trong mỗi cơ quan báo chí, đồng thời cho rằng đây chính là lực lượng nòng cốt trong các hoạt động xã hội. Ngoài sự quan tâm của lãnh đạo, ban biên tập mỗi cơ quan báo chí thì cần khơi gợi tinh thần xung kích của tuổi trẻ, đặc biệt là các phóng viên trẻ. Từ đó, các hoạt động thiện nguyện sẽ đa dạng hơn và đối tượng cần giúp đỡ cũng được mở rộng hơn.
Phó Tổng Biên tập Báo Hà Giang Mai Ngọc Quỳnh: Đặc biệt lưu tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số.
Hàng năm, không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ phụ trách, giúp đỡ xã khó khăn do tỉnh phân công, Tòa soạn Báo Hà Giang còn trở thành cầu nối tham gia kêu gọi các nguồn lực xã hội hỗ trợ, giúp đỡ các địa phương, các hoàn cảnh khó khăn một cách hiệu quả, góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh
Là địa phương còn gặp nhiều khó khăn, nên công tác an sinh xã hội tại Hà Giang càng được chú trọng. Ông Mai Ngọc Quỳnh cho rằng, trong quá trình kêu gọi, kết nối các tấm lòng thiện nguyện cần chú ý đến đồng bào dân tộc thiểu số, đây là những đối tượng đang còn gặp nhiều khó khăn.
Quá trình giúp đỡ cũng nên tùy thuộc vào hoàn cảnh thực tiễn. Địa phương này có thể hỗ trợ những ngôi nhà tình nghĩa nhưng địa phương khác lại cần giúp bò giống, xây trường học…
Tổng Biên tập Báo Bà Rịa – Vũng Tàu (BRVT) Đỗ Hoàng Dung: Trao yêu thương để có nhiều thương yêu
Chia sẻ về công tác xã hội của Báo Bà Rịa – Vũng Tàu, Tổng Biên tập Báo Bà Rịa – Vũng Tàu Đỗ Hoàng Dung cho biết, Quỹ Tấm lòng vàng Báo BRVT huy động được gần 5 tỷ đồng và trao đến tận tay các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đây là con số được ghi nhận qua 4 năm Báo BRVT mở chuyên mục Kết nối yêu thương
Chúng tôi đã kết nối sức mạnh cộng đồng - các doanh nghiệp, các mạnh thường quân, cán bộ, công chức các sở ngành, các em học sinh, các nhóm bác sĩ thiện nguyện trong và ngoài tỉnh cùng chung tay với chương trình.
Mỗi tuần 1 bài viết và 52 tuần, Báo BRVT chung tay cứu giúp 52 cuộc đời mỗi năm. Đó là ý nghĩa thiết thực nhất của Quỹ Tấm lòng vàng Báo BRVT.
Báo BRVT cũng từng nhận lệnh chuyển khoản 200 triệu đồng từ các doanh nghiệp để xây nhà cho người nghèo; cũng đã nhận từ tay em học sinh, người bán vé số từng 20 - 50 ngàn đồng; từng chục trứng, bó rau, rổ khoai của các chị tiểu thương trong giai đoạn xảy ra dịch bệnh để trao đến các cụ già neo đơn trong khu phong tỏa…
Nhớ về các hoạt động mà Báo BRVT tổ chức, bà Dung khá xúc động khi báo tổ chức chương trình Trà - yoga ngay tại tòa soạn. Tại hoạt động này, có những người lần đầu tiên được uống được một tách trà ngon và cũng lần đầu tiên biết thế nào là yoga.
Tất cả những hoạt động thiện nguyện đó được bà Dung nói gọn: “Trao yêu thương để có nhiều thương yêu”.