Gắn kết và lan tỏa yêu thương
Hơn 16 năm hoạt động, Đội Công tác xã hội (CTXH) Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng để lại dấu ấn sâu đậm với nhiều việc làm ý nghĩa giúp những mảnh đời bất hạnh.
Từ nhiều năm nay, Đội CTXH đã duy trì một lớp học tình thương tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng (trước đây là Trường Phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu). Lớp học ra đời từ tháng 9-2013, dưới sự dẫn dắt của chị Đinh Thị Thanh Ngân, cựu sinh viên Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng. Dù rất bận với lịch học trên giảng đường và làm thêm giúp đỡ gia đình nhưng các thành viên của đội vẫn duy trì lịch dạy học từ 19 giờ đến 21 giờ 30 phút các tối thứ hai, thứ ba và thứ năm hằng tuần. Đều đặn mỗi tuần 3 buổi tối, có 15 sinh viên trong Đội CTXH đến với Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng để hướng dẫn những học sinh khiếm thị học bài theo hình thức "một kèm một". Để tiện cho việc dạy học, đội đã phân chia các khu vực lớp học theo từng tầng từ tiểu học đến THPT. Bên trang sách mở, những “người thầy sinh viên” đọc bài trên sách giáo khoa giúp các cô cậu học trò khiếm thị chuyển thành chữ nổi để hoàn thành bài học. Suốt 6 năm qua, lớp học đều đặn diễn ra như vậy trong ấm áp, sẻ chia…
Đảm nhận công việc hỗ trợ kiến thức tại trung tâm từ khi vừa trở thành sinh viên năm thứ nhất, Đoàn Thị Thanh Thảo (sinh viên năm thứ 4 ngành công nghệ thực phẩm, Đội phó Đội CTXH) kể: “Tôi được phân công hỗ trợ kiến thức khối A cho một bạn khiếm thị là Trần Văn Hoàng. Lúc đầu tôi nghĩ, mình vừa vào đại học nên lớn tuổi hơn Hoàng. Không ngờ sau này mới biết anh ấy hơn tôi 6 tuổi. Cùng anh mày mò học, làm bài tập, tôi mới biết anh Hoàng mất 6 năm để làm quen với chữ nổi và vượt qua bao nhiêu khó khăn của một người không nhìn thấy gì để tiếp thu một lượng kiến thức rất lớn. Ở trung tâm còn rất nhiều bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn khác, mục tiêu chính của chúng tôi là chia sẻ, quan tâm tới các bạn, điều đó còn quan trọng hơn cả việc cho các bạn kiến thức”.
Để các bạn, các em hòa đồng và tự tin hơn, các thành viên của đội đã trò chuyện, giao lưu và tổ chức một số hoạt động vui chơi. Việc làm này giúp kiến thức được truyền đạt một cách nhanh chóng, hiệu quả. Bạn Nguyễn Thị Khương (sinh viên năm thứ 3 ngành công nghệ sinh học) tâm sự: “Cách dạy của chúng tôi là sự ân cần và yêu thương. Nhìn những đôi tay mò mẫm một cách chậm rãi trên bảng chữ nổi đủ tạo ra những xúc cảm cho cả người học và người dạy”.
Gắn bó và tâm huyết với lớp học, Đặng Thanh Hải (sinh viên năm thứ 4 Khoa Điện-Điện tử, Đội trưởng Đội CTXH) chia sẻ: “Mặc dù rất bận rộn với lịch trình của đội và còn phải đi học, nhưng mỗi lần đặt chân vào nơi đây, tôi luôn cảm thấy vô cùng thoải mái. Có lẽ tiếng gọi “thầy ơi, cô ơi” là điều gì đó vô cùng thiêng liêng và cao quý đối với chúng tôi”.
Lớp học không chính quy, nhưng thành tích của các học sinh đặc biệt cũng khiến những "người thầy sinh viên" đủ tự hào. Năm học 2015-2016, Mai Văn Hiền trúng tuyển vào Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh. Năm học 2016-2017, Trần Văn Hoàng được tuyển thẳng vào Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh. “Thành tích học tập cũng như sự tiến bộ, tự tin giao tiếp hòa đồng của các em học sinh trong lớp là món quà vô giá cho những thầy giáo, cô giáo không chuyên như chúng tôi. Điều này tạo cho chúng tôi động lực để tiếp tục con đường mình đã chọn", Đặng Thanh Hải chia sẻ.
Ngoài việc dạy học tại trung tâm, các sinh viên trong Đội CTXH còn có nhiều hoạt động tình nguyện, như: Xuân tình nguyện, Hè yêu thương, Ngày hạnh phúc, Trung thu cho em… Đội cũng đến các bản làng vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để chung tay hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, như: Trao tặng quà Tết, thực phẩm, sửa chữa trường lớp, chỉnh trang đường nông thôn và tổ chức các hoạt động vui chơi cho trẻ em khó khăn cũng như tặng quà và thăm hỏi các cụ già neo đơn trên địa bàn.
Bằng trái tim nhân hậu và lòng yêu thương, những hành động đẹp và ý nghĩa của các sinh viên trong Đội CTXH Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng đã giúp đỡ, chia sẻ với nhiều mảnh đời khó khăn, lan tỏa tình yêu thương và tinh thần của tuổi trẻ cống hiến vì cộng đồng.