Gắn kết cùng phát triển

Triển khai từ năm 2014, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp do Ngân hàng Nhà nước khởi xướng và duy trì đã góp phần tạo lập mối quan hệ gắn kết, hợp tác bền chặt và mang lại lợi ích chung cho cả đôi bên.

Trước hết có thể thấy, từ khi chương trình được triển khai, không chỉ doanh nghiệp tìm đến ngân hàng mà ngân hàng đã chủ động tìm kiếm và kết nối với doanh nghiệp để giải ngân hàng triệu tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh... Nổi lên trong đó là các tổ chức tín dụng đã đơn giản hóa các thủ tục hành chính, kịp thời giải quyết những vướng mắc khi doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh vì thiên tai, dịch bệnh như cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ, khoanh nợ, không tính lãi suất quá hạn hoặc đưa ra các gói tín dụng ưu đãi... Sự hợp tác này cũng giúp các ngân hàng tăng trưởng tín dụng bảo đảm chất lượng, đồng vốn được sử dụng một cách minh bạch, hiệu quả.

Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý đã giảm bớt khó khăn về vốn và chi phí lãi vay, từ đó có thêm nguồn lực phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Việc này càng có ý nghĩa trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, gây ra không ít khó khăn trong sản xuất, kinh doanh cho nhiều doanh nghiệp.

Nhìn rộng hơn, sự hợp tác giữa ngân hàng - doanh nghiệp đã góp phần không nhỏ giúp nền kinh tế phát triển, tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập cho người lao động.

Với ý nghĩa đó, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, mối quan hệ tương hỗ giữa ngân hàng - doanh nghiệp cần được gắn kết chặt chẽ, khăng khít hơn nữa để hóa giải áp lực khó khăn trước mắt, cũng như thực hiện các mục tiêu phát triển lâu dài. Bởi, như phản ứng dây chuyền, khi doanh nghiệp gặp khó khăn sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Do vậy, cùng với các biện pháp đang thực thi hiệu quả, các ngân hàng cần xem xét cân đối nguồn lực tài chính để tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay hợp lý trong điều kiện có thể; thiết kế những sản phẩm, dịch vụ phù hợp với doanh nghiệp trong những lĩnh vực khác nhau. Ngoài ra, các ngân hàng cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục cho vay để giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng nhanh chóng, thuận lợi.

Việc đẩy mạnh hợp tác giữa ngân hàng và doanh nghiệp cũng cần có vai trò trung gian rõ rệt hơn nữa của các cấp, ngành chức năng. Đặc biệt, trong thời gian này, việc tăng cường gặp gỡ, đối thoại giữa đại diện tổ chức tín dụng và doanh nghiệp nhằm tháo gỡ kịp thời vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn là điều hết sức quan trọng. Cũng qua đây, ngành chức năng có thể nắm bắt được thực tế để điều chỉnh chính sách điều hành tín dụng phù hợp.

Ở góc độ doanh nghiệp - bên đi vay, điều quan trọng trước tiên là phải sử dụng đồng vốn hiệu quả. Muốn vậy, doanh nghiệp phải chủ động lập kế hoạch, phương án sản xuất, kinh doanh, đáp ứng các điều kiện tín dụng theo đúng quy định để có thể tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Đồng thời, trong quá trình sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp cần cải thiện năng lực quản trị, nguồn lực tài chính, nâng cao tính minh bạch trong hoạt động để tạo niềm tin với tổ chức tín dụng. Đặc biệt, trước khó khăn do dịch bệnh, cùng với sự trợ giúp của các tổ chức tín dụng, thì mỗi doanh nghiệp phải tạo dựng được sức đề kháng cho riêng mình để hướng đến phát triển bền vững.

Việc kết nối ngân hàng với doanh nghiệp là vấn đề sống còn bởi phần lớn vốn của nền kinh tế dựa vào vốn vay ngân hàng và hoạt động của tổ chức tín dụng dựa vào cho vay doanh nghiệp. Mối quan hệ này phải bình đẳng, khăng khít trên cơ sở “đôi bên cùng có lợi” khi sử dụng đồng vốn, để hướng tới mục tiêu cộng sinh cùng phát triển, cùng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Quỳnh Anh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/961941/gan-ket-cung-phat-trien