Gắn kết để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Những ngày này, người dân cả nước nô nức tham gia Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ). Là ngày đặc biệt, mọi người trực tiếp tham gia các hoạt động như biểu diễn văn nghệ, diễu hành trước các đại biểu cấp cao ở Trung ương và địa phương. Nhiều người còn được khám, chữa bệnh, phát thuốc miễn phí, làm căn cước, cài đặt, xác thực định danh điện tử qua ứng dụng VNeiD, chơi các trò chơi dân gian...

19 năm một chặng đường tiếp nối

Ngày 13/6/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 521/QĐ-TTg lấy ngày 19/8 hằng năm là “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Đây là văn bản quan trọng khẳng định vị trí, vai trò, ý nghĩa và sự đóng góp to lớn của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp cách mạng nói chung và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc nói riêng. Đồng thời, cũng thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong gia đoạn hiện nay.

Việc tổ chức Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ là nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân tham gia vào sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh. Thông qua đó để phát huy tinh thần cảnh giác cách mạng của các tầng lớp nhân dân hướng đến mục tiêu đưa phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ thực sự trở thành phong trào tự giác của toàn dân.

Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ cùng bà con tham gia Ngày hội tại Bắc Ninh.

Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ cùng bà con tham gia Ngày hội tại Bắc Ninh.

Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ là cơ sở để tăng cường khối đoàn kết toàn dân, xây dựng đời sống văn hóa ở cộng đồng dân cư, đảm bảo tính ổn định để phát triển các mô hình sản xuất và phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội ở từng thôn, xóm; tích cực phát hiện, tố giác tội phạm, quản lý, giáo dục, cảm hóa người vi phạm phạm pháp luật tại cộng đồng dân cư, biểu dương, khen thưởng kịp thời những quần chúng nhân dân tiêu biểu trong phòng ngừa, đấu tranh tội phạm.

19 năm đã qua, cứ mỗi dịp tháng 8 hằng năm, từ Trung ương đến cơ sở trên khắp mọi vùng trong cả nước đâu đâu cũng tưng bừng khí thế các hoạt động hướng về Ngày hội, hướng về cơ sở, với những phần lễ, phần hội phù hợp với phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp của quê hương. Năm nay, Trung ương lựa chọn và chỉ đạo 25 đơn vị cấp xã tổ chức làm điểm, có lãnh đạo Trung ương dự, phát biểu. Bên cạnh đó, tại nhiều địa phương, lãnh đạo Bộ Công an đã dự, động viên bà con, tạo thêm không khí phấn khởi, vui mừng, tin tưởng của bà con đối với Đảng, Nhà nước và lực lượng Công an.

Thông qua việc tổ chức Ngày hội điểm tại các địa phương, lực lượng Công an các cấp đã làm tốt và ngày càng nâng cao chất lượng công tác tham mưu cấp ủy, chính quyền và phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể trong triển khai thực hiện công tác dân vận và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Qua đó củng cố và nhân rộng nhiều mô hình, tổ chức quần chúng, góp phần đưa phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ngày càng hoạt động hiệu quả, có chiều sâu, phát huy tinh thần tự giác, trách nhiệm của người dân trong đấu tranh, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội ở địa bàn cơ sở.

Cán bộ, chiến sĩ Công an làm Căn cước và xác thực định danh điện tử cho người dân tại Ngày hội.

Cán bộ, chiến sĩ Công an làm Căn cước và xác thực định danh điện tử cho người dân tại Ngày hội.

Nói về ngày hội của bà con, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ là phong trào cách mạng, sự nghiệp của quần chúng, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của các cấp ủy Đảng, sự điều hành của chính quyền, sự tích cực tham gia hưởng ứng vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là nhân dân, trong đó lực lượng CAND là “điểm tựa”, là nòng cốt để thúc đẩy và lan tỏa; công tác xây dựng phong trào phải được lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, chặt chẽ và thống nhất, gắn được chặt chẽ với các phong trào thi đua yêu nước khác tại địa phương; coi trọng về phương pháp, cách làm, đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền vận động, đổi mới nội dung, hình thức theo hướng thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế, hợp lòng dân, vì lợi ích của dân và đáp ứng yêu cầu chính đáng của nhân dân. “Mọi hoạt động phong trào phải hướng về cơ sở để đông đảo nhân dân được trực tiếp tham gia, thực sự trở thành ngày hội của toàn dân; ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng phong trào trên cả không gian mạng” - Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ yêu cầu.

Hoạt động khám chữa bệnh, cấp phát thuốc cho bà con tại Ngày hội.

Hoạt động khám chữa bệnh, cấp phát thuốc cho bà con tại Ngày hội.

Trong suốt 19 năm tổ chức Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ ở các địa phương, đã có hàng nghìn tập thể, cá nhân được nhận Bằng khen, Kỷ niệm chương Bảo vệ ANTQ của Bộ Công an, UBND tỉnh, Giấy khen của Giám đốc Công an tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố... Bên cạnh đó, hàng chục nghìn phần quà, hàng trăm tấn gạo cũng đã được trao tận tay người dân có hoàn cảnh khó khăn; hàng trăm căn nhà tình nghĩa, mái ấm tình thương được xây dựng tặng gia đình chính sách và bà con nghèo; hàng chục nghìn quyển vở, hàng trăm xe đạp tặng các em học sinh nghèo... Qua đó, đã góp phần đưa Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ thực sự trở thành niềm vui chung, là cầu nối giữa toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày hội của mọi người

