Gắn kết doanh nghiệp với đào tạo nghề

Nhằm giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, nhiều cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp đã chủ động kết nối với nhau để phối hợp đào tạo. Tại Lào Cai những năm qua, sự liên kết này đã đạt những kết quả đáng mừng.

Bùi Văn Đức, sinh viên Khoa Công nghệ ô tô K1, Trường Cao đẳng Lào Cai, tốt nghiệp năm 2018. Ra trường, Đức may mắn xin được việc tại Honda ô tô Lào Cai với mức thu nhập khởi điểm 7 triệu đồng/tháng. Đức cho biết: Vì nhà trường và Honda ô tô Lào Cai ký kết giải quyết việc làm cho sinh viên sau đào tạo nên ngay từ khi còn học tại trường, em và các bạn đã được đào tạo bài bản, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp tuyển dụng. Nhờ có sự gắn kết của nhà trường với doanh nghiệp tuyển dụng mà khi ra trường, em nhanh chóng thích nghi với công việc được giao.

Sinh viên trường Cao đẳng Lào Cai nghe Khách sạn Royal Lào Cai tư vấn tuyển dụng.

Sinh viên trường Cao đẳng Lào Cai nghe Khách sạn Royal Lào Cai tư vấn tuyển dụng.

Hoàng Thị Mấy, sinh viên Khoa Du lịch, Trường Cao đẳng Lào Cai, cũng may mắn có được công việc ổn định ngay sau khi ra trường nhờ chương trình liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp. Hiện Mấy đang làm lễ tân tại khách sạn Silk Path (huyện Sa Pa) với mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng. Đây cũng là mức thu nhập đáng mừng đối với nhiều sinh viên ngay khi mới ra trường.

Đức và Mấy chỉ là 2 trong số hàng nghìn sinh viên của Trường Cao đẳng Lào Cai có được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Ông Hoàng Quang Đạt, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lào Cai cho biết: Công tác đào tạo gắn với giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên luôn được trường chú trọng. Hằng năm, trường tổ chức “Ngày hội việc làm cho học sinh, sinh viên”, tại đây, các em được các đơn vị tuyển dụng phỏng vấn trực tiếp, từ đó có nhiều cơ hội lựa chọn công việc phù hợp với nghề được đào tạo và năng lực của bản thân. Tại mỗi “Ngày hội việc làm cho học sinh, sinh viên”, có hàng trăm em đã được ký hợp đồng lao động, nhiều em có việc làm khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Hiện Trường Cao đẳng Lào Cai đã ký kết các văn bản và thực hiện hợp tác với hơn 70 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực như điện, cơ khí, du lịch - dịch vụ, nhà hàng - khách sạn, nông - lâm nghiệp và thú y. Trường cũng liên hệ với các doanh nghiệp để đưa học sinh, sinh viên đến tham quan, thực hành, thực tập và tuyển dụng vào làm việc, trong đó có một số đơn vị lớn như Tập đoàn Sun Group, khách sạn Silk Path Sapa, khách sạn Aristo, Công ty TNHH Cơ khí tổng hợp Huy Long, Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Tiến Thành... Đa số học sinh, sinh viên được các doanh nghiệp trả lương trong thời gian thực tập. Bên cạnh đó, nhà trường và doanh nghiệp tăng cường phối hợp, tạo thuận lợi nhất trong đào tạo, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên, đảm bảo khi ra trường đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Trường cũng từng bước hợp tác với một số đơn vị để tư vấn cho học sinh xuất khẩu lao động sang các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Thực tế cho thấy, mô hình liên kết giữa cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp trong đào tạo và giải quyết việc làm đã đem lại hiệu quả thiết thực cho cả 4 bên: Học viên, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và nhà nước. Từ đó mở ra cơ hội lớn để trường nghề phát huy thế mạnh trong đào tạo, đồng thời thiết lập mối quan hệ bền chặt giữa doanh nghiệp - nhà trường - nhân lực chất lượng cao, đem lại cho học viên học nghề nền tảng kiến thức và thực tế tốt, tạo lợi thế cạnh tranh, giúp dễ dàng tìm kiếm công việc sau khi học nghề ở những vị trí đòi hỏi trình độ cao hơn.

Sinh viên Trường Cao đẳng Lào Cai ký hợp đồng với doanh nghiệp.

Sinh viên Trường Cao đẳng Lào Cai ký hợp đồng với doanh nghiệp.

Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh, đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 14 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 1 trường cao đẳng, 1 trường trung cấp, 12 trung tâm giáo dục nghề nghiệp (11 trung tâm công lập và 1 trung tâm tư thục) và 3 trung tâm có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp đã dần có sự gắn kết trong việc đặt hàng theo nhu cầu của doanh nghiệp, thực hành, thực tập tại doanh nghiệp, tham gia của doanh nghiệp. Tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau đào tạo đạt từ 65% trở lên, trong đó các nghề trọng điểm có tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau đào tạo hơn 90%. Riêng trong giai đoạn 2014 - 2018, các trường, trung tâm giáo dục nghề nghiệp đã chủ động phối hợp với hơn 250 doanh nghiệp để phối hợp trong công tác đào tạo, thực tập, thực hành, tuyển dụng hơn 4.640 học sinh, sinh viên.

Từ thực tế trên cho thấy, để nâng cao hiệu quả trong đào tạo nghề, cần xây dựng được sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp. Điều này không chỉ giúp sinh viên tiếp cận nhiều cơ hội việc làm mà doanh nghiệp cũng có được nhân lực đảm bảo cho hoạt động sản xuất, giảm chi phí đào tạo lại lao động sau tuyển dụng.

Thanh Huệ

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/gan-ket-doanh-nghiep-voi-dao-tao-nghe-z5n20191220081108153.htm