Gắn kết phát triển ngành Công Thương khu vực phía Bắc
Sáng 17/6, Bộ Công Thương phối hợp với UBND TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ X, năm 2024. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn đồng chủ trì hội nghị.
Duy trì đà tăng trưởng
Theo báo cáo tại hội nghị, hoạt động sản xuất công nghiệp của 28 địa phương khu vực phía Bắc trong 6 tháng đầu năm 2024 có nhiều chuyển biến tích cực, duy trì đà tăng trưởng khá, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung. Có 25/28 địa phương có chỉ số IIP tăng trưởng dương so với cùng kỳ, 11/28 địa phương có mức tăng trưởng từ 10% trở lên. Một số trung tâm công nghiệp khu vực phía Bắc đã khôi phục đà tăng trưởng công nghiệp như: Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Hà Nội.
Khu vực dịch vụ tiếp tục là điểm sáng, duy trì đà tăng trưởng tích cực, đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng chung của các địa phương; giá cả hàng hóa được kiểm soát. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của 28 tỉnh, thành khu vực phía Bắc 6 tháng năm 2024 ước đạt 1.404 nghìn tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ; đa số các địa phương trong vùng có tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng so với cùng kỳ.
Hoạt động xuất khẩu của các địa phương cũng đạt kết quả tích cực. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Khu vực nửa đầu năm ước đạt 120,7 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ. 24/28 địa phương trong vùng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng dương. Các địa phương đạt tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức cao và chiếm tỷ trọng lớn trong toàn khu vực đều có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ.
Công tác quy hoạch, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại trong khu vực ngày càng được quan tâm. Hệ thống hạ tầng thương mại phát triển đúng hướng; mạng lưới các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị quan tâm đầu tư nâng cấp và xây dựng mới, góp phần thay đổi diện mạo đô thị, khu vực nông thôn, miền núi. Nhiều mô hình thương mại mới (Outlet; máy bán hàng tự động ...) đã được một số địa phương nghiên cứu, đề xuất triển khai.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực công thương; kiến nghị đề xuất những chế độ chính sách liên quan và giải pháp hoàn thành nhiệm vụ của Ngành trong các lĩnh vực: Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực công thương; công tác kế hoạch và quy hoạch; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực canh tranh, liên kết vùng; phát triển sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp ưu tiên có tiềm năng lợi thế của các địa phương; công tác quản lý và phát triển các cụm công nghiệp; kết nối thị trường, cung - cầu tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; phát triển các loại hình kinh tế ban đêm, kinh tế chia sẻ...
Hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đánh giá, năm 2023 và 06 tháng đầu năm 2024, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của nước ta nói chung và của ngành Công Thương nói riêng tuy còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, chịu ảnh hưởng rất lớn của biến động địa chính trị, biến động kinh tế khó dự báo, nhưng ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật.
Để đạt được mục tiêu kế hoạch năm 2024, góp phần quan trọng vào việc thực hiện hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021-2025 và thực hiện thắng lợi các mục tiêu chung của toàn ngành Công Thương, Thứ trưởng đề nghị các địa phương tiếp tục phát động và tổ chức các phong trào thi đua trong các doanh nghiệp, phấn đấu đạt được các mục tiêu về sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tập trung rà soát nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp.
Các địa phương cần tập trung triển khai Đề án cơ cấu lại ngành Công Thương giai đoạn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Đồng thời, triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch các địa phương, nhất là quy hoạch trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản… tạo ra dư địa và xung lực mới cho các địa phương.
Thứ trưởng Bộ Công Thương đề nghị các địa phương chủ động cung cấp nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Chú trọng thực hiện tốt cung ứng xăng dầu, điện cho sản xuất và đời sống với phương châm trong bất kỳ tình huống nào cũng không để xảy ra đứt gãy nguồn cung.
Cùng với đó, tập trung hướng dẫn, giúp đỡ các doanh nghiệp, người sản xuất kinh doanh trong hoạt động sản xuất kinh doanh bám sát tín hiệu thị trường, khai thác hiệu quả các FTA, triển khai thực hiện hiệu quả Đề án xuất khẩu chính ngạch mà Bộ Công Thương đã xây dựng và đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua. Chuyển mạnh mẽ, dứt điểm từ tiểu ngạch sang chính ngạch, gắn với xây dựng thương hiệu hàng Việt.
Song song với các nội dung trên, Lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị các địa phương tập trung đấu tranh với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… trên kênh truyền thống và kênh thương mại điện tử. Rà soát, sắp xếp lại, cố gắng tạo điều kiện để thương hiệu Việt khẳng định được vị thế của mình trong lĩnh vực bán lẻ, nâng năng lực của doanh nghiệp Việt, đạt được mục tiêu của hội nhập.
Ngoài ra, các địa phương khẩn trương tập hợp kiến nghị đề xuất từ các doanh nghiệp, từ người sản xuất nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện hữu. Đồng thời, đề xuất để đưa ra các cơ chế chính sách tạo đột phá, giải phóng nguồn lực trong xã hội, giải phóng nguồn lực các địa phương; Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp nội, hình thành, phát triển các doanh nghiệp đủ mạnh, độc lập, tự cường.
Nhân dịp này, để tiếp tục phát triển mối quan hệ gắn bó trong ngành Công Thương từ Trung ương với các địa phương nhằm tăng cường công tác hỗ trợ, phối hợp và thúc đẩy mọi hoạt động của Ngành đối với các tỉnh, thành phố trong khu vực, Lãnh đạo Bộ Công Thương đã trao cờ đăng cai tổ chức Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ XI, năm 2025 cho Sở Công Thương Hà Giang.
Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/gan-ket-phat-trien-nganh-cong-thuong-khu-vuc-phia-bac.html