Đó là tâm sự của bà con xã Hợp Đức, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, bởi họ chính là những người được trực tiếp làm nên Ngày hội từ các khâu chuẩn bị đến biểu diễn văn nghệ, biểu diễn võ thuật, diễu hành chào mừng đại biểu. Dậy từ 4h sáng để trang điểm và thực hành lần cuối cùng trước khi biểu diễn trước các đại biểu và bà con, bà Hoàng Thị Mận, 67 tuổi, ở thôn Lục Liễu Dưới cho biết, lâu nay bà vẫn tham gia phong trào thể thao ở địa phương nhưng đây là lần đầu tiên được biểu diễn nên “hơi căng thẳng”. “Chúng tôi được tự đăng ký, sau đó tập luyện rồi tham gia biểu diễn. Thông thường, các chị em trẻ tầm 40-50 sẽ tham gia, tôi hơi lớn tuổi nhưng thấy mình vẫn nhanh nhẹn, muốn đóng góp vào phong trào nên đăng ký tham gia và tập luyện nghiêm túc” - bà Mận cho biết.

Được biết, xã Hợp Đức vinh dự là một trong 25 địa phương được Trung ương lựa chọn chỉ đạo điểm Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ. Chính vì vậy, bà con của cả 10 thôn đều rất phấn khởi, cố gắng lựa chọn tiết mục đặc sắc nhất để trình diễn tại Ngày hội khiến phong trào sôi nổi, lôi cuốn hơn. Từ cả tháng trước, ngày nào tại nhà văn hóa các thôn cũng vang tiếng tập luyện từ hát, múa dân gian, biểu diễn dân vũ... Các cháu thiếu niên ở câu lạc bộ võ thuật còn đăng ký tham gia tiết mục võ cổ truyền.

Bên cạnh đó, mỗi thôn, mỗi lực lượng cũng cử những thành viên ưu tú nhất tham gia diễu hành, chào mừng khách quý. Việc luyện tập đã tạo nên không khí rất sôi nổi, vui vẻ, tăng tình đoàn kết của bà con làng trên xóm dưới. Các cháu thanh, thiếu niên được lôi cuốn vào phong trào nên giảm hẳn tình trạng tụ tập, chơi điện tử. Không chỉ thế, phong trào đã khơi dậy lòng tự tôn dân tộc, ý thức trách nhiệm của công dân đối với cộng đồng. Đây chính là cái được, cái lợi lớn nhất mà bà con đạt được khi tham gia Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ.

Còn ở Bắc Ninh, phong trào cũng rầm rộ không kém bởi trước khi Ngày hội chính thức diễn ra, bà con đã tham gia nhiều chương trình văn nghệ, thể thao như: hát quan họ, kéo co, biểu diễn dân vũ... Được cháu đưa đến từ sớm để xem văn nghệ và khám bệnh, ông Lê Xuân Hòa, 74 tuổi, ở Phù Chẩn, Từ Sơn, Bắc Ninh cho biết, ông và bà con rất hài lòng khi được Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện hết mức.

“Tôi đi bộ đội năm 1967-1968, lúc đó chỉ nghĩ đánh thắng giặc để bà con mình yên tâm cấy ruộng chứ không thể tưởng tượng được đất nước phát triển nhanh, mạnh mẽ như hiện nay. Chúng tôi được quan tâm chu đáo, được khám, chữa bệnh miễn phí, thường xuyên được thăm hỏi, động viên. Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ này, tôi được cán bộ đưa giấy mời đến tận nhà mời tham gia nên rất xúc động” - ông Hòa cho biết.

Còn chị Nguyễn Thị Huyền ở khu phố Xích Đạo, phường Phù Chẩn, TP Từ Sơn đưa hai con 10 và 12 tuổi đến Ngày hội để làm căn cước, bản thân chị thì cập nhật định danh điện tử. “Tôi được cán bộ công an đến tận nhà mời nên đến đây. Các cô, chú công an phục vụ rất chu đáo, vì có nhiều bàn nên các con tôi không phải chờ đợi gì, được lăn tay, chụp ảnh để làm căn cước ngay. Tôi mang thẻ bảo hiểm y tế và giấy phép lái xe đến để tích hợp vào căn cước. Thế là từ nay không phải mang nhiều thứ giấy tờ lỉnh kỉnh” - chị Huyền cho biết. Sau khi làm xong căn cước, hai con chị Huyền hào hứng đi xem kéo co, xem văn nghệ và các sản phẩm OCOP của địa phương.

Tiết mục văn nghệ chào mừng ngày hội.

Tiết mục văn nghệ chào mừng ngày hội.

Ở huyện Kim Bảng, Hà Nam, ngoài các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tỉnh còn tổ chức “Phiên chợ của tình người” để tư vấn giới thiệu việc làm, vay vốn cho người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng tại địa bàn. Đây là hoạt động hết sức thiết thực, ý nghĩa, nhân văn, giúp người lầm lỗi vượt qua mặc cảm để làm lại cuộc đời.

Bên cạnh đó, tại xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng - địa bàn được chọn tổ chức điểm Ngày hội, Công an xã đã tổ chức diễn đàn “Công an xã lắng nghe ý kiến nhân dân”; họp mặt, ôn lại truyền thống; thảo luận, trao đổi kinh nghiệm công tác xây dựng phong trào; tổ chức ký kết giao ước thi đua giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự và biểu dương, khen thưởng thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ... tạo khí thế thi đua sôi nổi, thu hút đông đảo nhân dân tham gia theo đúng tiêu chí Ngày hội thực sự là ngày hội của toàn dân.

Tạm biệt bà con - những người chủ của Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ, những gương mặt rạng rỡ, tiếng cười nói hồn hậu, vui vẻ của người dân đã tạo thành “sợi dây gắn kết” giữa toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phương Thủy

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/gan-ket-de-xay-dung-va-bao-ve-to-quoc-i740819/